DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH ĐỒN ĐIỀN ROSSI

Chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2022) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022). Bảo tàng Đắk Lắk giới thiệu Di tích lịch sử Đồn điền Rossi và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong Cách mạng tháng Tám 1945 tại Đắk Lắk.

Di tích lịch sử Đồn điền Rossi tọa lạc tại đường Trần Hưng Đạo, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 42 km về hướng Đông Bắc. Đồn điền Rossi là một trong số các đồn điền vừa trồng cà phê, vừa trồng cao su do người Pháp thành lập ở Đắk Lắk vào năm 1926 nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh hơn nữa công cuộc khai thác, bóc lột các thuộc địa ở Đông Dương và Việt Nam. Khi Đồn điền được thành lập cũng là thời điểm giai cấp công nhân Đồn điền Rossi bắt đầu ra đời mà chính họ là nạn nhân của nạn cướp đoạt ruộng đất và bần cùng hóa.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, công nhân Đồn điền Rossi đã đấu tranh quyết liệt nhằm chống lại sự áp bức, bóc lột tàn bạo của tư bản thực dân. Công nhân đồn điền dù là người Kinh hay người dân tộc thiểu số đều tự hào về một thời kỳ đấu tranh cách mạng sôi nổi của mình, thời kỳ đấu tranh bảo vệ quyền lợi lao động, giành độc lập, giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần đưa tới thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám 1945, đánh dấu sự sụp đổ bộ máy cai trị của thực dân Pháp sau hơn 80 năm xâm lược nước ta.

Căn cứ vào các tài liệu lịch sử và lời kể của các cán bộ, công nhân, chiến sĩ đã từng hoạt động tại Đồn điền Rossi thì di tích có những sự kiện, nhân vật lịch sử như sau:

Đến cuối những năm 90 của thế kỷ XIX, thực dân Pháp mới bình định được vùng đồng bằng và bắt đầu tiến quân xâm lược các cùng cao nguyên, miền núi. Sau khi đặt được ách thống trị, hoạt động chủ yếu của thực dân Pháp ở Đắk Lắk là ra sức bóc lột kinh tế, khai thác tài nguyên.

Quá trình thành lập các đồn điền ở Đắk Lắk có hai thời kỳ: Thời kỳ đầu là trước năm 1923, do còn phải tập trung vào việc bình định, mở đường giao thông, xây dựng các cơ sở hạ tầng và phải tập trung cho chiến tranh ở châu Âu, nên thực dân pháp chưa bỏ tiền đầu tư lên vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Vì vậy, số đơn xin phép và số đồn điền được thiết lập thực tế chưa nhiều, chỉ mới có một số công ty và tư nhân thực sự có thế lực mới dám bỏ vốn ra kinh doanh. Trong những đồn điền đầu tiên được lập ra ở Đắk Lắk thời kỳ này có 2 cơ sở lớn nhất là Đồn điền CADA (Compagnie Agricole D’Asie) với số vốn đầu tư ban đầu là 56 triệu Frăng, diện tích 1.800 ha và đồn điền C.H.P.I (Compagnie des Hauts Plateaux Indochinois) với số vốn ban đầu là 10 triệu Frăng, diện tích là 1.371 ha (Theo Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn tỉnh Đắk Lắk, NXB Lao động, Hà Nội – 1997, tr.32).

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), để khôi phục kinh tế của chính quốc bị kiệt quệ, thực dân Pháp chủ trương đẩy mạnh hơn nữa công cuộc khai thác, bóc lột các thuộc địa, tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương và Việt Nam quy mô rộng lớn. Do nhu cầu về nguyên liệu công nghiệp, hàng hóa tiêu dùng như mủ cao su, cà phê, chè…bị khan hiếm, trong khi đó đất đai để trồng những loại cây này ở những nơi khác cơ bản không còn dễ dàng như trước, nên chúng buộc phải tiến lên vùng đất đỏ Tây Nguyên. Đặc biệt, từ năm 1923, khi tỉnh Đắk Lắk được lập lại, viên Công sứ Sabachie cho thực hiện nhiều biện pháp để bình định tình hình, củng cố bộ máy chính trị, ban hành các chính sách cấp đất, tuyển dụng nhân công, khuyến khích giới chủ bỏ vốn xây dựng các đồn điền. Tại Sắc lệnh ngày 04/11/1928, Toàn quyền Đông Dương càng có ý thức hơn trong việc thiết lập các đồn điền ở vùng người dân tộc thiểu số bằng cách tạo điều kiện để bên cạnh đồn điền của các công ty lớn thì có các đồn điền nhỏ của bọn thực dân là quan chức chính quyền, sĩ quan quân đội với chiêu bài “vừa mở mang kinh tế vừa giúp trị an” (Theo Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn tỉnh Đắk Lắk, NXB Lao động, Hà Nội – 1997, tr.33, 35).

Với những chủ trương và chính sách vừa trắng trợn vừa xảo quyệt như vậy nên đến trước năm 1930, trên địa bàn Đắk Lắk đã có hàng chục đồn điền của các công ty và tư nhân người nước ngoài, chủ yếu là của người Pháp được thành lập. Riêng năm 1926 đã có trên 26 lá đơn xin lập đồn điền ở Đắk Lắk với diện tích khai thác là 200.000 ha (Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 -1954, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2002, tr.30). Những đồn điền này nằm rải hai bên các trục đường quốc lộ 21, quốc lộ 14 và xung quanh Buôn Ma Thuột như: Đồn điền Ô giê, đồn điền Mô-ri, May-ô… Ở Buôn Hồ có Đồn điền Rossi rộng lớn, vừa trồng cao su vừa trồng cà phê (Theo Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn tỉnh Đắk Lắk, NXB Lao động, Hà Nội – 1997, dẫn Hồi ký đồng chí Nguyễn Tâm Thu. Tài liệu lưu tại Liên hiệp Công đoàn tỉnh Đắk Lắk).

Tất cả những đồn điền trên đều là của các công ty tư bản hoặc của tư nhân người nước ngoài, đứng đầu là những ngân hàng lớn, các chủ hãng, sĩ quan cao cấp và một số nhà buôn, nhà thầu người Pháp, lớn nhất là Đồn điền CADA, C.H.P.I và Rossi. Thời gian này, người Việt Nam, kể cả người Kinh và người dân tộc thiểu số đều không được phép lập đồn điền ở Đắk Lắk.

Việc thực dân tư bản Pháp ráo riết mở mang đường sá, xây dựng công sở, đua nhau thiết lập đồn điền ở Đắk Lắk đã tác động sâu sắc đến tình hình chính trị, xã hội và kết cấu giai cấp ở đây. Đồn điền được thiết lập đã dẫn đến sự hình thành của một lực lượng lao động theo lối công nghiệp phục vụ nó, đó là những công nhân giao thông, công nhân xây dựng, công nhân làm việc ở đồn điền. Các đồn điền lấy công nhân ở các tỉnh miền xuôi như: Quảng Trị, Thừa Thiên, Bình Định và thậm chí cả ở Bắc Kỳ, nhưng về sau do chúng muốn có một số lượng người khá đông để làm việc liên tục với giá rẻ mạt hơn nên dần dần việc tuyển mộ công nhân chủ yếu dựa vào nguồn tại chỗ của các dân tộc ít người. Vì vậy, công nhân trong các đồn điền ở Đắk Lắk có khoảng 70% là người địa phương còn 30 % là đồng bào các tỉnh khác (Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 -1954, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2002, tr.31).

Tất cả công nhân dù là người Kinh hay người Thượng đều là nạn nhân của chế độ bóc lột nặng nề của Pháp. Khi đã bước chân vào đồn điền là họ bị chế độ lao động khổ sai tàn bạo vắt kiệt sức lực. Mỗi ngày người công nhân phải làm vệc từ 11 - 14 giờ, đến mùa thu hoạch phải làm nhiều hơn. Nếu không bảo đảm kỹ thuật hoặc làm hư hỏng cây cối thì họ bị cúp phạt và có khi bị đánh chết tại chỗ. Do chính sách khai thác ào ạt của thực dân Pháp, số lượng công nhân thường trực trong các đồn điền ngày càng tăng. Năm 1926, ở Đắk Lắk có khoảng 1.000 công nhân, đến năm 1941 - 1942 có khoảng 7.000 công nhân thường trực làm ở các đồn điền lớn, làm đường giao thông và hàng nghìn công nhân là nông dân ở các buôn làng đi làm theo chế độ công nhật (Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 -1954, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2002, tr.31).

Từ năm 1922 đến 1945, tiền lương của công nhân không thay đổi. Mức bình quân cả công nhân chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp là 20 xu mỗi ngày. Nhưng số tiền đó bọn chủ không thanh toán trực tiếp cho công nhân mà trả qua bọn cai ký, chánh tổng, nên đồng lương bị bớt xén qua nhiều tầng nấc. Chủ đồn điền không chỉ bóc lột sức lao động của công nhân mà còn bày đặt ra nhiều tệ nạn như nghiện hút, cờ bạc, rượu chè, lễ tết…để bòn rút tới đồng xu dính túi của họ (Theo Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn tỉnh Đắk Lắk, NXB Lao động, Hà Nội – 1997, tr.48).

Việc thành lập các đồn điền và du nhập chủ nghĩa tư bản thực dân đã phá vỡ nền kinh tế cổ truyền của các dân tộc, khiến cho sự phân hóa giai cấp ở Đắk Lắk có những bước phát triển mới, giai cấp công nhân ra đời. Có thể nói ít nơi nào lại bị tăm tối, khinh rẻ như công nhân Đắk Lắk, họ vừa bị ngược đãi, bị áp bức bóc lột nặng nề với đồng lương chết đói, chế độ làm việc khổ sai, ăn uống kham khổ, sức lực ngày càng kiệt quệ; vừa bị phân biệt đối xử, kỳ thị dân tộc rất nặng nề, bị giam hãm trong vòng mù chữ, lạc hậu và sự khiếp sợ; vừa bị tha hương lưu lạc, lại bị cướp mất nương rẫy, buôn làng. Giai cấp nông dân Đắk Lắk ngày càng bị bần cùng hóa, giai cấp tiểu tư sản xuất hiện nhưng yếu ớt và nhỏ bé. Nên tất cả giai cấp và các dân tộc ở Đắk Lắk đều rất căm thù thực dân Pháp và tư nhân người nước ngoài, sẵn dàng nổi dậy chống lại bọn chúng.

Những cuộc đấu tranh đầu tiên của công nhân Đắk Lắk trong thời kỳ hình thành đến trước 1930 diễn ra tuy chưa nhiều nhưng là một bộ phận quan trọng trong phong trào yêu nước nói chung của Nhân dân các địa phương và khu vực Tây Nguyên. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, với đường lối cứu nước đúng đắn, ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã phát động và lãnh đạo một cao trào đấu tranh chống đế quốc phong kiến rộng lớn trong cả nước. Cao trào 1930 – 1931 với đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc vùng dậy quyết liệt của công – nông Việt Nam đã làm rung chuyển nền thống trị của bọn đế quốc phong kiến. Các cuộc đấu tranh của công nhân các đồn điền, công trường ở Đắk Lắk đã có yếu tố tự giác, có tổ chức biểu hiện ngày càng rõ nét hơn.

Năm 1933, cùng với phong trào đấu tranh chung của công nhân trong tỉnh, công nhân Đồn điền Rossi đã tổ chức một cuộc đấu tranh quan trọng. Do thủ đoạn chia rẽ, phân biệt đối xử và bóc lột thậm tệ của thực dân Pháp, bọn chủ Đồn điền thường trả lương cho công nhân người dân tộc thiểu số ít hơn công nhân người Kinh. Cuộc đấu tranh đã diễn ra hết sức sôi nổi và mạnh mẽ: Công nhân đã nhất loạt đình công, đưa yêu sách tớ bọ chủ, thậm chí họ đập phá nhà cửa và vận động bà con nông dân trong vùng đến bao vây nhà tên chủ Đồn điền. Cuộc đấu tranh đã làm cho mọi hoạt động của Đồn điền Rossi hầu như bị tê liệt hoàn toàn trong một tuần lễ. Cuối cùng, trước sức đấu tranh của công nhân được đồng bào khắp vùng ủng hộ, bọn chủ đã phải nhượng bộ. Tên chủ sở trước khi đến đồn điền để nhận các yêu sách của công nhân đã phải tìm đường khác đến Tòa sứ Buôn Ma Thuột mượn tiền mang về để trả lương cho công nhân (Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 -1954, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2002, tr. 61, 62)

Phong trào công nhân tiếp tục phát triển mạnh và lan rộng sang các đồn điền khác, đặc biệt sau thắng lợi của cuộc đấu tranh của công nhân Đồn điền CADA (tháng 2/1940), có ảnh thưởng tích cực tới công nhân các đồn điền khác (trong đó có Đồn điền Rossi) nằm ở dọc hai trục đường quốc lộ 14 và 21 khiến cho bọn địa chủ hết sức lo sợ. Chúng tìm mọi cách để đối phó, ngăn chặn phong trào như dọa dẫm, mua chuộc, xoa dịu công nhân…Tuy nhiên, chúng vẫn không thể nào dập tắt được phong trào đấu tranh của công nhân ngày một lan rộng khắp các đồn điền trong tỉnh Đắk Lắk.

Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 09/3/1945, Nhật lên nắm quyền cai trị ở Đắk Lắk, một số hãng buôn, nhà máy, đồn điền của Pháp tạm thời giao cho các cai, ký Việt Nam trông coi và điều hành. Mặc dù các hoạt động sản xuất vẫn cơ bản được duy trì, công nhân vẫn phải làm việc như trước, nhưng các hoạt động khác có phần lỏng lẻo hơn. Khoảng thời gian từ tháng 3/1945 đến tháng 8/1945 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của phong trào công nhân Đắk Lắk. Chỉ trong 5 tháng, phong trào công nhân Đắk Lắk đã có bước trưởng thành đột biến, đó là trực tiếp có sự lãnh đạo của Đảng, hình thành các các đội công nhân cứu quốc tham gia vào phong trào kháng Nhật cứu nước. Đây là bước chuẩn bị có ý nghĩa quyết định thắng lợi đối với cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở Đắk Lắk.

Chiều ngày 24/8/1945, tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột, gần 4.000 người dân thuộc mọi giai cấp, dân tộc và khoảng 500 tự vệ các đồn điền, lính bảo an (đã ngả theo cách mạng) đã đến dự cuộc mít tinh. Đại diện của Việt Minh lên lễ đài nhân danh cách mạng tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng và công bố danh sách Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, kêu gọi đồng bào các dân tộc, công nhân các đồn điền, nông dân các buôn làng và toàn thể Nhân dân trong tỉnh quyết tâm bảo vệ chính quyền, giữ gìn độc lập, xây dựng chế độ mới. Bước sang thời kỳ chống Mỹ, Đồn điền Rossi trở thành cơ sở vững chắc của Đảng và chính quyền cách mạng tỉnh Đắk Lắk và là nơi cung cấp, tiếp tế hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược cho cách mạng.

Như vậy, Đồn điền Rossi là nơi để ghi dấu và tri ân công lao của các thế hệ công nhân của Đồn điền, bởi họ đã biến một đồn điền của thực dân thành một cơ sở vững chắc cho cách mạng. Những người công nhân ấy đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đấu tranh cách mạng kiên cường và bất khuất, đoàn kết các dân tộc thành một khối thống nhất, quyết tâm đánh địch, bám trụ giữ vững từng tất đất, từng lô cao su, rẫy cà phê, bảo vệ thành quả cách mạng để giành lấy nền độc lập, thống nhất nước nhà.





Ngày nay, qua những trang sử hào hùng về truyền thống đấu tranh của Nhân dân ta nói chung, của công nhân Đồn điền Rossi nói riêng, nơi đây đã trở thành một địa chỉ đỏ của thị xã Buôn Hồ, nhằm giáo dục cho mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về ý chí quật cường, truyền thống yêu nước và hun đúc tinh thần đấu tranh cách mạng bất khuất, khơi dậy lòng tri ân, biết ơn vô hạn đến các anh hùng liệt sỹ, đến các thế hệ công nhân Đồn điền, đồng bào tử nạn trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Hơn nữa, Đồn điền Rossi là một trong những đồn điền do thực dân Pháp xây dựng ở Đắk Lắk, hiện nay vẫn được bảo vệ khá nguyên vẹn về kiến trúc, vị trí, công năng sử dụng. Đến với Đồn điền Rossi chúng ta còn được hiểu thêm về kiến trúc xây dựng đồn điền của thực dân Pháp, hiểu thêm về quá trình đem đến, trồng trọt và phát triển cây cà phê ở thị xã Buôn Hồ từ những năm 1926 để ngày nay cây cà phê đã trở thành một thế mạnh mang lại việc làm ổn định, thu nhập cao cho Nhân dân, góp phần ổn định kinh tế xã hội của thị xã Buôn Hồ nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.





Ngày 20/12/2018, Đồn điền Rossi đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh xếp hạng di tích lịch sử tại Quyết định số 3452/QĐ-UBND. Di tích có diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ là 10.267m2 (trong đó khu vực bảo vệ I là 1.193 m2; khu vực bảo vệ II là 9.074 m2). Nơi đây có tiềm năng về du lịch, có thể kết hợp với các tuyến tham quan du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của thị xã Buôn Hồ, phục vụ khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế, tăng nguồn thu và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Hà Phương