NÉT ĐẸP ĐỘC ĐÁO TỪ NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ TRÊN THỔ CẨM TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI ÊĐÊ

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê có nét độc đáo và riêng biệt, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa sâu sắc.

Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống, gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của người Êđê. Hình ảnh những người phụ nữ bên khung cửi, tạo ra những tấm thổ cẩm dày với nhiều hoa văn độc đáo đã trở thành nét đẹp văn hóa, tô điểm vẻ đẹp tâm hồn, nét nữ tính của các nàng sơn nữ.

Thổ cẩm của người Êđê mang đặc trưng riêng, mỗi sản phẩm thể hiện sự cần cù, khéo léo và tài hoa, gửi gắm tình cảm của người phụ nữ, với những khung dệt đơn sơ mộc mạc, người phụ nữ Êđê đã khắc họa trên nền vải những họa tiết gần gũi với đời sống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. 



Người phụ nữ bên khung dệt vải

Hoa văn trang trí trên vải là những đường nét, họa tiết chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống, thiên nhiên, với núi rừng như hoa lá, cây cối, con chuồn chuồn, rùa hay thằn lằn,… phản ánh cảnh sinh hoạt nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện niềm tin cuộc sống, sự hài hòa thiên nhiên, nương rẫy, núi rừng.

Khung dệt của người Êđê là kiểu khung dệt buộc lưng, dùng kỹ thuật đan luồn sợi. Để tạo hình hoa văn, người dệt sẽ thiết kế bố cục, kích cỡ họa tiết từ khi bắt đầu lên khung, nhặt sợi. Mỗi loại hoa văn có số sợi dọc, sợi ngang, cách nâng và hạ sợi khác nhau, khi dệt sẽ tạo thành các dải họa tiết nối tiếp nhau chạy dài theo chiều dọc khổ vải. Trong quá trình xếp sợi, người dệt sẽ phối màu để khi dệt sẽ có những dải hoa văn nổi bật, tạo điểm nhấn cho trang phục. Dải hoa văn thường chiếm diện tích từ 1/4 đến 1/3 bề mặt tấm thổ cẩm, được cách điệu dưới dạng hình học chạy dài liên tục suốt chiều dài vải. Ngoài ra, còn có các loại đường thẳng, đường dích dắc… nằm song song theo dải hoa văn.



Tạo hoa văn trực tiếp khi dệt


Tùy vào mỗi loại trang phục, người Êđê sẽ có cách trang trí và sắp xếp hoa văn khác nhau giữa nam và nữ, giữa trang phục hàng ngày và trong các dịp lễ. Hoa văn trên trang phục còn thể hiện sự giàu có và quyền uy của người mặc. Người Êđê có kỹ thuật Kteh - kỹ thuật thủ công, kết hợp sợi chỉ màu tạo hoa văn xếp cùng hạt cườm hoặc hạt bo bo thành những dải hoa văn sít nhau, dệt sát phần biên gấu áo hoặc chân khố, chân váy. Kteh được xem là đỉnh cao của nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục, chỉ có trên trang phục của những gia đình khá giả hoặc hoặc lễ phục.



Để dệt được một tấm thổ cẩm làm váy, áo, khố, mền... phụ nữ Êđê phải mất một thời gian khoảng 3 - 4 tháng, thậm chí còn nhiều hơn, tùy thuộc vào kích thước và các hoa văn của tấm vải. Sản phẩm phục vụ cho nhu cầu trong gia đình, làm tặng phẩm cho người thân. Những sản phẩm đẹp, độc đáo có thể trao đổi với giá trị bằng một con heo, thậm chí là trâu, bò. 




Thế hệ trẻ tiếp nối nghề dệt thổ cẩm truyền thống để giữ gìn bản sắc văn hóa

Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm đang có xu hướng phát triển và đổi mới về mẫu mã, màu sắc, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Trong những dịp lễ hội, bên ánh lửa bập bùng, người Êđê vẫn mặc những bộ trang phục truyền thống, hòa vào những vũ khúc dân gian và tiếng cồng chiêng rộn ràng. Đặc biệt, sự yêu thích văn hóa truyền thống của chính thế hệ trẻ người Êđê đã góp phần bảo vệ và phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội. 


Trần Hằng