SỰ HÌNH THÀNH CHI BỘ ĐẢNG TRONG NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT
Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những Nhà đày lớn của thực dân Pháp ở Đông Dương, được thiết lập vào những năm 1930-1931 để giam cầm, đày ải và thủ tiêu tù chính trị - những chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước ở các tỉnh Trung Kỳ.
Chế độ khắc nghiệt chốn lao tù không làm lung lạc ý chí sắt đá của người cộng sản, mà ngược lại chính nơi đây đã trở thành trường học cách mạng, nơi tôi luyện những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam. Các chiến sĩ cách mạng vừa đấu tranh trực diện với kẻ thù, vừa đẩy mạnh tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin.
Cuối năm 1940, để đáp ứng yêu cầu trên, một số tù nhân cũ và mới liên hệ với nhau lập một tổ chức bí mật gọi là “Lực lượng trung kiên” của Nhà đày. Một số đồng chí là hạt nhân của tổ chức như: Trần Hữu Dực, Nguyễn Hữu Khiếu, Nguyễn Chí Thanh.
Với các ký hiệu và tên gọi khác nhau, Chi bộ được tổ chức hoạt động và phát triển đội ngũ đảng viên của mình theo chính cương, Điều lệ Đảng và thực hiện các nhiệm vụ:
- Là hạt nhân tổ chức và lãnh đạo toàn thể tù nhân đấu tranh bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của tù chính trị; là lực lượng nòng cốt duy trì, củng cố các tổ chức của tù nhân.
- Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, chuẩn bị lực lượng cán bộ lãnh đạo phong trào quần chúng khi thoát khỏi cảnh lao tù.
- Tìm cách liên lạc để tổ chức vận động cách mạng ở thị xã Buôn Ma Thuột.
- Xây dựng cơ sở bên ngoài Nhà đày, nhất là ở thị xã Buôn Ma Thuột và các đồn điền vùng phụ cận.
- Tổ chức các cuộc vượt ngục, đưa cán bộ về cho Đảng; bồi dưỡng lý luận cách mạng và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng cho những người sắp hết hạn tù để trở ra hoạt động cách mạng.
Cảnh học tập của các chiến sỹ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột (Tranh sơn dầu)
Việc thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản trong Nhà đày Buôn Ma Thuột không những có tác dụng tập hợp lực lượng và thống nhất hành động của các chiến sĩ, mà còn thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng ở Đắk Lắk, góp phần vào thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cũng từ hạt nhân Chi bộ Đảng đầu tiên đó, đã gieo mầm, tạo những hạt giống đỏ đầu tiên cho Đảng bộ tỉnh; nhiều nhân sĩ, trí thức, công chức là người dân tộc thiểu số làm việc cho chính quyền thực dân đã được những người cộng sản giáo dục, cảm hóa trở thành những cán bộ cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ, có uy tín lớn đối với Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày nay đã trở thành một địa danh lịch sử, nơi khắc sâu dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đồng thời là một địa chỉ đỏ giáo dục tuyền thống yêu nước, cách mạng. Với những giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn của Nhà đày Buôn Ma Thuột, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1820/QĐ-TTg về việc xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột
Trên cơ sở kết quả Hội thảo “Xác định ngày, tháng kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk” và ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, Tỉnh uỷ Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 1502/QĐ-TU về việc lấy ngày 23/11/1940 là Ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk.
Chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh là một quá trình lãnh đạo, phấn đấu đầy gian khổ, thử thách, hy sinh với những thành tựu to lớn và thắng lợi vẻ vang, góp phần tô đậm những trang sử vàng của Đảng và của dân tộc.
Lễ dâng hương Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (23/11/1940 - 23/11/2023) sẽ được tổ chức vào lúc 07 giờ 30 phút ngày 23/11/2023 (thứ Năm) tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột. Đây là dịp để Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Đắk Lắk cùng ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của các thế hệ cha anh; thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc với các chiến sĩ cộng sản từng bị giam cầm, hy sinh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, những người đặt nền móng cho sự ra đời Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh, là hạt nhân lãnh đạo Nhân dân Đắk Lắk giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 và trong cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc.
Anh Đào - Lê Phương