ẤN PHẨM “SƯU TẬP NHẠC CỤ DÂN GIAN TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK”

Thực hiện Kế hoạch số 30/KH-BT, ngày 12/6/2024 của Bảo tàng Đắk Lắk về việc thực hiện xuất bản ấn phẩm năm 2025. Sau gần một năm nghiên cứu, điền dã và tổ chức biên soạn, ấn phẩm “Sưu tập nhạc cụ dân gian tại Bảo tàng Đắk Lắk” đã hoàn thiện và xuất bản, giới thiệu đến đông đảo độc giả.



Nhạc cụ truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và âm nhạc của mỗi quốc gia, là linh hồn của các hoạt động văn hóa và tín ngưỡng.

Đối với các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, nhạc cụ dân gian là cầu nối gắn kết cộng đồng, không thể thiếu trong các lễ hội hay nghi lễ, mang âm thanh mộc mạc của núi rừng vang vọng giữa cao nguyên đại ngàn.

Nhạc cụ dân gian của các dân tộc Tây Nguyên chủ yếu được chế tác từ những vật liệu có sẵn trong tự nhiên như: tre, nứa, vỏ bầu, sừng trâu…, với nguyên lý cấu tạo đơn giản, mộc mạc nhưng mang bản sắc riêng, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt và tâm linh, trở thành phương tiện nghệ thuật âm thanh, biểu đạt sâu sắc tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của con người.

Trong các nghi lễ, nhạc cụ dân gian không chỉ tạo nên bầu không khí trang nghiêm, hùng tráng mà còn mang đến những giai điệu khi sôi động, nhẹ nhàng, trữ tình, hay trầm lắng. Trải qua  quá trình biến đổi của lịch sử và được sáng tạo để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nhạc cụ dân gian được lưu truyền đến tận ngày nay nhờ tâm huyết và công sức của các nghệ nhân. Âm thanh của các loại nhạc cụ này phản ánh nền văn hóa, lịch sử, đồng thời kết nối con người qua các giai điệu trầm bổng, mang đậm sắc thái riêng.



Ấn phẩm “Sưu tập nhạc cụ dân gian ở Bảo tàng Đắk Lắk” giới thiệu đến độc giả bộ sưu tập gồm gần 50 loại nhạc cụ dân gian hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đắk Lắk. Ngoài lời mở đầu và lời kết, ấn phẩm gồm 4 phần chính: Nhạc cụ dân gian Êđê, Nhạc cụ dân gian Mnông, Nhạc cụ dân gian Gia Rai, Nhạc cụ dân gian của các dân tộc khác.



Ấn phẩm “Sưu tập nhạc cụ dân gian ở Bảo tàng Đắk Lắk” của Bảo tàng Đắk Lắk giúp độc giả hiểu rõ hơn về kho tàng văn hóa dân gian của tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của nền âm nhạc dân gian, đặc biệt là nhạc cụ dân gian truyền thống trong đời sống đương đại. Sưu tập này sẽ là nguồn sử liệu quan trọng, là cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Đắk Lắk nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.


Nguyễn Mai