NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT QUA CÂU CHUYỆN CỦA THÂN NHÂN CỰU TÙ
Chiến tranh đã lùi xa nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí mỗi người - những người trực tiếp tham gia chiến trường, những người thân, đồng chí hay bạn bè họ. Tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột – địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, hàng ngày vẫn mở cửa đón những đoàn khách tham quan, trong đó có những đoàn khách “đặc biệt” là thân nhân của các cựu tù, trở về nơi mà các thế hệ ông, cha, anh của họ bị giam cầm, đày ải, tạo nên những cuộc gặp gỡ chạm đến tận cùng của cảm xúc.
Câu chuyện do những người con của cựu tù Hồ Cường và Trần Thị Huệ chia sẻ khi đến thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột vào năm 2021 là câu chuyện cảm động và đầy ý nghĩa: trong chốn lao tù khốc liệt, bên cạnh tình đồng chí, tình yêu với lý tưởng, với cách mạng không gì xoay chuyển được thì cũng có tình yêu đôi lứa được ươm mầm như “hoa sen nở trên sa mạc” giữa chốn “địa ngục trần gian” – Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Bà Trần Thị Huệ là một trong hai nữ tù chính trị bị giam cầm ở Nhà đày Buôn Ma Thuột vào những năm 1941-1943. Dưới sự tra tấn khắc nghiệt và tàn bạo của nhà tù thực dân, cộng với chế độ ăn uống kham khổ: cơm hẩm, gạo mốc, cá khô mục nát,.. những người tù bị rất nhiều căn bệnh và bà Huệ cũng vậy. Khi bà bị hoại tử 1/3 đùi, nghĩ bà không qua khỏi, chúng khiêng bà bỏ ra góc cuối của Nhà đày. Lúc bấy giờ, ông Hồ Cường – một tù chính trị bị giam giữ nhiều năm, vốn có những kiến thức về nghề y nên được giao làm phụ tá phát thuốc. Đi ngang qua, phát hiện bà vẫn còn thở nên đã về báo với anh em. Tù chính trị tại các lao liền tổ chức một cuộc đấu tranh bằng cách hò reo vang dội cả Nhà đày, đòi Pháp phải đưa bà đi cứu chữa và kết quả bà đã được cứu sống.
Từ cõi chết trở về, dưới những năm tháng cùng bị giam cầm, đày ải, trải qua vô vàn cơ cực. Ông và bà đã nảy sinh tình cảm, họ đã kết đôi và thực hiện lời hẹn ước khi ở trong tù: nếu sau này còn sống, thoát khỏi Nhà đày, nhất định sẽ tìm nhau. Tuy nhiên, đến năm 1946, ông hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ, khi cậu con trai còn nằm trong bụng mẹ, mới chỉ là bào thai ba tháng tuổi. Cậu mãi mãi không bao giờ được nhìn thấy mặt cha. Nay đã là người ông 76 tuổi, ngồi viết đôi dòng cảm tưởng khi đến thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Khi ông Hồ Cường qua đời, bạn của ông thương cảnh mẹ goá con côi nên đã thuyết phục bà Huệ cho mình cơ hội để được chăm sóc hai mẹ con, trước sự mất mát và thương đứa con mới chào đời đã không được nhận tình cảm của cha, bà đã đồng ý để cho con có một gia đình trọn vẹn, hai người về với nhau và có thêm 3 người con nữa. Ngày nay, những người con của ông, bà, từ phương Bắc xa xôi đã cùng nhau về thăm lại nơi cha, mẹ từng bị giam cầm đày ải. Âm dương cách biệt đã lâu (bà Huệ mất năm 1998). Khi thấy mẹ qua bức tượng mô phỏng, ai cũng xúc động ôm tượng khóc nghẹn ngào.
Cũng như những người con của bà Huệ, ông Cường, thân nhân các cựu tù trở về Nhà đày Buôn Ma Thuột ở những thời gian khác nhau, nhưng tất cả đều chung niềm xúc động, tự hào về một giai đoạn đấu tranh đầy gian khổ của các thế hệ cha anh, những người đã cống hiến tuổi thanh xuân, xương máu vì độc lập, tự do cho dân tộc, họ mãi là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, đạo đức cách mạng, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân, đất nước.
Những dòng chia sẻ của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Theo dòng chảy của thời gian, những câu chuyện tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột phần nào giúp du khách đến tham quan, học tập và cùng ôn lại truyền thống cách mạng, tinh thần đấu tranh của các thế hệ cha anh. Câu chuyện của bà Huệ, ông Cường sẽ mãi là chuyện tình đẹp của những người tù chính trị đã bị giam cầm, đày ải tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Hạnh Trinh-Thu Hương