VỀ CHIẾC TRỐNG ĐỒNG PHÁT HIỆN Ở ĐẮK LẮK, ĐANG LƯU GIỮ VÀ TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG PHÚ YÊN

Tháng 12/2019, chúng tôi có dịp ghé thăm Phú Yên, được tiếp cận và khảo tả chiếc trống đồng phát hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhưng đang lưu giữ và trưng bày ở Bảo tàng Phú Yên. Trống được tìm thấy năm 1997 do những người dò phế liệu ở Phú Yên tìm thấy tại xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông (Đắk Lắk), nay được định danh là trống Hòa Đồng (đặt tên theo địa danh người giao nộp trống).

Trống được phát hiện trong tư thế nằm ngửa, sâu khoảng 1,4m (từ bề mặt đến mặt trống - đáy hố đào); trong lòng trống còn tìm thấy một số đồ gốm thô. Theo người phát hiện, mặt trống còn tương đối nguyên vẹn, thân bị vỡ; những mảnh vở của trống đã bán phế liệu (khoảng 30kg). Đến tháng 7/1997, ông Nguyễn Văn Khính (một trong những người dò phế liệu) mới bàn giao lại chiếc trống này cho Bảo tàng Phú Yên bảo quản (Hình 1). 


1. Trống Hòa Đồng có ký hiệu 563/KL: 233, trống đã bị vỡ và chỉ còn lại phần mặt có đường kính 54,5cm. Mặt trống bị phủ lớp patin dày màu xám xanh nhưng vẫn còn nhận rõ hoa văn. Chính giữa mặt trống là ngôi sao 10 cánh, giữa các cánh trang trí đường vạch chéo song song. Từ trong tâm trống ra có 9 vòng hoa văn như sau: Vòng 1 đã bị mòn và mờ, hoa văn là các đường gấp khúc hình chữ Z nối liền nhau; vòng 2 và 8 là các vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa, ngược chiều nhau; vòng 3, 7 và 9 là các vạch song song (kiểu răng lược); vòng 4 là hoa văn hình trám lồng vào nhau; vòng 5 được trang trí hình người hóa trang lông chim cách điệu kiểu cờ bay; vòng 6 có hình 10 con chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ, chia thành 2 nhóm (mỗi nhóm 5 con). Chim có mỏ dài, thân dài, đuôi dài và xòe, đầu có mào, bay ngược chiều kim đồng hồ, mỏ con sau chờm lên đuôi con trước.


Hình 1. Mặt trống Hòa Đồng


Trên mặt trống còn có 4 tượng cóc, được bố trí đối xứng nhau. Cóc có thân dài, mỏ nhọn hướng ra ngoài; mắt tròn lồi; mông nở hướng vào tâm trống (Hình 2). Trên lưng cóc được trang trí các đường vạch ngắn và vạch cong, phần mông cóc là hình các vòng xoáy. Cóc có chiều dài 4.5 cm, chiều rộng 3cm, chiều cao so với mặt trống 1.5cm.

Mảnh thân và tang còn lại dính chặt vào mặt trống; mặt trống chờm ra khỏi tang. Tang phình, có ba đường hoa văn vạch ngắn song song, kẹp giữa là vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa chạy vòng quanh thân (Hình 2).



Hình 2. Tượng cóc và tang trống


2. Trống Hòa Đồng hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Phú Yên thuộc loại trống dòng Đông Sơn, nhóm C (cùng nhóm với các trống: Hữu Chung, Đông Hiếu, Đa Bút, Nông Cống, Thôn Bùi, Chợ Bờ, Thôn Mống, Hàng Bún…). Đặc trưng chung là có vành chim cách điệu và bốn khối tượng cóc quanh rìa mặt trống (Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh, 1987). Điểm khác biệt cần lưu ý là các tượng cóc có đầu hướng ra ngoài, theo tư liệu chúng tôi tiếp cận được thì chưa ghi nhận được kiểu trang trí này ở Việt Nam và Đông Nam Á. Niên đại đoán định 2.500 đến 2.000 năm cách ngày nay.


3. Đến nay, trên địa bàn Tây Nguyên đã ghi nhận và công bố 23 chiếc trống đồng (Lê Xuân Hưng, Phạm Bảo Trâm, 2010). Trong đó, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tìm thấy 16 trống, phần lớn là trống Đông Sơn (14 trống lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk, 1 trống ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và 1 trống ở Bảo tàng Phú Yên). Trống Hòa Đồng nhìn chung có cùng đặc điểm với đa phần trống phát hiện ở Đắk Lắk, chủ yếu là loại Heger I. Đây là bằng chứng thuyết phục về mối giao lưu văn hóa xuôi - ngược giữa cư dân Việt cổ và các cộng đồng người cổ ở miền Trung và Tây Nguyên.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Xuân Hưng, Phạm Bảo Trâm (2010). Trống đồng Tây Nguyên: Tư liệu và thảo luận. Tạp chí Khảo cổ học, (6), 16-26.

2. Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh (1987). Trống Đông Sơn. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.






Phạm Bảo Trâm