KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP CỦA NHỮNG DI TÍCH DANH LAM THẮNG CẢNH TẠI ĐẮK LẮK

Nói đến di tích danh thắng của tỉnh Đắk Lắk không thể nhắc đến những dòng thác hùng vĩ, với những câu chuyện truyền thuyết thổn thức lòng người, cùng vẻ đẹp mang đậm hơi thở của núi rừng cao nguyên.

Thác Drai Nur thuộc Buôn Kuôp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana là một trong những ngọn thác hùng vĩ nhất Tây Nguyên, với chiều rộng khoảng 250m vào mùa khô và trên 300m vào mùa mưa, chỗ cao nhất gần 30m và chỗ thấp nhất là 15m, trải dài từ Đông sang Tây.


Trong tiếng Ê đê: Drai có nghĩa là thác, Nur (được gọi tắt từ chữ Anur) có nghĩa là con Dúi. Drai Nur có nghĩa là thác con Dúi, gắn liền với những truyền thuyết được lưu truyền trong buôn làng, về câu chuyện tình buồn của cô gái Êđê xinh đẹp - con gái của tù trưởng ở Buôn Kuôp với một chàng trai nghèo trong buôn.


Sự “kết duyên chồng vợ” của Krông Ana (sông Cái) và Krông Nô (sông Đực) đã tạo lên dòng Sêrêpôk hùng vĩ, lắm thác nhiều ghềnh. Khi chỉ còn cách thác Drai Nur khoảng 300m, dòng chảy của sông Sêrêpôk bị chia thành hai nhánh nhỏ. Một nhánh chảy vào địa phận buôn Kuôp, xã Dray Sap, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk tạo thành ngọn thác Drai Nur hùng vĩ. Một nhánh chảy qua huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông tạo nên thác Dray Sáp thơ mộng.


Thác D’ray Sáp Thượng nằm trên dòng sông Ea Krông, cách thành phố Buôn Ma Thuột 18km về phía Bắc, thuộc địa phận xã Ea Na, huyện Krông Ana.


Thác còn có gọi tên là Gia Long, gắn liền với sự kiện: Khoảng những năm 1935-1936, khi công du lên Đắk Lắk, Bảo Đại - ông vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn cùng thuộc hạ cưỡi voi vào rừng săn bắn và đến thác nước Đ’ray Sáp ngoạn cảnh. Trước vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn thác và phong cảnh xung quanh, vua Bảo Đại đã đặt tên cho ngọn thác là Gia Long (tên vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn). Tuy nhiên, người dân M’nông ở Buôn Kuôp vẫn gọi ngọn thác nổi tiếng này là thác D’ray Sáp, một cái tên đã gắn bó với họ từ bao đời nay và trong tiếng M’nông: D’ray Sáp có nghĩa là “thác khói”.


Không ồn ào và dữ dội, thác Dray K’naǒ thuộc địa phận xã Krông Jing, huyện M'đrắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 85km về phía Đông. Trong tiếng Ê đê: Drai có nghĩa là thác, K’naǒ là tên của một thiếu nữ người Êđê; Drai K’naǒ có nghĩa là thác nước mang tên nàng K’naǒ, gắn liền với câu chuyện về mối tình si giữa chàng trai con thần nước với nàng K’naǒ người con gái xinh đẹp, nết na, dịu hiền của buôn làng.


Thác Drai K’naŏ mang vẻ đẹp hiền hòa, thơ mộng xung quanh là những gốc cổ thụ vươn bộ rễ rộng lớn, chắc khỏe ôm chặt vào vách đá như thách thức sự vững chắc, lâu bền của K’naŏ giữa thiên nhiên dưới sự tác động của thời gian, con người.



Thác Lồ Ô nằm trên đường Trường Sơn Đông, đoạn qua địa phận xã Ea Lai, huyện M’đrắk, tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100 km, là một trong những thác đẹp, hùng vĩ và khá hoang sơ.


Thác chính có độ cao khoảng 30 mét chia thành 3 tầng chính, với những dòng nước đổ từ trên cao xuống, tung bọt trắng xóa, mỗi khi gặp những cơn gió tạt ngang qua sẽ tạo ra những làn hơi mát lạnh giữa thiên nhiên hùng vỹ của đại ngàn.

 


Thác Thuỷ Tiên thuộc địa phận thôn Giang Tiến, xã Ea Puk, huyện Krông Năng. Bắt nguồn từ những dòng suối nhỏ trong rừng, Thuỷ Tiên tựa như một nàng tiên ẩn mình bên rừng núi, hiền hòa uốn lượn giữa đại ngàn. Đến với thắng cảnh thác Thủy Tiên chúng ta sẽ được thả hồn trong tiếng suối reo, ngắm bức tranh huyền ảo của thiên nhiên hai bên bờ thác, với những vách đá dựng đứng đến lưng chừng trời, và muôn vàn loài hoa, bướm, chim, thú.



Di tích danh lam thắng cảnh thác Sơn Long cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 87 km về hướng Đông Bắc, thuộc địa phận hành chính thôn Tam Điền, xã Ea Tam, huyện Krông Năng.


Thác Sơn Long là một trong những thắng cảnh đẹp bắt nguồn từ suối Ea Puk - dòng suối chảy từ huyện Krông Năng sang huyện Ea Kar. Trên dòng chảy của suối Ea Puk có rất nhiều dòng thác đẹp, Sơn Long là một trong những dòng thác ấy.


Ngoài cảnh quan thiên nhiên nên thơ và hùng vĩ, thác Sơn Long còn thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng với diện tích quy hoạch 20 ha với hệ thực vật ở hai bên dòng thác rất phong phú, đa dạng.



Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 80km về hướng Đông, Thác Bay hùng vĩ nằm giữa đại ngàn.


Dòng suối Ea Đăh bắt nguồn từ vùng rừng núi Čư Dliê Ya và Čư Dlông rộng lớn, chảy uốn lượn bên trong những cánh rừng đại ngàn, khi qua địa phận Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, xã Ea Sô, huyện Ea Kar đã hình thành một ngọn thác đẹp, hùng vĩ với dòng nước cuồn cuộn đổ từ trên cao xuống, dội vào vách đá làm cho những hạt nước, bụi nước nhỏ li ti bay lên cao, nhìn từ xa trông giống như làn sương trắng phất phơ, thơ mộng và huyền ảo. Chính vì thế, những người dân sống quanh vùng đã gọi tên ngọn thác này là Thác Bay. Người Êđê thì gọi ngọn thác này là Drai Dhul, trong đó: Drai có nghĩa là thác, Dhul có nghĩa là sương mù, như vậy Drai Dhul là thác sương mù. Ngọn thác còn gắn liền với truyền thuyết về dũng sỹ Đăm Ji đi tìm nguồn nước cứu giúp buôn làng.


Thác Drai Kpơr thuộc buôn Trưng (thường gọi là buôn M’Trơng) xã Čư Bông, huyện Ea Kar, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100km về hướng Đông Nam. Trong tiếng Êđê: Drai có nghĩa là thác, Kpơr có nghĩa là linh hồn, tâm linh, thác Drai Kpơr có nghĩa là “thác linh hồn”, “thác tâm linh”. Ngọn thác từ lâu đã gắn bó với cuộc sống của đồng bào Ê đê vùng Čư Yang trong sự tôn kính trân trọng, là nơi Yang (thần linh) ngự trị, cho dòng nước mát lành, cho cánh rừng xanh mướt và đem lại sự sống cho dân làng.



Mỗi ngọn thác mang một vẻ đẹp, một câu chuyện riêng, xinh đẹp, hùng vĩ giữa cao nguyên đại ngàn. Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của những ngọn thác là hành trình thú vị cho du khách khi đến với Đắk Lắk. Hoà mình vào cảnh quan thiên nhiên đẹp, đến với núi rừng, quên đi mệt mỏi của cuộc sống ồn ào, náo nhiệt nơi phố thị, cùng tìm hiểu bản sắc văn hoá độc đáo của 49 dân tộc anh em, chắc chắn sẽ là trải nghiệm khó quên đối với du khách khi đến với Đắk Lắk.

 


GD&TT