SÔI NỔI CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TRẢI NGHIỆM THÁNG 3/2024 TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Kỷ niệm 49 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2024), Bảo tàng Đắk Lắk đã tổ chức các chương trình giáo dục trải nghiệm “Giờ học lịch sử” ý nghĩa cho học sinh trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Krông Pắc.

Sôi động, hấp dẫn với nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử địa phương, về Trận đánh Buôn Ma Thuột 10/3/1975, các chương trình giáo dục trải nghiệm “Giờ học lịch sử” được tổ chức đa dạng về hình thức và chủ đề, như: Cuộc thi “Em yêu lịch sử” với phiên bản Rung chuông vàng; Tìm hiểu về “Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3/1975”, kết hợp hoạt động trải nghiệm “Em làm chiến sĩ”, đã thu hút sự tham gia của gần 600 học sinh cấp trung học cơ sở tại thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Krông Pắc.



Tham quan phòng trưng bày Lịch sử

 

Cuộc thi với chủ đề “Em yêu lịch sử” (phiên bản Rung chuông vàng) dành cho học sinh khối lớp 8 trường Trung học cơ sở Phạm Hồng Thái là sân chơi trí tuệ, bổ ích, giúp các em tổng hợp, khắc ghi nội dung kiến thức về hiện vật, các bộ sưu tập và trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk một cách sinh động, chân thực và gần gũi.


Thông qua “ngân hàng câu hỏi” được hệ thống hoá từ chủ đề của chương trình, học sinh có cơ hội bổ sung thêm nhiều kiến thức lịch sử địa phương, tìm hiểu câu chuyện hiện vật, nhân vật lịch sử, về truyền thống yêu nước, đấu tranh hào hùng của các thế hệ cha anh. Từ đó, thể hiện tài năng, trí tuệ, sự tự tin và bản lĩnh, giao lưu, học hỏi và tăng cường sự đoàn kết.



Trao phần thưởng cho các em học sinh xuất sắc

 

Nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục di sản tại trường học, chương trình “Giờ học lịch sử” đã có những đổi mới so với năm trước về quy mô và cách thức tổ chức:


Nội dung chương trình mang tính chuyên sâu, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh theo hướng kết hợp giữa “giờ học lịch sử” với “sinh hoạt chuyên đề”, tham quan trưng bày và hoạt động trải nghiệm.



Học sinh tham gia trả lời các câu hỏi của chương trình

 

Với tiêu chí lấy học sinh là trung tâm của các hoạt động, thuyết minh viên giữ vai trò hướng dẫn, điều phối, bổ trợ kiến thức cho học sinh. Chương trình “Giờ học lịch sử” với chủ đề “Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3/1975” thể hiện sự chỉn chu, quy mô và chuyên nghiệp.



Tham quan trưng bày lưu động “Buôn Ma Thuột - Trận đánh lịch sử 10/3/1975”

 

Chương trình nhận được sự yêu thích, thu hút sự tham gia tương tác của học sinh đến từ các khối lớp khác nhau. Bên cạnh trang bị cho học sinh những kiến thức, hiểu biết về lịch sử địa phương, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, các hoạt động của chương trình giúp học sinh chiếm lĩnh các tri thức một cách toàn diện, bổ trợ cho môn học Lịch sử, Địa lý và Giáo dục địa phương tại nhà trường.



Sôi nổi, hào hứng với nhiều câu hỏi lịch sử thú vị

 

Đặc biệt, với sự phối hợp của Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm “Em làm chiến sĩ” đã tạo nên sự hấp dẫn, điểm nhấn và sức hút cho chương trình với các tiết mục biểu diễn võ thuật đặc sắc kết hợp thi điều lệnh đội ngũ, cùng các hoạt động trải nghiệm “Đi không dấu”; “Cơm nắm nuôi quân” đầy thú vị, bổ ích. 




Thi điều lệnh đội ngũ và trải nghiệm nắm cơm

 

Với những cách làm hay và thiết thực, hoạt động giáo dục, trải nghiệm của Bảo tàng Đắk Lắk góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc; tạo không gian trải nghiệm học tập thực tế cho học sinh, tăng cường sự gắn kết giữa Bảo tàng Đắk Lắk với các đơn vị trường học, phù hợp với chủ đề của Ngày Quốc tế bảo tàng 2024 “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”.



GDTT