LỄ TẾ THU HÀNG NĂM TẠI ĐÌNH LẠC GIAO

Đình Lạc Giao - ngôi đình đầu tiên của người Việt trên vùng đất Cao nguyên. Hàng năm, vào ngày 17/8 âm lịch, tại Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao tổ chức Lễ Tế Thu, một nghi lễ mang đậm chất truyền thống của người Việt.

Lễ Tế Thu là nghi thức tạ ơn trời đất, tạ ơn các vị thần hoàng bản thổ, các bậc tiền nhân đã phù hộ cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp để bà con nhân dân dâng những nén hương thơm lên các vị thần linh và thần hoàng, với mong cầu cho quê hương, gia đình, dòng họ, bạn bè và bản thân luôn vui vẻ, mạnh khỏe, ấm no và hạnh phúc.




Bô lão Đình Lạc Giao thực hiện nghi thức tế và hoạt động trình diễn dân ca quan họ

tại Lễ Tế Thu Nhâm Dần – Năm 2022


Ngược dòng thời gian trở về những năm đầu của thế kỷ XX, khi làng Lạc Giao được thành lập, dân làng đã góp công, góp sức để lập Đình vào năm 1928. Tên gọi đình Lạc Giao cũng được bắt nguồn từ tên gọi của làng Lạc Giao.  


Đình là nơi thờ thần hoàng Đào Duy Từ - người được triều đình Nhà Nguyễn ra chiếu sắc phong làm thần hoàng làng Lạc Giao vào năm 1932, nơi ghi nhớ công ơn của bậc tiền hiền Phan Hộ, người đã có công lập làng, lập đình vào thuở sơ khai, và những người có công với nước; là nơi cầu mong sức khỏe và làm ăn thuận lợi.



Học sinh đến tham quan tìm hiểu về Di tích


Lễ Tế Thu tại đình Lạc Giao diễn ra trong 2 ngày (từ 16 - 17 tháng 8 âm lịch) với hai nghi lễ: Lễ cáo thần và Chánh tế. Trong đó, Lễ Cáo thần được tổ chức vào buổi chiều ngày 16 tháng 8 âm lịch và Chánh tế diễn ra vào sáng ngày 17 tháng 8 âm lịch.


 Trong ngày Chánh tế, những bậc cao niên đại diện cho bà con nhân dân đứng ra cử hành nghi lễ Tế. Đây là các vị toàn đức toàn tài, có uy tín cao đối với dân làng, thường là những cụ cao niên có gia đình hòa thuận ấm êm, con cháu ăn nên làm ra hoặc con cháu học hành đỗ đạt... Các vị này sẽ mặc trang phục lễ tế và thực hiện nghi thức tế lễ.



Chánh tế thực hiện nghi thức lễ



Lễ vật dâng cúng ngoài cau, trầu, rượu, hương, trầm, trà,... còn có xôi, thịt, bánh trái, hoa quả... cùng nhiều lễ vật được bà con dân làng dâng cúng như một cách bày tỏ tấm lòng tri ân các bậc tiền nhân. Vào ngày lễ chính, mâm lễ dâng lên ban thờ Thần thành hoàng Đào Duy Từ sẽ đa dạng và đầy đủ hơn so với các ban thờ khác, mâm lễ thường có 01 bộ thủ vĩ heo, hoặc đầy đủ hơn là cả con heo để tế Thần.

Năm nay, Lễ Tế thu được tổ chức từ ngày 30/9 đến ngày 01/10/2023 (nhằm ngày 16/8 đến ngày 17/8 năm Quý Mão).


Lễ Tế Thu không chỉ đơn thuần là sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh trong cộng đồng mà hơn hết mang đậm nét đặc trưng văn hóa truyền thống đã được gìn giữ tự bao đời, là niềm tự hào của vùng đất và người dân Đắk Lắk nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng. Thông qua Lễ Tế Thu nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời, giáo dục thế hệ trẻ trong việc nâng cao ý thức gìn giữ nét văn hóa cổ truyền của cha ông để lại, gìn giữ di sản văn hoá địa phương, phát huy tốt hơn nữa những giá trị văn hóa lịch sử của Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao.



Anh Đào