HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC DI SẢN VĂN HÓA QUA HÌNH THỨC TRỰC TUYẾN TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Trong bối cảnh "thích ứng an toàn, linh hoạt" với tình hình mới mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, bên cạnh phương thức giáo dục truyền thống, Bảo tàng Đắk Lắk đã triển khai Chương trình giáo dục di sản văn hoá thông qua hình thức trực tuyến.

Sức hấp dẫn của chương trình là các nội dung gắn liền với Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, với văn hoá và lịch sử của địa phương, qua bốn nội dung chính:

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: “Tấm gương giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Khám phá văn hóa của các dân tộc tại chỗ qua các chủ đề: “Nhà dài Êđê”; “Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của người Mnông ở Buôn Đôn”.

Tìm hiểu lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp với “Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột”.

Nội dung bài giảng được thiết kế cô đọng, súc tích, mang đến cho học sinh sự yêu thích, say mê tìm hiểu. Mỗi tiết học là một chủ đề thú vị, hấp dẫn, mở ra cho các em học sinh những điều bổ ích, mới lạ. Bằng lối dẫn dắt truyền cảm, lôi cuốn, các cô giáo - những thuyết minh viên của Bảo tàng Đắk Lắk đã lan toả niềm đam mê với văn hoá, lịch sử, về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Hồ Chí Minh. Khơi gợi lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống quê hương đất nước, khơi gợi tinh thần ham học, hiểu biết của các em.




Bài giảng được thiết kế sinh động với nhiều hình ảnh, phim tư liệu, kết hợp với các trò chơi vui nhộn đã kích thích sự say mê tìm hiểu của các em học sinh. Không cần đến tận bảo tàng hay các điểm di tích lịch sử, qua các tiết học trực tuyến, các em có thể tham quan, tìm hiểu chi tiết câu chuyện hiện vật, nhân vật lịch sử hay các câu chuyện về di tích lịch sử.




Kết thúc tiết học là các trò chơi hấp dẫn với nhiều câu hỏi đua tài trí tuệ, gắn liền với chủ đề, tạo sự hứng thú tham gia và giúp học sinh ghi nhớ nội dung của bài học.


Trò chơi “Hộp quà bí mật”


Việc chủ động lựa chọn nội dung, hình thức giáo dục đa dạng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chương trình giáo dục tại Bảo tàng Đắk Lắk. Từ tháng 02 đến tháng 04/2022, Bảo tàng đã tổ chức 12 buổi học, thu hút gần 500 học sinh tham gia. Đặc biệt, Bảo tàng Đắk Lắk còn tham gia chương trình giáo dục di sản văn hoá thông qua hình thức trực tuyến do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với các bảo tàng trên cả nước để giới thiệu văn hoá, lịch sử địa phương cho các em học sinh khối lớp 3-5 đến từ mọi miền đất nước.



Một tiết học tại trường Tiểu học Tràng An, Hà Nội


Sự thành công của các chương trình giáo dục trực tuyến đã góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động giáo dục tại Bảo tàng Đắk Lắk và trường học, từ đó hình thành ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị di sản văn hoá cho các em học sinh.

Trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với tình hình mới mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch hiệu quả, việc Bảo tàng Đắk Lắk áp dụng hình thức giáo dục trực tuyến đã giúp nhà trường, phụ huynh và học sinh có nhiều sự lựa chọn trong các chương trình ngoại khoá, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu và học tập của các đối tượng học sinh. Bên cạnh đó, chương trình đã triển khai theo đúng định hướng của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường xây dựng các chương trình phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo và Bảo tàng.




GD&TT