DI TÍCH DANH LAM THẮNG CẢNH DRAI MĂK (THÁC 12 TẦNG)

Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50km về hướng Bắc, Drai Măk (Thác 12 tầng) là một trong những ngọn thác đẹp còn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ mang hơi thở của cao nguyên đại ngàn.


Drai Măk (Thác 12 tầng) bắt nguồn từ dòng suối Êa Măk hiền hòa thuộc địa phận buôn Thái, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar. Thác có độ cao khoảng 40m, với chiều dài dòng chảy khoảng 120m. Ở giữa dòng thác là 12 phiến đá bằng phẳng như những phím đàn kết hợp với dòng nước trải dài tựa mái tóc bồng bềnh của cô sơn nữ. Trong tiếng Êđê: “Drai” có nghĩa là Thác, “Măk” là tên của một chàng trai người Êđê; thác còn có tên gọi khác là“Thác 12 tầng” gắn liền với đặc điểm 12 tầng thác đổ hùng vĩ, nên thơ.  

Chuyện kể rằng: “Từ xa xưa, không biết bao nhiêu mùa rẫy đi qua, người già trong buôn làng ít ai còn nhớ, ở một buôn nọ, có anh em nhà Y Măk mồ côi cha mẹ. Vì nghèo khó nên anh em Y Măk tự cắt lá, đốn cây rừng dựng chòi để ở, đêm đêm nhóm củi sưởi ấm, sau mỗi ngày làm lụng mệt nhọc. Hàng ngày, người anh phải vào rừng tìm kiếm thức ăn, săn bắt thú rừng và xuống suối bắt cá cho người em ăn.

Một hôm, Y Măk vào rừng để kiếm thức ăn như mọi ngày, nhưng chẳng kiếm được con cá nào, đến con thú nhỏ nhất như con chuột, con sóc cũng không có, bụng đói meo, lép tựa tàu lá rau. Trời nắng dữ dội, vừa khát, vừa đói, Y Măk chui xuống tán rừng già để tránh nắng, may mắn chàng phát hiện có một con suối có rất nhiều cá. Y Măk nghĩ không cần phải đi săn ở đâu nữa, bắt cá ở suối này là đủ cho đứa em ăn hàng ngày.

Nhưng Y Măk không biết rằng dòng suối này là nơi có Cá thần cư ngụ, người già đã dặn không được đánh bắt cá ở suối này, mọi người trong buôn ai cũng nghe theo. Riêng Y Măk, một phần vì không nhớ lời dặn, một phần vì quá đói và lo không có gì cho em ăn, nên Y Măk hăm hở thả cây Nghệ suốt cá xuống suối, khi nhựa cây chảy ra, cá bị say nhựa nổi trắng cả mặt nước. Y Măk hăm hở vớt cá ném lên bờ. Nghĩ người em ở nhà đói bụng đã lâu, Y Măk bèn đem cá về để nướng cho em ăn, họ ăn cơm với cá nướng một cách ngon lành, đến khi ăn gần xong thì người em bị hóc xương, hoảng sợ Y Măk tìm mọi cách giúp em lấy cái xương ra ngoài, nhưng càng lấy thì cái xương lại càng cắm sâu hơn. Lo lắng, Y Măk chạy vào rừng tìm kiếm các loại lá thuốc về nấu cho em uống, nhưng mọi nỗ lực của chàng vẫn không thể rút được xương cá ra.

Cái xương cứ nằm ở đó một ngày, hai ngày mà vẫn không thể lấy ra được, Y Măk suy nghĩ nếu không lấy được cái xương ra thì em mình sẽ chết. Lo lắng vì mình mà em bị chết, Y Măk chạy ra suối (nơi bắt cá) cầu xin thần linh giúp em mình, nhưng Y Măk chờ mãi, chờ mãi mà không thấy sự xuất hiện của thần linh, vì quá mệt, Y Măk thiếp đi trên tảng đá bên bờ suối lúc nào không hay, trong mơ Y Măk nghe thấy một giọng nói vang lên: Y Măk này, đây là suối thiêng có cá thần đã được Yang Êa che trở, nếu ai bắt cá ở đây đều sẽ phải chết!

Nghe tới đây, Y Măk giật mình tỉnh dậy. Biết mình đã bị Yang trừng phạt, nhưng vì thương người em còn nhỏ, Y Măk quyết định về gặp dân làng, kể lại câu chuyện bắt và ăn cá thần cho mọi người nghe. Y Măk cũng cầu xin dân làng giúp cho một con heo và ba ché rượu cần để đi tạ lỗi với Yang Êa.

Nghe xong câu chuyện, dân làng vừa giận nhưng cũng vừa thương cho hoàn cảnh của anh em Y Măk, họ đồng ý sắm lễ cho Y Măk đi tạ tội với Yang Êa. Trong lúc chuẩn bị lễ cúng, dân làng vẫn cố gắng gỡ xương cá cho em Y Măk. Nhưng vì thời gian bị hóc xương cá quá lâu nên em của Y Măk kiệt sức, đau đớn và chết.

Đau buồn vì cái chết của em trai, hôm sau Y Măk chạy nhanh ra suối với tâm trạng buồn bực, tuyệt vọng và nổi nóng hét lớn “Ê lũ cá, ê lũ cá... sao tụi mày lại hại chết em tao?”, cứ thế trong sự tức giận Y Măk chạy dọc từ đầu nguồn đến cuối nguồn con suối la hét và vung dao chém khắp nơi cho đến khi mệt lả. Y Măk hết chạy lại đi, hết chửi lại khóc cho đến khi trời tối, rồi Y Măk lê cơ thể mệt mỏi rã rời với nỗi buồn nhớ em trai trở về nhà. Thật không may, chàng đột nhiên đổ bệnh và chết ngay trong đêm.

Sau khi làm đám tang cho anh em Y Măk, để nhắc nhở người dân trong buôn không được xúc phạm Yang Êa và đánh bắt cá thần, dân làng đã sắm lễ heo và rượu cần mang ra suối cúng xin Yang Êa tha thứ cho anh em nhà Y Măk nghèo khó đáng thương và cầu xin thần linh giải lời nguyền. Lời cầu xin của dân làng được thần linh chấp nhận. Từ đó về sau, không ai bị chết vì ăn cá ở dòng suối này nữa.


Để nhớ đến anh em nhà Y Măk đáng thương và để cảm ơn vì sự tha thứ của thần linh đối với dân làng, họ đã đặt tên cho con suối là Êa Măk. Tại vị trí Y Măk vung dao chém trong lúc tức giận đã tạo thành những ghềnh thác cao, hùng vĩ như ngày nay, trong đó có dòng thác nằm phía hạ nguồn con suối Êa Măk và được người dân đặt tên là Drai Măk.”



Drai Măk (Thác 12 tầng) là món quà vô giá của thiên nhiên, đến với Drai Măk, du khách không chỉ ngắm nhìn được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ do thiên nhiên ban tặng, mà còn được hòa mình vào khung cảnh huyền bí của núi rừng, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, yên bình; được gặp gỡ và giao lưu văn hóa với cộng đồng người Thái, người Êđê ở buôn Thái, buôn Wing, buôn Ayun…, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em.




Lễ mừng cơm mới của người Thái, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar


Với những tiềm năng về phát triển du lịch, hi vọng trong thời gian tới Di tích danh lam thắng cảnh Thác Drai Măk (Thác 12 tầng) sẽ được khai thác, quy hoạch đồng bộ, góp phần vào việc gìn giữ cảnh sắc thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, quảng bá và giới thiệu bản sắc văn hóa địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế, từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cư M’gar nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. 


Bích Hằng, Hoàng Thủy