LỄ CÚNG CHO BÀ MẸ MANG THAI VÀ EM BÉ CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ ADHAM
Lễ cúng cho bà mẹ mang thai và em bé là một trong những nghi lễ quan trọng của người Ê đê Adham. Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang lưu giữ khá nhiều hiện vật, thước phim tư liệu quý về nghi lễ này nhằm giới thiệu đến du khách những nét văn hoá độc đáo của các cư dân tại chỗ tỉnh Đắk Lắk.
Đối với người Ê đê Adham, khi phụ nữ mang thai ba tháng, gia đình sẽ mời bà đỡ đến khám và thầy cúng đến làm lễ để cầu mong bà mẹ và cái thai được bình an, khỏe mạnh. Lễ vật gồm một ché rượu và một con gà. Khi thầy cúng đọc lời khấn, người mẹ đặt chân lên lưỡi rìu sắt và vòng tay bằng đồng với ý nghĩa cái thai sẽ đạp khỏe, cứng cáp như sắt, như đồng. Sau đó thầy cúng chấm rượu bôi lên chân bà bầu, dùng lá xoan quệt máu chó thoa lên trán và quanh bụng người mẹ để xua đuổi tà ma. Trong thời gian mang thai, người mẹ tránh công việc nặng nhọc, kiêng các loại thức ăn có hại cho sức khoẻ.
Đến tháng thứ bảy của thai kỳ, người ta tổ chức cúng giải xui nhằm cầu mong Yang (Thần) phù hộ cho bà mẹ và thai nhi được khỏe mạnh, sinh đủ tháng, gặp điều may mắn.
Lễ cúng giải xui được tổ chức tại bến nước của buôn, trong lễ này người ta làm một cái bàn nhỏ bằng tre và đặt các vật cúng Yang gồm: phần đầu con vịt mới luộc, một đĩa đùi vịt luộc, nội tạng vịt, một đĩa cơm và một ché rượu cần. Bà bầu đứng giữa bàn lễ vật và ché rượu để thầy cúng bắt đầu làm lễ. Cúng xong, bà bầu dùng gót chân đá vào cái bàn tre phía sau lưng của mình. Thầy cúng nhờ người nhà lấy lá xoan nhúng tiết vịt quét lên người bà bầu, sau đó bà bầu cởi bỏ quần áo (vứt lên bờ hoặc thả trôi bờ suối) và xuống tắm, tắm xong bà bầu thay bộ đồ mới đi thẳng về nhà, không được nhìn lại phía sau.
Ở nhà, gia đình làm lễ cúng sức khỏe cho bà bầu. Trong lễ này, bà con họ hàng và người trong buôn đến dự và ăn uống, họ đem theo chút lễ vật hoặc một ché rượu cần tặng cho bà bầu.
Người Ê đê quan niệm: trẻ sơ sinh chưa có hồn vì vậy sau khi đứa bé ra đời một ngày, người ta làm lễ đặt tên - lễ nhập hồn cho trẻ. Mâm cúng trong lễ này gồm một ché rượu, một con gà, một củ gừng, một dùi sắt cắm vào quả cà, lá nứa và một giọt sương mai. Giọt sương này được coi là hiện thân của hồn tổ tiên, sẽ nhập vào đứa trẻ sơ sinh chưa có hồn. Khi thầy cúng khấn xong, bà đỡ cầm quả cà chấm giọt sương để gần miệng đứa trẻ và lần lượt đọc tên những người tổ tiên trong dòng họ. Tới tên nào mà đứa trẻ thè lưỡi ra liếm giọt sương, nghĩa là hồn đã nhập vào người đứa trẻ. Trong lễ này người ta còn thổi tai cho trẻ để cầu mong thần linh tiếp sinh khí cho cháu bé mau lớn, khỏe mạnh, thông minh, có lỗ tai thính, nhạy, tiếp thu điều hay lẽ phải.
Hiện vật lễ cúng sơ sinh của người Ê đê Adham
Sau đó ít ngày, người ta làm lễ để cúng linh hồn tổ tiên đã nhập vào đứa trẻ. Trong lễ này người cha làm cho con những đồ chơi tuỳ theo giới tính của trẻ, nếu là con trai họ làm tên, nỏ, khiên, đao, xà gạc…, là con gái thì làm xa quay sợi, khung dệt, vải, gùi,.. với mong muốn sau này khi lớn lên con sẽ siêng năng, khéo léo trong mọi công việc.
Bộ hiện vật cúng cho em bé của gia đình bà H'doan Ayŭn (Amĭ Hlan) ở huyện Krông Búk dùng để cúng cho hai người con là H'Biên Ayŭn và Y Toan Ayŭn là những vật minh chứng. Mỗi mô hình, món đồ chơi thể hiện một ý nghĩa riêng: nỏ và cung tên - mong con trai thành thạo việc săn bắt, bắt cá (đơm), đồng áng (cào cỏ),...; Con gái thành thạo việc dệt vải (khung dệt, cán bông), làm rẫy (gùi),..
Mô hình, đồ chơi dành cho bé trai
Mô hình, đồ chơi dành cho bé gái
Trong hệ thống nghi lễ vòng đời, lễ cúng cho bà mẹ mang thai và em bé thể hiện nét đẹp văn hoá của người Ê đê Adham được Bảo tàng Đắk Lắk giới thiệu thông qua phần trưng bày Văn hoá dân tộc. Bảo tàng Đắk Lắk hy vọng sẽ là địa chỉ tin cậy để du khách đến tham quan sau khi dịch bệnh được khống chế. Việc chấp hành đầy đủ các quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” theo hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ đem lại buổi tham quan an toàn, ý nghĩa.
GD&TT