TRẬN ĐÁNH KHO MAI HẮC ĐẾ NĂM 1968
Tết Mậu Thân năm 1968, khi cả nước đang náo nức chuẩn bị đón giao thừa thì từ nhiều hướng, các chiến sỹ quân giải phóng lặng lẽ xuất kích vào vị trí chiến đấu. Khi tiếng pháo giao thừa vang lên cũng là lúc cuộc tổng tiến công và nổi dậy chính thức bắt đầu. Ta nổ súng tiến công vào tất cả các thị xã, thành phố lớn trên toàn chiến trường Miền Nam. Cuộc tổng tiến công đã mở ra bước ngoặt mới trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cùng với cả nước, quân và dân Đắk Lắk đã vùng lên mạnh mẽ trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và giành được những thắng lợi to lớn. Phối hợp với các lực lượng vũ trang, đội tự vệ mật thị xã Buôn Ma Thuột đã có những đóng góp thiết thực với những trận đánh làm rung chuyển cả thị xã. Một trong những trận đánh tiêu biểu ấy là trinh sát, đánh sập kho Mai Hắc Đế do đồng chí Nguyễn Văn Bưởi (tên thật là Nguyễn Luyện) thực hiện. Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang lưu giữ chiếc bẫy sóc và thắt lưng đựng bi đông nước được ông sử dụng trong quá trình đi trinh sát khu kho này.
Kho Mai Hắc Đế được xem là cái “dạ dày” thép chứa vũ khí lớn nhất của quân địch ở Tây Nguyên với số lượng lên tới hàng ngàn tấn, được xây dựng với 16 hầm ngầm, nửa chìm nửa nổi, nằm trong khuôn viên rộng hàng trăm ha, cách sư bộ 23 của địch khoảng hơn 1km. Đây là nơi được quân địch bảo vệ hết sức nghiêm ngặt với hệ thống tháp canh, lô cốt, bãi mìn và hàng rào dây thép gai, B40 kiên cố. Khi có biến động, địch có thể nhanh chóng đưa quân từ sư bộ 23 cơ động xuống tăng viện cho khu vực này, do vậy đây được xem là khu vực không thể công phá.
Trước tình hình mới, Tỉnh ủy đã xác định kho Mai Hắc Đế được coi là mục tiêu số một, mở màn cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, người được lựa chọn cho nhiệm vụ khó khăn này là đồng chí Nguyễn Văn Bưởi, một cơ sở nội tuyến của ta hiện đang làm việc tại xưởng sửa chữa quân cụ 552 thuộc sư đoàn 23, đóng bên cạnh kho Mai Hắc Đế.
Nhận nhiệm vụ, Nguyễn Luyện rất băn khoăn làm cách nào mới có thể tiếp cận được khu kho để có thể tìm hiểu được sơ đồ bố phòng, cách thức hoạt động của chúng, bởi cho đến thời điểm này, ta vẫn chưa cài cắm được cơ sở nội tuyến vào đây. Nhiều phương án đã được ông vạch ra như: sử dụng các mũi nhọn đột kích, đột nhập đặt mìn hoặc pháo kích thẳng vào kho nhưng không thể thực hiện vì nó hoàn toàn không hiệu quả.
Sau nhiều ngày đắn đo, suy nghĩ, Nguyễn Luyện đã tìm ra phương án tối ưu nhất đó là: tìm cách làm quen với những tên biệt kích gác tại đây thông qua câu lạc bộ sư đoàn nằm ngay bên đường vào kho Mai Hắc Đế. Sau khi làm quen, ông tìm cách tạo sự tin tưởng với quân địch và được chúng mời vào kho chơi. Tại đây, ông đã nắm được đường đi lối lại nhưng vẫn chưa có cơ hội tiếp cận khu kho chứa vũ khí. Trong một buổi đánh bài với lính kho, nhận thấy ở đây có khá nhiều sóc đang kiếm ăn ngay cạnh kho đạn, ông đã thử hỏi dò muốn bẫy sóc về cho con chơi và được bọn lính chỉ cho cách dùng bẫy để bắt. Ngày hôm sau, ông đã mua 20 chiếc bẫy và dùng một đòn sắt dài khiêng vào khu kho để bẫy sóc. Trong quá trình đi đặt bẫy, ông đã nắm được cách bố trí của kho đạn này và còn được bọn lính vô tình chỉ cho một lối thoát ra mà không đụng phải bãi mìn.
Kế hoạch của ông được cấp trên phê duyệt và ấn định thời gian hành động vào tối ngày 18/01/1968. Chiều tối, ông vào kho mang theo trong túi áo là chất nổ dẻo và kíp nổ. Sau vài ván bài, ông cáo từ ra về lấy cớ là có việc. Tuy nhiên, khi ra gần đến cổng, ông đã lén quay trở vào mà bọn lính gác không hề phát hiện. Ông đã sử dụng cây gậy sắt khiêng lồng bẫy hôm trước để cạy khóa, mở cửa kho vào trong đặt kíp nổ. Mọi công đoạn được ông làm hết sức cẩn thận, tỉ mỉ, không để xảy ra sai sót. Sau khi xong việc, ông đã tìm cách thoát ra ngoài qua cửa lần trước bọn lính chỉ cho mình. 5h20 phút sáng ngày 19/01/1968, một tiếng nổ rung trời bất ngờ phát ra, tiếp theo sau là hàng loạt tiếng nổ liên tục, kho Mai Hắc Đế bốc lửa ngùn ngụt, chói sáng cả một góc thị xã.
Trận đánh kho Mai Hắc Đế đã mở đầu cho một loạt những trận đánh vang dội của đội tự vệ mật thị xã Buôn Ma Thuột như: Nguyễn Sen đánh vào đầu não Sư bộ 23, Ngô Tá Cồ đánh vào tiểu đoàn thám kích,… góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
Ngọc Tuyên