CÂU CHUYỆN VỀ TÊN GỌI HUYỆN EA SÚP

Huyện Ea Súp được thành lập theo Quyết định số 230-CP, ngày 30/8/1977 của Hội đồng Chính phủ về việc chia huyện Krông Buk thành hai huyện lấy tên là huyện Krông Buk và huyện Ea Súp. Có diện tích 176.563 ha, với 26,3km đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Hiện nay, Ea Súp có 29 dân tộc cùng sinh sống, hình thành nên mối quan hệ khăng khít, thắm đượm tình đoàn kết, chung tay xây dựng và phát triển kinh tế.


Toàn cảnh trung tâm huyện Ea Súp

 

Ea Súp là địa bàn cư trú lâu đời của người Gia rai. Theo một số cao niên sinh sống tại buôn A1, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp kể lại rằng:

Xưa kia, vùng đất Ea Súp bao quanh là rừng núi hoang vu, với nhiều động vật, thực vật quý hiếm như: hổ, báo, hươu, nai, trâu rừng, nhiều đàn voi rừng; cẩm lai, giáng hương, căm xe,… Đặc biệt, đây là nơi có điều kiện thích hợp cho loài tê giác sinh sống.  

Thuở ấy, ông Săngti Lào (dân tộc Lào) là một người rất thông minh, tài giỏi, tháo vát và khỏe mạnh, vốn là một nhà buôn, chuyên mua bán, trao đổi các sản vật quý; ông đã đặt chân đến vùng đất này đầu tiên để săn bắt và tìm các sản vật của rừng.

Tuy nhiên, qua một thời gian ăn ở trong rừng, phục kích ròng rã suốt mấy mùa trăng, nhưng không bắt được một con tê giác nào, Săngti Lào tạm di chuyển tới vùng giáp ranh với tỉnh Gia Lai để giao thương buôn bán. Ông đã gặp một cô gái người Giarai mang dòng họ Siu rất xinh đẹp, giỏi giang, hai người đã yêu đương và kết duyên vợ chồng.

Một thời gian sau, ông đã đưa vợ cùng một số anh em họ hàng bên vợ quay lại vùng đất cũ. Buổi chiều đầu tiên đến nơi, cả đoàn dừng lại trên một vùng đất cao, bao quanh là rừng, suối, mạch nước. Ông Săngti Lào làm lễ cúng xin các vị thần rừng, thần suối, thần đất cho phép được ăn uống, nghỉ ngơi. Đêm hôm đó, ông đã mơ thấy những hình ảnh về buôn làng mở hội, quây quần bên nhau, nhảy múa trong lễ đâm trâu để ăn mừng đã tìm được vùng đất mới. Tỉnh dậy, ông đã kể lại giấc mơ cho mọi người cùng nghe, ai cũng vui mừng, phấn khởi và cho rằng đây chính là điềm lành, các vị Thần đã báo mộng, cho phép ở lại lập làng sinh sống.

Sáng hôm sau, mọi người đi ra suối lấy nước, thấy dòng suối trong xanh, mát lành, từng đàn cá bơi lội như chào đón mọi người, nhận thấy điềm lành từ giấc mơ đêm qua và sự xuất hiện của đàn cá, ông Săngti Lào đã đặt tên cho con suối là “Nặm Chuốp”, theo tiếng Lào “Nặm” có nghĩa là nước; “Chuốp” có nghĩa là an lành, tươi đẹp. Sau đó, ông cùng mọi người đốn cây, dựng nhà, lập buôn làng ngay tại vùng đất này.


Ông Săngti Lào cưới vợ người Gia rai, nên theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ làm chủ gia đình, con cái sinh ra mang họ mẹ, vì lẽ đó mà buôn do ông lập nên là buôn của người Giarai theo dòng họ Siu bên vợ và gọi vùng đất này là “Nặm Chuốp” (vùng đất an lành, tươi đẹp, có linh khí được thần linh che chở) theo tên gọi con suối. Trải qua thời gian dài cộng cư, từ “Nặm Chuốp” đã được phát âm thành “Ea Suǒp” (theo tiếng của dân tộc Gia rai). Sau này, để thống nhất cách viết tên gọi các địa danh của tỉnh Đắk Lắk, “Ea Suǒp” được quy định cách viết là “Ea Súp”.



Ea Súp xinh đẹp với những cánh đồng lúa mênh mông

 

Đến với Ea Súp, bên cạnh việc tìm hiểu những câu chuyện thú vị của vùng đất và con người nơi đây, du khách có cơ hội tham quan hai di tích nổi tiếng như: Tháp Yang Prong và Hồ Ea Súp Thượng.


Tháp Yang Prong thuộc xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100km về phía Tây, còn có tên gọi khác là tháp Chàm Rừng Xanh. Đây là một trong những tháp Chăm duy nhất ở Tây Nguyên, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII để thờ thần Siva dưới dạng Mukhalinga (vị thần vĩ đại), cầu mong sự nảy nở của giống nòi và ấm no hạnh phúc.



Tháp Yang Prong


Tháp Yang Prong là một khối kiến trúc bằng gạch nung đỏ trên nền cao bằng đá xanh; có chiều cao 9m, đáy vuông mỗi cạnh dài 5m, mỗi mặt tường ngoài là ba cửa giả, một cửa duy nhất mở về hướng Ðông. Tháp nằm dưới những tán cổ thụ của rừng già Ea Súp và bên dòng sông Ea H'leo hiền hòa. Không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tháp Yang Prong mang sắc thái và văn hóa Chăm cổ xưa huyền bí, cổ kính tôn nghiêm, tồn tại vững bền cùng thời gian.



Hồ Ea Súp Thượng, một thắng cảnh tuyệt đẹp của vùng đất Ea Súp, nổi bật với mặt nước trong xanh, phẳng lặng, hiền hòa, bao la như tấm lòng mẹ thiên nhiên, nuôi dưỡng mảnh đất này trở nên xanh tươi, trù phú với những cánh đồng lúa và vườn cây ăn trái bạt ngàn. Cảnh quan non xanh nước biếc cùng những sản vật phong phú và con người thân thiện tạo nên một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách đến khám phá vùng đất Ea Súp.



Một góc hồ Ea Súp Thượng

 

Bên cạnh đó, tại huyện Ea Súp, các nhà khảo cổ đã tiến hành thám sát, khai quật Di chỉ khảo cổ học Thác Hai - một di chỉ phức hợp, có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, lại là một công xưởng chế tác mũi khoan có quy mô lớn của khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia (Bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk) theo quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 18/01/2024, và hiện nay đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk.



Học sinh tham quan, tìm hiểu “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai”

Ea Súp có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh của tỉnh Đắk Lắk, cũng như Tây Nguyên và cả nước. Trong những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Ea Súp đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng – an ninh, coi đó là nhiệm vụ quan trọng bảo đảm cho địa phương phát triển toàn diện. Với những lợi thế về kinh tế, văn hóa, việc kết nối các danh lam thắng cảnh: hồ Ea Súp Thượng, Tháp Yang Prong và Di chỉ khảo cổ học Thác Hai sẽ tạo thành tuyến du lịch rất lý tưởng, là điều kiện thuận lợi để huyện Ea Súp phát triển du lịch.

Anh Đào