SƯU TẬP “DỤNG CỤ SĂN BẮT VÀ THUẦN DƯỠNG VOI RỪNG”

Sưu tập “Dụng cụ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng” của Bảo tàng Đắk Lắk là một trong những sưu tập độc đáo mang tính đặc trưng của dân tộc Mnông sống trên địa bàn tỉnh. Sưu tập góp phần lưu giữ hình ảnh về một hoạt động kinh tế độc đáo - nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của người Mnông.

Với các tộc người cư trú trên dãy Trường Sơn, voi được coi là một trong những biểu tượng cho sự giàu sang, hùng mạnh của các gia đình. Con voi đã trở thành một biểu tượng văn hóa của tỉnh Đắk Lắk. Trước đây, trong sinh hoạt kinh tế truyền thống của người Mnông, voi chỉ sử dụng vào mục đích đi lại, buôn bán trao đổi, vận tải hàng hóa thì ngày nay voi còn tham gia vào các sinh hoạt, lễ hội văn hóa cộng đồng, như Lễ hội đua voi ở Buôn Đôn hay Lễ hội cà phê ở Buôn Ma Thuột,…



Sưu tập “Dụng cụ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng” của người Mnông gồm các hiện vật cụ thể như sau:


Dụng cụ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng gồm 02 bộ: Bộ thứ nhất 13 hiện vật được sưu tầm năm 1990 ở buôn Đôn, xã Krông Ana, huyện Ea Súp; bộ thứ hai gồm 17 hiện vật sưu tầm năm 1996 ở buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Bên cạnh hiện vật dùng trong quá trình săn bắt như: giỏ đựng thức ăn, sừng trâu, búa tăng tốc, da trâu đệm lưng voi, gậy điều khiển, búa điều khiển, dây da buộc chân voi, sào tre; các dụng cụ dùng trong quá trình thuần dưỡng voi cũng đem lại những câu chuyện thú vị về quá trình thuần hoá những con voi rừng thành voi nhà của người Mnông xưa kia.


Bộ dụng cụ dùng trong lễ cúng voi gồm: Bát đựng lễ vật, vòng chuỗi, bát đồng, nồi đựng lễ vật được sưu tầm năm 2008 thể hiện sự gắn bó, trân trọng voi của con người, tuỳ theo điều kiện gia đình, hàng năm người Mnông thường tổ chức lễ cúng sức khoẻ cho voi cũng như một số nghi lễ khác liên quan.


Các hiện vật trong sưu tập “Dụng cụ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng”  được chọn lọc để trưng bày tại không gian Văn hoá dân tộc nhằm giới thiệu đến đông đảo du khách tham quan. Trong đó, có những hiện vật gắn liền với câu chuyện ý nghĩa như chiếc Bành voi của ông Y Đôn Êban, ở buôn Trí, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn: Trong kháng chiến chống Mỹ, chiếc bành voi được đặt trên lưng voi nhà để chở bộ đội, vũ khí, lương thực qua sông Sêrêpốk phục vụ chiến dịch Xuân 1975, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.


Hiện vật Mái che bành voi của bà Me Lĩnh (Bua Pau Knul), xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn gắn liền với câu chuyện về N’Thu Knui (Khun Ju Nốp), người được mệnh danh là Vua săn voi, trong đó có một con bạch tượng tặng vua Thái Lan và Khunjunob chính là danh hiệu vua Thái Lan ban cho ông. Qua lời kể của Me Lĩnh: hiện vật có từ thời ông cụ tức ông Khun Ju Nốp để lại cho các thế hệ con cháu sau này. Hay Hai quả chuông đeo cổ voi của ông Ama Kông (Y Prông Êban), một trong những thợ săn voi nổi tiếng của vùng Buôn Đôn. Hiện vật gắn với một thời làm gru của ông Ama Kông. 


Khu vực trưng bày dụng cụ săn bắt và thuần dưỡng voi




Du khách tham quan phần trưng bày Săn bắt và thuần dưỡng voi 


Sưu tập “Dụng cụ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng” bước đầu cung cấp những thông tin, tư liệu nhằm tái hiện một bức tranh toàn cảnh về hoạt động kinh tế độc đáo đã từng tồn tại xưa kia ở Buôn Đôn - Đắk Lắk. Sưu tập giúp cho các nhà dân tộc học, các nhà nghiên cứu và du khách tham quan tìm hiểu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các hiện vật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nói riêng, hiện vật dân tộc học và bản sắc của dân tộc Mnông nói chung.



Hoài My