QUÁ TRÌNH CANH TÁC NÔNG NGHIỆP CỦA CÁC DÂN TỘC TẠI CHỖ ĐẮK LẮK

Từ xa xưa, trên Cao nguyên Đắk Lắk, các dân tộc Ê đê, Gia rai, Mnông đã là những cư dân nông nghiệp, nương rẫy chiếm vị trí trọng yếu và là nguồn sống chính của họ.

Mỗi buôn làng thường có khoảng 30-40 nóc nhà, các thành viên trong nhà có quan hệ với nhau theo dòng họ mẹ. Phạm vi đất của mỗi buôn đều rất lớn, ngăn cách với các buôn làng khác bằng các dấu mốc tự nhiên như: dãy núi, con suối, gốc cây to,… Việc canh tác trên nương rẫy được thực hiện theo hình thức “luân canh, luân khoảnh”.


Vào đầu mùa khô, người dân sẽ tiến hành phát một đám rẫy được “chia”, nằm trong phạm vi đất của mỗi buôn làng. Những đám rẫy ấy được làm trên một khoảng rừng thưa, độ dốc không quá lớn, và đầu mùa mưa, người dân sẽ đốt đi những cây đã chặt và tiến hành gieo trồng. 



Đốt rẫy chuẩn bị đất canh tác


Một năm người ta chỉ canh tác có một mùa vụ. Khi đất bạc màu (sau 3 đến 4 mùa vụ), người dân sẽ chuyển sang canh tác một đám rẫy khác ở gần đó. Cứ như vậy, sau một khoảng thời gian, đất đai ở đám rẫy cũ đã trở lại màu mỡ, cây cối đã mọc xanh tốt người dân lại quay về canh tác ngay trên đám rẫy ấy. Trong khoảng thời gian “nghỉ”, đất tự hồi phục.


Chọc lỗ tra hạt và tuốt lúa bằng tay là kiểu gieo trồng và thu hoạch rất phổ biến ở các cư dân vùng Trường Sơn Tây Nguyên.



Nam giới chọc lỗ, phụ nữ tra hạt giống


Khi gieo trồng, đàn ông sử dụng những cây gậy dài với một đầu được vót nhọn, chọc những hàng lỗ song song và cách đều nhau, phụ nữ đi sau sẽ cho hạt giống xuống lỗ, dùng chân để lấp đất lại. Ngoài gậy chọc lỗ và ống tra hạt, còn có các công cụ sản xuất khá phổ biến như: xà gạc, nạo cỏ, cào cỏ, gùi, giỏ tuốt lúa,…



Trên các nương rẫy, loài cây được trồng phổ biến nhất là lúa. Đây là loại lúa rất đặc trưng, có khả năng chống chịu sâu bệnh, dẻo, thơm, cho năng suất cao, rất được ưa chuộng. Lúa có hai loại là lúa nếp và lúa tẻ. Ngoài ra, người dân còn trồng xen canh nhiều loại cây khác nhau như: bầu, bí, mướp đắng, cà… Ngoài việc dùng làm thực phẩm, những loại cây này còn có tác dụng phủ kín mặt đất không cho nước rửa trôi. Khi lúa chín, người dân dùng tay tuốt lúa mà không sử dụng liềm hoặc dao để cắt. Phương thức này khá chậm nhưng lại bảo toàn được lượng lúa ở trên bông, bởi lúa ở đây khi chín rất dễ rụng, nếu dùng dụng cụ để cắt sẽ làm cho hạt lúa rụng hết. 



Phụ nữ Mnông Kuênh tuốt lúa bằng tay 


Quá trình canh tác nông nghiệp của các cư dân tại chỗ cho thấy những hoạt động của người dân nơi đây là hoàn toàn chủ động, là sự đúc kết những kinh nghiệm trong một thời gian dài, dựa vào tự nhiên để sinh tồn, đảm bảo cho cuộc sống luôn được tiếp diễn một cách bền vững. Hiện nay, những phương thức canh tác cũ đã không còn phù hợp trong điều kiện mới, chỉ còn lại trong tiềm thức của những người cao tuổi, qua hình ảnh và tư liệu và được giới thiệu tại không gian trưng bày Văn hoá Dân tộc của Bảo tàng Đắk Lắk.









Ngọc Tuyên