CHUNG TAY XOA DỊU NỖI ĐAU DA CAM

Chiến tranh đã đi qua gần 50 năm nhưng hậu quả vẫn còn hiện hữu. Nỗi đau da cam, một nỗi đau mà nước ta phải mất hàng trăm năm nữa mới có thể khắc phục. Môi trường sinh thái bị hủy diệt, di chứng chất độc da cam/dioxin kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cuộc sống của rất nhiều gia đình bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam vô cùng khó khăn.


Máy bay C123 đang phun rải chất độc hóa học (Ảnh tư liệu tại Bảo tàng Đắk Lắk)

 

Ngày 10/8/1961, Quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng vũ khí hóa học vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Mỹ sử dụng khoảng 15 loại hóa chất với khối lượng lớn, nồng độ cao, biến Việt Nam thành phòng thí nghiệm khổng lồ để nghiên cứu thử nghiệm các loại chất độc nhằm phục vụ mục đích quân sự. Trong đó, việc sử dụng chất độc da cam/dioxin ở chiến trường Việt Nam từ năm 1961 đến 1971 đã gây ra thảm họa da cam không chỉ hủy hoại môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe con người Việt Nam suốt những năm qua.



Rừng Đức Minh, huyện Đắk Mil là một trong những vùng ở Tây Nguyên bị bom đạn và chất độc hóa học của Mỹ phá hoại nặng nề (Ảnh tư liệu tại Bảo tàng Đắk Lắk)

 

Thực tế đã chứng minh rằng cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, trong đó phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học (61% chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin) xuống diện tích hơn 3 triệu ha (gần bằng 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam). Các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định chỉ một phần tỉ gram dioxin có thể gây chết người lập tức, sử dụng 85 gram dioxin đủ giết chết khoảng 8 triệu người dân của một thành phố. Các viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học, Viện Hàn lâm Y học Hoa Kỳ đã thừa nhận nhiều loại bệnh liên quan tới chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo. Chất độc da cam/dioxin gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ phận của cơ thể, gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, nội tiết, thần kinh...; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu của các nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc,... Đặc biệt, chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ và di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4 ở Việt Nam.




Rừng Krông Păk, phía Đông Buôn Ma Thuột, nơi bị chất độc hóa học tàn phá nặng nề (Ảnh tư liệu tại Bảo tàng Đắk Lắk)

 

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Đắk Lắk là địa bàn chiến lược quan trọng của Tây Nguyên. Do đó, quân đội Mỹ đã tập trung đánh phá rất ác liệt. Chúng rải chất độc hóa học có chứa chất dioxin vào các khu căn cứ cách mạng, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Để chăm sóc, giúp đỡ, chia sẻ nỗi đau của các gia đình có nạn nhân chất độc da cam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 78/2004/QĐ-UBND, ngày 14/12/2004 về việc thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Trung ương Hội phát động đã được các cấp Hội hưởng ứng, triển khai thực hiện tốt. Hội tập trung tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về thảm họa da cam cùng những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học đối với môi trường và sức khỏe người dân; khơi dậy lương tri, lòng nhân ái của cộng đồng “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Nạn nhân chất độc da cam được động viên, chia sẻ, tự tin vượt lên chính mình, hòa nhập cộng đồng, gương mẫu trong chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua tại địa phương.



Thùng đựng chất độc hóa học chưa nổ của Mỹ còn sót lại tại các khu rừng ở Tây Nguyên (Ảnh tư liệu tại Bảo tàng Đắk Lắk)



Cậu bé Duôn (chết năm 1984) bị mù hoàn toàn và mẹ. Ảnh chụp tại Buôn Ma Thuột, năm 1982 (Ảnh tư liệu tại Bảo tàng Đắk Lắk)

 

Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 5.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, bao gồm các đối tượng là người hoạt động kháng chiến, con đẻ của họ và người dân là nạn nhân tại các địa phương trong thời kỳ kháng chiến. Bên cạnh việc đề xuất với các cấp lãnh đạo và ngành chức năng quan tâm giải quyết chế độ cho những người bị phơi nhiễm, tư vấn giúp họ làm thủ tục hồ sơ theo quy định, các cấp Hội cũng tích cực vận động xây dựng quỹ nhằm có thêm nguồn lực trợ giúp cho nạn nhân chất độc da cam. Nhờ vậy, từ khi thành lập đến nay, các cấp Hội đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đóng góp xây dựng quỹ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Các nạn nhân nhiễm chất độc da cam đến nay đã di chứng đến thế hệ thứ 4, họ mang trong mình nhiều bệnh tật hiểm nghèo, những nỗi đau về cả thể xác và tinh thần không biết bao giờ dứt, cần lắm sự chia sẻ và chung tay của toàn xã hội để những nạn nhân da cam phần nào vơi bớt nỗi đau. 



Trần Hằng