NGHIỆM THU ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ

Ngày 14/12/2023, Hội đồng khoa học Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở “Giáo dục di sản văn hoá cho học sinh hướng tới sự phát triển bền vững tại Bảo tàng Đắk Lắk”.

Với mục tiêu xây dựng cơ sở khoa học cho việc tạo ra các chương trình giáo dục di sản văn hóa cho học sinh, nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác giáo dục tại Bảo tàng Đắk Lắk, góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc; khẳng định vai trò giáo dục của bảo tàng trong xu thế phát triển của xã hội, hướng đến sự phát triển bền vững. Từ tháng 05 đến tháng 12/2023, nhóm nghiên cứu đã triển khai nghiên cứu, thực hiện các mô hình giáo dục di sản văn hoá cho học sinh tại Bảo tàng Đắk Lắk, các trường học trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và một số huyện trong tỉnh; thực hiện chương trình “Nâng bước yêu thương” cho trẻ em vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; biên soạn nội dung giáo dục di sản văn hoá cho học sinh mầm non và tiểu học với một số sản phẩm là bộ học liệu về Nghề dệt thổ cẩm của người Êđê, Nghề đan lát của người M’nông, …



Bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu


Trên cơ sở báo cáo của nhóm nghiên cứu, Hội đồng khoa học Bảo tàng Đắk Lắk đã thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung như: phát triển chủ đề để tạo sự hứng thú, sức hấp dẫn cho các chương trình giáo dục trải nghiệm di sản; thống nhất tên địa danh, thuật ngữ; đánh giá việc thực hiện mục tiêu của đề tài, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, giá trị khoa học và các sản phẩm của đề tài.




Hội đồng thảo luận, đánh giá các nội dung đề tài


Kết thúc buổi làm việc, ông Đinh Một, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bảo tàng Đắk Lắk khẳng định: đề tài “Giáo dục di sản văn hoá cho học sinh hướng tới sự phát triển bền vững tại Bảo tàng Đắk Lắk” phù hợp với định hướng đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản văn hoá tại bảo tàng, đồng thời góp phần triển khai thực hiện Quyết định số 1520-QĐ-TTg, ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”. Kết quả nghiên cứu có thể triển khai ứng dụng thực tế và phát triển trong công tác giáo dục di sản văn hoá tại Bảo tàng Đắk Lắk.


GDTT