NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT VÀ SỰ KIỆN THÀNH LẬP CHI BỘ CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN Ở ĐẮK LẮK

Hướng tới Ngày kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (23/11/1940 - 23/11/2020), hãy cùng Bảo tàng Đắk Lắk ôn lại truyền thống vẻ vang qua Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những Nhà đày lớn được thiết lập vào năm 1930 – 1931. Xét về vị trí và mối tương quan trong hệ thống các nhà tù của thực dân Pháp xây dựng ở Việt Nam, Nhà đày Buôn Ma Thuột là nhà đày cấp xứ, được xếp hạng ngang với nhà tù Sơn La, Hỏa Lò và chỉ sau Nhà tù Côn Đảo





Nhà đày Buôn Ma Thuột được thực dân Pháp xây dựng với mục đích đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những đảng viên cộng sản bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ với âm mưu thâm độc:

- Khai thác triệt để các đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình, dân cư và tình hình kinh tế, chính trị xã hội của tỉnh Đắk Lắk vào những năm 1930 để cách ly những người tù cộng sản ở Trung kỳ khỏi phong trào cách mạng của quần chúng đang lên, giam giữ, đày ải, trấn áp tinh thần và giết dần tù nhân cộng sản.

- Lợi dụng sức lực tù nhân để hoàn thành con đường chiến lược số 14, tiến hành khai thác tài nguyên, xây dựng cơ quan doanh trại quân đội, đường sá, cầu cống… nhằm biến Đắk Lắk thành một trung tâm kinh tế, một hậu cứ quân sự lợi hại ở Tây Nguyên, Nam Việt Nam và Đông Dương.

- Thực dân Pháp còn lợi dụng tình hình dân cư nhiều thành phần dân tộc, khai thác các yếu tố khác biệt về phong tục tập quán, lối sống, ngôn ngữ… ở Đắk Lắk để tạo thành “bức tường thành” ngăn cách, bao vây tù nhân.

Một điểm khác biệt so với những nhà tù, nhà đày khác là khi xây dựng Nhà đày Buôn Ma Thuột, thực dân Pháp đã khai thác triệt để sức lực của tù nhân: xây dựng Nhà đày để giam giữ chính họ. Ngoài việc tận dụng sức lực của tù nhân vào mục đích kinh tế, chúng còn hành hạ họ cả về thể xác lẫn tinh thần, làm cho cho tù nhân kiệt sức mà rã rời ý chí đấu tranh, từ bỏ lý tưởng cách mạng. Tù nhân chỉ được ăn cơm hẩm, gạo mốc, cá khô mục nát nên chỉ còn da với xương. Lao động vất vả mỗi ngày từ 11 – 12 giờ, lại bị đánh đập suốt buổi. Ốm đau không có thuốc, không được nghỉ, các bệnh hiểm nghèo như đau phổi, phù thũng, kiết lỵ, sốt rét đái ra máu, ... đã đưa hàng trăm tù đi an nghỉ nơi rừng xanh, núi thẳm, nhất là bệnh đái ra máu, 99,9% người bệnh này đều về nơi chín suối…


Cuộc đấu tranh của tù nhân chính trị trong Nhà đày Buôn Ma Thuột bắt đầu diễn ra ngay từ những năm đầu được xây dựng (1930). Các chiến sĩ cách mạng đã sáng tạo ra nhiều cách để liên lạc với nhau thông qua những vật dụng thường ngày như: đôi đũa, chiếc muôi đã được khoét lõi để giấu tài liệu bên trong; đôi guốc gỗ giấu sẵn tiền, thuốc men và những giấy tờ cần thiết bên dưới đế để chuẩn bị cho những cuộc vượt ngục…

Tháng 10/1932, tổ chức đầu tiên nhằm tập hợp tù nhân ở Nhà đày Buôn Ma Thuột được hình thành, được sự đồng tình và giúp đỡ của y tá Nhà đày, một số tù nhân bí mật gặp nhau trong trạm y tế Nhà đày để tổ chức “Hội tương trợ” với mục đích:

- Cứu giúp những tù nhân nghèo không có gia đình đang bị đau ốm trong tù;

- Đề ra kỷ luật giữ vệ sinh, trật tự trong tù;

- Tất cả hò la phản đối khi có tù nhân bị lính canh đánh đập;

- Để giữ vững khí tiết của tù nhân, các buổi tối sẽ lần lượt mỗi người kể một câu chuyện vui và bổ ích, có tác dụng giáo dục lòng trung thành với cách mạng.

Hội đã phát triển rộng khắp và là tổ chức có tính chất quần chúng đầu tiên trong Nhà đày Buôn Ma Thuột do những người tù cộng sản chỉ đạo bí mật.

Năm 1933, phong trào cách mạng trong nước đang gặp khó khăn, nhiều cơ sở tổ chức đảng chưa được khôi phục. Sau khi những buổi kể chuyện bị thực dân Pháp theo dõi, người kể chuyện bị đánh đập, phạt giam xà lim thì sự liên lạc giữa các tù nhân trở nên khó khăn hơn. Tù chính trị đã nghĩ ra cách làm nhiều báo chép tay để chuyền nhau đọc. Ngoài tờ báo Yuăn – Êđê, còn có một số tờ báo chép tay khác xuất hiện như: Tù Nhân, Xiềng Xích, Xích Sắt, Áo Xanh,… qua đó tuyên truyền cổ vũ cho các phong trào đấu tranh.

Ngày 22/4/1933, cuộc đấu tranh của tù lao dịch trên công trường Km 27 (quốc lộ 14) đòi cải thiện bữa ăn, giảm giờ lao động và đòi tắm rửa hàng ngày vào lúc 9 giờ sáng đã nổ ra. Sau đó, cuộc đấu tranh tương tự lại diễn ra trên công trường Km 33. Những cuộc đấu tranh bằng tuyệt thực luôn luôn tiếp diễn có khi 7-8 ngày, có lúc 9 -10 ngày.

Ngày 26/5/1933, để phản kháng việc nhốt xà lim và ăn cơm nhạt tàn bạo, 16 tù nhân chính trị bị biệt giam đã tuyệt thực. Bọn địch nghi các đồng chí Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Hữu Tuân cầm đầu nên bắt hai người nhốt riêng tại trại lính khố xanh ở Buôn Ma Thuột. Sau hai ngày, cuộc tuyệt thực vẫn tiếp diễn, chúng lại bắt tiếp người khác. Đến ngày 28/5, tất cả 16 tù nhân tuyệt thực bị phạt giam xà lim để đợi đưa ra tòa án Nam Triều xét xử.

Đến đầu năm 1934, số tù nhân ở đây lên tới 650 người, chế độ trong Nhà đày ngày càng nghiệt ngã, nghiêm ngặt hơn.Yêu cầu đấu tranh đòi cải thiện chế độ ở Nhà đày vẫn tiếp tục và bắt đầu gắn liền với đấu tranh đòi thả tù chính trị ở Đông Dương.

 Ngày 20/7/1936, Khâm Sứ Trung Kỳ ra lệnh cho Bộ hình Nam Triều chuyển hết toàn bộ tù chính trị từ Lao Bảo lên Buôn Ma Thuột. Nhà đày Buôn Ma Thuột từ đó trở thành một nhà đày lớn của Pháp ở Đông Dương.

Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Sau khi tham gia chiến tranh, chính phủ phản động Pháp đã thi hành chính sách phát xít, huỷ bỏ các quyền tự do, dân chủ, đàn áp phong trào cộng sản và phong trào dân chủ ở Pháp cũng như ở các nước thuộc địa. Ở Đông Dương, chúng thực hiện phát xít hoá bộ máy cai trị và thẳng tay bắn giết, tù đày các chiến sĩ cộng sản. Ngày 22-6-1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lợi dụng tình thế đó, phát xít Nhật nhảy vào xâm lược Đông Dương. Nhiệm vụ trực tiếp và cấp bách của cách mạng Việt Nam lúc này là phải tập trung mọi lực lượng để đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng chịu tác động trực tiếp của tình hình chính trị Đông Dương và thế giới. Số lượng tù nhân tăng lên nhanh chóng, do địch chuyển nhiều tù nhân từ các tỉnh miền Trung lên. Đồng thời, họ cũng bị khủng bố, đàn áp dã man hơn, nhiều thành quả giành được trong cuộc đấu tranh ở thời kỳ Mặt trận dân chủ cũng bị cắt xén, xoá bỏ từng bước. Do đó, nhiều vấn đề mới đặt ra thuộc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong tình hình mới cần được tù nhân thảo luận, quán triệt nhằm đi đến thống nhất ý chí và hành động.

Cuối năm 1940, trước yêu cầu của tình hình cách mạng, một số tù nhân cũ và mới liên hệ với nhau thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản. Với các ký hiệu và tên gọi khác nhau, Chi bộ được tổ chức hoạt động, phát triển đội ngũ đảng viên theo Chính cương, Điều lệ của Đảng, xác định nhiệm vụ cụ thể là:

 - Tổ chức và lãnh đạo đấu tranh bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của tù nhân chính trị, là lực lượng nòng cốt duy trì, củng cố các tổ chức của tù nhân.

- Lãnh đạo giáo dục đảng viên, cán bộ giữ vững tinh thần đấu tranh trong Nhà đày, mở lớp huấn luyện lý luận và chính trị, quân sự, văn hoá… nhằm đào tạo và chuẩn bị lực lượng cán bộ lãnh đạo phong trào quần chúng khi thoát khỏi cảnh lao tù

- Đấu tranh bảo vệ những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, những quan điểm chiến lược và những nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng.

- Tổ chức bắt mối liên lạc với tổ chức Đảng ở bên ngoài.

- Chuẩn bị điều kiện và phương tiện cho một số đồng chí trốn thoát khỏi Nhà đày, ra ngoài hoạt động.

- Xây dựng cơ sở bên ngoài Nhà đày, nhất là ở thị xã Buôn Ma Thuột và các đồn điền vùng phụ cận.


Việc hình thành Chi bộ Đảng trong Nhà đày Buôn Ma Thuột là một mốc son lịch sử vô cùng quan trọng của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk:

- Thống nhất sự lãnh đạo của Đảng trong Nhà đày. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, các chiến sỹ cộng sản đã kế thừa, phát triển tổ chức, hình thức đấu tranh của các thời kỳ trước trên một quy mô rộng lớn và quyết liệt hơn, mục tiêu đấu tranh cũng cụ thể và cao hơn, đem lại kết quả lớn hơn.

- Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã gieo mầm, tạo những hạt giống đỏ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk. Nhiều nhân sĩ, trí thức, công chức là người dân tộc thiểu số làm việc cho chính quyền thực dân đã được những người cộng sản giáo dục, cảm hóa thành những cán bộ cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ, có uy tín lớn đối với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng như các đồng chí Y Blốk Êban, Y Bih Alê Ô, Y Yôn (Minh Sơn)...

- Là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước chuyển mình trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc tại tỉnh Đắk Lắk. Sự thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk là nhân tố quyết định thắng lợi cuộc vận động giải phóng dân tộc, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám - 1945 thành công ở Đắk Lắk.

- Việc thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên đã đánh dấu phong trào cách mạng trong tỉnh chuyển kịp theo trào lưu chung của cả nước. Từ đây, phong trào cách mạng gắn liền với sự lãnh đạo duy nhất của Đảng, là yếu tố cơ bản, quyết định để phong trào cách mạng trong tỉnh tiến lên giành thắng lợi.



Đồng chí Trần Hữu Dực (1910 - 1993)



Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967)



Đồng chí Trần Tống (1916 - 1988)


Một số đồng chí trong Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk


Nhà đày Buôn Ma Thuột là biểu tượng của ý chí, của khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc của các tù nhân chính trị, đặc biệt là của các đảng viên Cộng sản. Nơi đây đã chứng kiến tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của tù chính trị - những chiến sĩ cách mạng với ý chí kiên cường, bất khuất, không run sợ trước kẻ thù. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cách mạng được tôi rèn ở Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.



*Nguồn:

Hồi ký tù chính trị của đồng chí Phan Doãn Bảy (Phan Minh Thuyết), tù chính trị bị giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột (1930-1945), Tỉnh uỷ Đắk Lắk - Viện lịch sử Đảng, Đắk Lắk.

Lý lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột. 


GD&TT