HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK - ĐỔI MỚI ĐỂ PHÁT TRIỂN

Là một thiết chế văn hóa đặc thù, bảo tàng ra đời và phát triển cùng với sự phát triển về văn hóa, giáo dục, nhằm thỏa mãn các nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghiên cứu, khám phá thế giới tự nhiên, xã hội, khám phá kho tàng tri thức, kinh nghiệm của nhân loại. Bảo tàng còn là cầu nối quá khứ với hiện tại, tương lai, giúp con người biến những giá trị văn hóa tiềm tàng thành những giá trị văn hóa hiện thực, định hướng cho mọi hoạt động của con người trong tương lai.

Bảo tàng, dù ở bất cứ loại hình nào đều có hai chức năng xã hội cơ bản: nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học. Đây là hai chức năng quan trọng nhất của bảo tàng, vì chỉ khi hai chức năng xã hội cơ bản này được thực hiện hiệu quả thì các bảo tàng mới tồn tại lâu bền và trở thành một thiết chế văn hóa có ích cho xã hội. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, công chúng đã quan tâm nhiều hơn đến bảo tàng. Và do đó, bảo tàng có thêm chức các chức năng khác như: là một trung tâm thông tin, là “trường học sinh động”, là một địa điểm giải trí tích cực cho cộng đồng... Tuy nhiên, tất cả những chức năng trên đều là sự mở rộng, “biến thể” của chức năng giáo dục bảo tàng, giúp bảo tàng tiếp cận, đến gần hơn với công chúng.


Theo Luật di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng “là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của nhân dân”. Theo Hiệp hội Bảo tàng thế giới (ICOM): “Bảo tàng là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động thường xuyên phục vụ công chúng tham quan, phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, giao tiếp và trưng bày các di sản vật thể và phi vật thể của nhân loại cùng với môi trường sống của con người cho các mục đích giáo dục, nghiên cứu và thưởng thức” (ICOM, Kỳ họp Đại hội đồng thứ 22 tại Vienna, 2007). Những định nghĩa này đã khẳng định một trong những nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng là tổ chức hoạt động giáo dục phục vụ công chúng, bên cạnh những nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày.


Bảo tàng Đắk Lắk là một bảo tàng địa phương lớn trong cả nước (được xếp hạng I năm 2014), có tầm ảnh hưởng nhất định đối với các bảo tàng khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Sau khi được xây dựng mới năm 2008, khánh thành năm 2011, Bảo tàng Đắk Lắk đã có nhiều bước chuyển mình quan trọng nhằm cá tính hóa bảo tàng trong xu thế phát triển của văn hóa hiện nay và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao từ phía chuyên môn cũng như công chúng. Đặc biệt, Bảo tàng Đắk Lắk đã có sự phát triển “bứt phá” so với các bảo tàng địa phương trong khu vực, đặc biệt là sự thay đổi trong hoạt động giáo dục tại bảo tàng. Với sự thay đổi về nhận thức từ chỗ bảo tàng lấy hiện vật làm trung tâm sang lấy cộng đồng xã hội làm trung tâm, Bảo tàng Đắk Lắk đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình giáo dục đặc sắc, thú vị và phù hợp với nhu cầu của khách tham quan cũng như thích ứng với xu thế hiện nay.


Tại Điều 10, Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL, ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng Việt Nam, hoạt động giáo dục của bảo tàng bao gồm: Hướng dẫn tham quan; Tổ chức chương trình giáo dục; Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề; Xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng. Căn cứ trên cơ sở đó, từ năm 2011 cho đến nay, Bảo tàng Đắk Lắk đã triển khai hoạt động giáo dục tại bảo tàng một cách hợp lý và hiệu quả, cụ thể:


Đối với hoạt động hướng dẫn tham quan: Bảo tàng Đắk Lắk luôn chú trọng đến việc xây dựng chương trình tham quan hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng khách khác nhau như: Học sinh, sinh viên, khách du lịch, nghiên cứu chuyên sâu... Trong đó, Bảo tàng Đắk Lắk đã chủ động xây dựng lộ trình tham quan độc đáo nhằm tạo không gian tham quan mới lạ và súc tích nhưng thoải mái với 04 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp và Êđê).


Đối với hoạt động tổ chức chương trình giáo dục: Trên cơ sở các hiện vật, bộ sưu tập hiện vật, nội dung trưng bày, Bảo tàng Đắk Lắk đã nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục với các hoạt động ở nhiều dạng thức khác nhau nhằm mục đích khuyến khích công chúng tiếp xúc gần hơn với các bộ sưu tập hiện vật, trưng bày/nội dung trưng bày của bảo tàng. Chương trình giáo dục ở bảo tàng không phải dạy về cơ sở lập luận hay là những sự kiện… mà là gieo mầm cho sự thích thú, sự yêu thích, một nguồn cảm hứng sáng tạo và các chương trình giáo dục bảo tàng không chỉ dành cho trẻ em mà còn cho cả người lớn.


Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, Bảo tàng Đắk Lắk đã triển khai các chương trình trải nghiệm cho khách tham quan như: Trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (dệt vải, đan lát, làm gốm, chế tác nhạc cụ); tham gia và thưởng thức các chương trình âm nhạc do các nghệ nhân biểu diễn tại Bảo tàng. Các chương trình này đều thu hút khách tham quan, đặc biệt là chương trình diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống của người Êđê do các em học sinh người dân tộc thiểu số biểu diễn.



Trải nghiệm chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc Êđê


Ngoài ra, nhằm tạo thêm nhiều không gian tìm hiểu và nhu cầu “check in” của khách tham quan về các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của đất nước, Bảo tàng Đắk Lắk còn chủ động xây dựng các khu vực trải nghiệm, “check in” tại Bảo tàng mỗi dịp lễ, tết trong năm như: Chương trình Tết sum vầy, Vui xuân Kỷ Hợi 2019, Chương trình Xin chữ và hái lộc đầu năm, Chương trình Tết Việt Nam... Các chương trình này đã tạo nên một không gian tuy mới nhưng đậm chất truyền thống Việt, giúp khách tham quan hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống của cha ông, thông qua đó có ý thức trân trọng và gìn giữ những nét văn hóa ấy.


Nhằm đổi mới hoạt động giáo dục tại bảo tàng, cũng như đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, Bảo tàng Đắk Lắk đã triển khai thành công chương trình “Rung chuông vàng” và được sự quan tâm đón nhận, tham gia của các trường học trên địa bàn thành phố. Đến với chương trình, các em được đóng vai là các thí sinh tham gia vào cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk. Đây là sân chơi mới dành cho các em trong việc tiếp thu kiến thức sinh động, thiết thực nhất. Từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021, Bảo tàng Đắk Lắk đã tổ chức được 05 chương trình “Rung chuông vàng” với các chủ đề: Em yêu lịch sử, Âm nhạc cồng chiêng và thu hút trên 1.000 học sinh tham gia. Kết thúc mỗi chương trình, các em được khen thưởng, biểu dương về các thành tích đã đạt được trong chương trình. Việc tổ chức các chương trình như trên đã góp phần đổi mới hoạt động giáo dục, tránh sự nhàm chán, tiếp thu một chiều như trước kia, tạo lập nên môi trường học tập mới vô cùng bổ ích cho các em.





Chương trình “Rung chuông vàng” tại Bảo tàng Đắk Lắk


Đối với hoạt động tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề: Đây là hoạt động mới tại bảo tàng và đòi hỏi cần sự đầu tư kỹ lưỡng về nội dung khoa học và trong việc tổ chức sự kiện. Do vậy, Bảo tàng Đắk Lắk đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về các nội dung liên quan đến bảo tàng, nhất là lĩnh vực lịch sử nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu biết hơn về lịch sử của đất nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Từ năm 2016 cho đến nay, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giao lưu nhân chứng lịch sử với nhiều nội dung, cách tiếp cận khác nhau và đã thu hút được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh tham gia, tạo nên hiệu ứng tốt đẹp trong học sinh khi đến với Bảo tàng Đắk Lắk.


Đối với hoạt động xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng: Nhằm thúc đẩy quá trình nhận biết, hiểu sâu rộng hơn về nội dung trưng bày cũng như hiện vật tại bảo tàng, trong những năm qua Bảo tàng Đắk Lắk đã chú trọng đến việc xuất bản các tài liệu giáo dục tại bảo tàng. Tài liệu giáo dục chủ yếu là các tờ gấp giới thiệu về các hiện vật, sưu tập hiện vật của bảo tàng, hướng dẫn dành cho trẻ em trong đó có tranh vẽ để các em tô màu, các câu đố có phần giải thích và các câu hỏi để các em trả lời. Đặc biệt, nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, từ năm 2020, Bảo tàng Đắk Lắk đã đổi mới việc phát hành tài liệu giáo dục bằng cách xây dựng các câu hỏi về hiện vật và đăng tải trên website, facebook bảo tàng nhằm tăng tính tương tác giữa bảo tàng với công chúng hơn nữa. Đồng thời, tạo nên sự thích thú đối với trẻ em khi tham gia vào các chương trình giáo dục tại bảo tàng. 



Chương trình tìm hiểu hiện vật trên Facebook Bảo tàng Đắk Lắk


Trong thời gian tới, để thực hiện tốt chức năng giáo dục, nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của bảo tàng trong đời sống xã hội, để bảo tàng thật sự hấp dẫn, thu hút ngày một đông hơn khách tham quan, Bảo tàng Đắk Lắk cần không ngừng đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động, đáp ứng nhu cầu của công chúng, hướng tới mục tiêu phục vụ công chúng một cách tốt nhất, từng bước đưa Bảo tàng Đắk Lắk trở thành “điểm đến hấp dẫn và thân thiện” của du khách mỗi khi đến với tỉnh Đắk Lắk.







Kim Nhị