NÂNG BƯỚC YÊU THƯƠNG, MANG TRUNG THU ĐẾN VỚI TRẺ EM BẰNG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC TRẢI NGHIỆM DI SẢN VĂN HÓA

Ngày 14/9/2024, Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các mạnh thường quân trên địa bàn tỉnh tổ chức chương trình “Trung thu cho em” đối với 400 trẻ em tại xã Ea R’Bin, huyện Lắk.

Sôi động, hấp dẫn với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hướng dẫn vệ sinh cá nhân, chụp ảnh, cắt tóc, hướng dẫn phòng chống đuối nước, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, trò chơi dân gian với chú Cuội, chị Hằng,… . Chương trình đã đem lại cho các em thiếu nhi những kỷ niệm tuyệt vời, đáng nhớ.


Vượt qua những đoạn đường khúc khuỷu, đèo dốc quanh co, khoảng cách hơn 120 km dường như được rút ngắn khi nhìn thấy những ánh mắt, nụ cười, sự hào hứng của các em nhỏ vùng cao. 



Chương trình còn tổ chức một sân chơi thú vị, bổ ích với hoạt động giáo dục trải nghiệm làm gốm cùng nghệ nhân, chủ đề “Tự hào nghề gốm quê em”. Hấp dẫn, hào hứng và nhiều niềm vui, các em thiếu nhi được tham gia các trò chơi vận động: Gùi đất về buôn, Lấy nước về buôn và tìm hiểu quy trình làm gốm bằng tay không có bàn xoay thông qua sự trình diễn của các nghệ nhân đến Buôn Dơng Bắc, xã Yang Tao, nơi có nghề làm gốm truyền thống nổi tiếng lâu đời, mang đặc trưng của huyện Lắk. Tuyệt vời hơn cả là các em thiếu nhi được trực tiếp trải nghiệm nặn gốm, tạo ra những sản phẩm độc đáo dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân ngay chính tại địa phương các em đang sinh sống, nhưng chưa một lần các em biết đến nghề gốm này.





Em H’Huệ K’Bin chia sẻ:“Lần đầu tiên em được tự tay làm gốm, thật là thích và vui lắm”; Em H’Nim Êban hào hứng cho biết: “Hôm nay em làm được một cái chén và hai cái ly bằng đất sét, em còn nhận được rất nhiều món quà nữa”.



Trao phần thưởng cho các bạn nhỏ có nhiều sản phẩm đẹp nhất


Tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là hoạt động ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho trẻ em; góp phần tạo điều kiện để mọi trẻ em được vui chơi và phát triển toàn diện. Thông qua hoạt động giáo dục di sản văn hóa của Bảo tàng Đắk Lắk, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm thú vị, bổ ích, đồng thời thể hiện vai trò của Bảo tàng Đắk Lắk như chiếc cầu nối giữa chủ thể văn hóa với cộng đồng, góp phần hiệu quả vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương.

GDTT