HIỆN VẬT CỦA TÙ TRƯỞNG Ê ĐÊ LƯU GIỮ TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2020, Bảo tàng Đắk Lắk giới thiệu một số hiện vật của Tù trưởng, Chủ bến nước – những người có uy tín và tầm ảnh hưởng đối với người Ê đê xưa kia.

Là người có tầm ảnh hưởng ở một vùng rộng lớn, hình ảnh Tù trưởng luôn gắn liền với sự mạnh mẽ, oai hùng đã đi vào sử thi, truyền thuyết. Những hiện vật gắn liền với các vị Tù trưởng do vậy cũng độc đáo và có nhiều nét khác biệt.


GIÁO (LAO): Lưu truyền qua 3 đời Tù trưởng của gia đình bà H’Num (buôn Alê A, thành phố Buôn Ma Thuột). Đây là chiếc giáo Tù trưởng buôn Alê A sử dụng khi săn bắn thú rừng. Giáo có mũi nhọn, mỏng và dẹt, phần cán làm bằng gỗ cẩm lai, bề mặt phủ một lớp mỏng nhựa của cây gỗ dầu pha với sáp ong. 


XÀ GẠC TÙ TRƯỞNG: Mỗi khi đi thăm bạn bè ở các buôn lân cận hay tham gia lễ hội, Tù trưởng đều mặc áo, đóng khố, quấn khăn kưn và mang theo chiếc xà gạc này trên vai biểu thị uy quyền của mình. Phần lưỡi xà gạc tạo dáng theo hình đầu con công - thể hiện sự sang trọng, giàu có.



TRANG PHỤC TÙ TRƯỞNG: ở vùng Čư Pơng, Krông Bŭk, đây là trang phục của người giàu, mặc trong dịp lễ hội. Từng đường kim, mũi chỉ, cách trang trí, hoa văn,… đều thể hiện uy quyền của người Tù trưởng.



BỘ NỎ - ỐNG ĐỰNG TÊN VÀ MŨI TÊN: của ông Y Đok – Tù trưởng Buôn Dur những năm đầu thế kỷ XX. Nỏ vừa là vũ khí, vừa là công cụ dùng trong việc săn bắn thú rừng, chim muông. Thân bằng gỗ cẩm lai, cánh bằng gỗ sao – vừa chắc lại vừa có độ đàn hồi cao để đẩy mũi tên đi xa và mạnh.



KIẾM: Gắn liền với câu chuyện thú vị về chiến tranh giữa các bộ lạc xưa kia. Thanh kiếm là của ông Y Bang người Gia rai ở buôn Lê, có vợ là người ở buôn Trum vùng Buôn Hồ. Vào một buổi sáng, cuộc chiến tranh giữa ông Y Bang ở buôn Trum và dân làng buôn Adrơng bùng nổ vì một lý do nhỏ nhặt: tranh giành một con bò rừng. Sau một thời gian thách thức, Y Bang đã thật sự kéo dân làng buôn Trum đánh vào buôn Adrơng. Trong lúc giao tranh Y Bang đã sử dụng thanh kiếm này đánh nhau và làm nhiều người bị trọng thương. Dân làng buôn Adrơng chống trả quyết liệt và lấy được thanh kiếm của Y Bang. Cuộc chiến kết thúc, Y Bang bỏ chạy. Thanh kiếm được dân làng buôn Adrơng giao lại cho Chủ bến nước lúc bấy giờ là bà H’Dim lưu giữ.



Hãy đến Bảo tàng Đắk Lắk để cảm nhận những điều thú vị từ những câu chuyện của hiện vật, hòa mình vào không gian văn hóa của các dân tộc nơi đây.

GD&TT