Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk sưu tầm nhạc cụ dân tộc Mnông
Trong định hướng hoạt động, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk luôn triển khai công tác nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đưa các nhạc cụ dân tộc truyền thống trở thành một hoạt động trải nghiệm thường xuyên, liên tục tại Bảo tàng. Đây là cách rất tự nhiên để khách tham quan chìm đắm trong không gian âm nhạc Tây Nguyên.
Bảo tàng tỉnh đã tiến hành sưu tầm được các loại nhạc cụ của dân tộc Mnông do ông Nguyễn Đức (xã Hòa Thuận, Tp. Buôn Ma Thuột) chế tác. Nói về mối nhân duyên với việc chế tác nhạc cụ dân tộc Mnông hầu như đã thất truyền, ông cho biết: “Từ cuốn sách của NSƯT Vũ Lân tặng Nhạc cụ dân gian Êđê, Mnông ở Đắk Lắk, tôi say mê đọc và nảy sinh ý tưởng phải làm hồi sinh những nhạc cụ dân tộc Mnông đã bị thất truyền. Tôi bỏ hàng giờ ra nghiên cứu từng đặc điểm, cấu tạo được mô tả trong sách và chế tác theo”. Sau bao nhiêu lần mày mò, cuối cùng ông đã chế tác thành công. Ông đã tặng cho Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk lưu giữ và giới thiệu tới đông đảo du khách tham quan. Các loại nhạc cụ của dân tộc Mnông do ông chế tác gồm: Nhạc cụ M’Blo: Có hai loại, loại nhỏ gọi là M’Blo Dit, loại lớn gọi là M’Blo Dơng. Hai loại này chủ yếu phân biệt ở đường kính ống chứ không ở độ dài. Cả sáo lớn và sáo nhỏ đều có độ dài ống khoảng từ 30 - 35cm. Sáo M’Blo Dơng có đường kính đến 5cm, sáo M’Blo Dit chỉ khoảng 2 - 2.5cm. Các lỗ bấm được dùi thẳng hàng với lỗ thổi. Wao (họ Hơi, chi Vòm) là tên gọi riêng, không có nghĩa như nhiều loại nhạc cụ khác. Chỉ thấy nhánh Mnông Preh có nhạc cụ này, các nhánh khác cũng có các loại nhạc cụ “sáo dọc” này nhưng cấu tạo hoàn toàn khác, mang tên gọi khác. Sáo wao có thể thổi một mình mang tính chất tự sự, bộc lộ nỗi niềm cảm xúc, cũng có thể thổi đệm cho một người khác hát. Không thấy sáo Wao cùng diễn tấu với các nhạc cụ khác theo hình thức độc tấu có nhạc đệm hoặc hòa tấu. Sáo Wao là nhạc cụ dành cho nam giới, thổi ở đâu cũng được không có kiêng cữ gì. Lôt - N’hum (họ Hơi, chi Hơi lỗ vòm): Tuy mang hai tên gọi nhưng chỉ là một nhạc cụ. Người Mnông Gar gọi là Lôt, còn các nhánh Mnông phía Nam (Preh, Budâng, Nong, Mạ,…) lại gọi là N’hum. Đây là một loại sáo, được làm từ một ống nứa nhỏ, đường kính đút ngón tay út hoặc đầu ngón tay trỏ, rỗng cả hai đầu. Một đầu được làm thành đầu thổi, trên thân ống phía đầu kia được dùi 5 lỗ bấm thẳng hàng từ dưới lên. Lôt - N’hum gần giống như sáo Đing Buôt của người Êđê nhưng cách làm đầu thổi hoàn toàn khác và số lượng lỗ bấm cũng nhiều hơn.
Ông Nguyễn Đức giới thiệu về cuốn sách và các nhạc cụ
Giới thiệu hình dáng và cấu tạo của nhạc cụ
Biểu diễn nhạc cụ
Hướng dẫn cán bộ Bảo tàng tỉnh cách thổi sáo của dân tộc Mnông
Trần Hằng