THỰC HÀNH BẢO QUẢN TRỊ LIỆU ĐỐI VỚI HIỆN VẬT CHẤT LIỆU GIẤY TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Công tác bảo quản hiện vật được Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) nhận định: “một trong những trách nhiệm mang tính đạo đức nghề nghiệp thiết yếu đối với các nhân viên bảo tàng là phải thực thi một chế độ chăm sóc và bảo quản thích hợp với các sưu tập hiện hữu của bảo tàng, những sưu tập mà bảo tàng vừa tiếp nhận và cá nhân những hiện vật mà bảo tàng và nhân viên đó chịu trách nhiệm quản lý”.

Hiện vật chất liệu giấy hàm chứa những tri thức về khoa học, lịch sử, nhân văn… phục vụ nghiên cứu khoa học, các công tác chuyên môn của bảo tàng; đồng thời giữ vị trí quan trọng trong việc phục vụ công chúng tham quan; là loại hiện vật rất dễ bị ảnh hưởng bởi những nguyên nhân chủ quan cũng như các yếu tố khách quan bên ngoài như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm.


Sau khi tham dự Lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về bảo quản trị liệu hiện vật chất liệu giấy và gốm, sứ cho các bảo tàng khu vực phía Nam do Cục di sản văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; với sự hướng dẫn của các giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo quản trị liệu hiện vật bảo tàng như: Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Thơm, Thạc sĩ Vũ Văn Dương đến từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã truyền đạt các kiến thức chuyên sâu về lý thuyết và thực hành về bảo quản trị liệu hiện vật nhóm chất liệu giấy và gốm, sứ, đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác bảo quản hiện vật của Bảo tàng Đắk Lắk đã thực hành bảo quản trị liệu đối với hiện vật chất liệu giấy tại kho của đơn vị.


Quá trình thực hiện công tác bảo quản trị liệu đòi hỏi người cán bộ làm công tác bảo quản phải có chuyên môn chuyên sâu, cẩn thận, tỉ mỉ đưa ra phương pháp trị liệu, bảo quản phù hợp nhằm khôi phục lại diện mạo ban đầu những hiện vật giấy đã và đang bị hư hại, xuống cấp. Quy trình bảo quản trị liệu được tiến hành gồm:


- Xác định tình trạng hiện vật cũng như phương pháp vệ sinh, xử lý hiện vật.


- Chụp ảnh hiện trạng hiện vật trước và sau khi bảo quản.


- Làm sạch hiện vật: Sử dụng các phương pháp cơ học, hóa học loại bỏ bụi bẩn, tạp chất, nấm mốc (sử dụng máy hút bụi, chổi lông mềm, gôm, chậu ngâm, dung môi cồn 99,9%, nước cất tỷ lệ 50/50…). Trong quá trình làm sạch hiện vật, căn cứ vào tình trạng của từng hiện vật để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.


- Bồi hiện vật tùy vào tình trạng của từng hiện vật có thể sử dụng kỹ thuật bồi dạng nước hoặc kỹ thuật không nước.


- Trám, vá một mảnh giấy dó mỏng vừa phải, có màu gần giống màu của hiện vật vào những chỗ bị rách nhỏ.


- Công đoạn cuối cùng là làm khô hiện vật.


Với kiến thức về công tác bảo quản trị liệu đã tiếp thu được từ các chuyên gia hướng dẫn, các cán bộ làm công tác bảo quản hiện vật của Bảo tàng Đắk Lắk đã áp dụng vào thực tế để từng bước xử lý, tu sửa, khắc phục tình trạng hư hại, xuống cấp của hiện vật chất liệu giấy, nhằm kéo dài tuổi thọ hiện vật, hạn chế đến mức thấp nhất sự hư hỏng, phục vụ công tác trưng bày, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa quý giá của dân tộc. 


Một số hình ảnh quy trình chuẩn bị để bồi hiện vật:



Làm ẩm hiện vật bằng hơi nước



Làm ẩm giấy bồi



Kiểm tra hiện vật và chất kết dính trước khi bồi hiện vật



Đặt lớp giấy đã làm ẩm, có chất kết dính lên để bồi hiện vật







Hoài My