GIÊT AKŎ KRA – BẦU HỒ LÔ

Bầu hồ lô trong tiếng Êđê gọi là Giết akŏ kra – một loại cây được trồng khá phổ biến ở trong vườn nhà và trên nương rẫy. Các sản phẩm từ vỏ bầu không chỉ là vật dụng sinh hoạt thường ngày mà còn gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Quả bầu lúc non thì dùng nấu canh, đến khi già thì được hái về để dành, treo trên gác bếp hay đem ngâm bùn một thời gian, sau đó tách cuống, bỏ ruột, sử dụng vào những mục đích khác nhau như: bầu đựng nước để châm đầy ché rượu trong các nghi lễ, đựng mồi câu, hạt giống khi lên nương rẫy, ra sông suối; bầu làm chén đựng cơm, chõ hong xôi, đựng thức ăn bên bếp lửa bập bùng. 






Bầu cộng hưởng vào những giai điệu ngọt ngào của các nhạc cụ truyền thống, mang âm hưởng núi rừng cao nguyên như: Đinh năm, Đinh tak ta, M’boắt,…


Được làm từ vỏ bầu khô và sáu ống nứa xếp thành hai bè, mỗi bè ba ống, Đinh năm là loại nhạc cụ có thể hòa tấu, độc tấu và đệm cho hát Ayray, được thanh niên trai gái Êđê ưa thích. Người Ê đê dùng Đinh năm để giải trí trên nương rẫy, xua đuổi thú rừng vào phá nương rẫy; kiêng sử dụng trong nhà vào những ngày thường. Khi có tang lễ hoặc lễ bỏ mả, Đinh năm mới được thổi trong nhà.


Khác với Đinh năm, Đinh Tăk ta là loại nhạc cụ tượng thanh, được làm từ một ống nứa nhỏ có khoét các lỗ tạo nốt nhạc, một đầu có “lưỡi gà” (làm từ tre nứa), được gắn xuyên qua vỏ bầu khô nhỏ. Âm sắc của loại nhạc cụ này ấm áp, âm lượng vừa phải, có tính giai điệu như một sự mô phỏng âm thanh của thiên nhiên, loại nhạc cụ này ít thổi trong nhà, chỉ sử dụng lúc nghỉ ngơi trên rẫy hay lúc sinh hoạt cộng đồng, thường thổi vào buổi sáng sớm để đánh thức bà con trong buôn dậy đi làm. 





Đặc biệt, vỏ bầu khô còn trở thành những vật tiếp tế, gắn liền với kỷ niệm kháng chiến của những người con Tây Nguyên yêu nước, gan dạ, kiên trung.


Vỏ bầu của ông Y Rõ Ayũn, người Êđê là một câu chuyện ý nghĩa. Thời kỳ 1945 - 1954, ông Y Rõ Ayũn tham gia cách mạng, lúc bấy giờ, dân làng nghèo đói, lạc hậu, bị thực dân Pháp kiểm soát gắt gao, mỗi buôn chúng bắt một người làm con tin dẫn đường, ai không tuân theo sẽ bị trừng phạt nặng nề. Ông Y Rõ biết một ít tiếng Pháp và gây dựng được tình cảm với lính Pháp, vì thế khi ông bí mật làm liên lạc và tiếp tế gạo cho Việt Minh, địch không nghi ngờ hay phát hiện. Với vỏ bầu, ông sử dụng để tiếp tế gạo từ Buôn Yun ra Buôn Đôn với khoảng cách khoảng 20km. Trong thời gian tham gia cách mạng, ông không nhớ mình đã tiếp tế được bao nhiêu lần và bao nhiêu kí lô gram gạo. Đối với ông, quả bầu tiếp tế gợi nhớ những kỷ niệm về một thời kháng chiến oanh liệt, luôn được ông nâng niu, trân trọng và ông đã trao gửi lại để Bảo tàng Đắk Lắk lưu giữ.





Vỏ bầu của bà H’Pri Knul, người Êđê, ở huyện Krông Bŭk, gắn liền với quá trình tham gia tiếp tế lương thực cho cách mạng từ năm 1960 đến năm 1968. Trong những năm tháng khó khăn, thiếu thốn, địch lại kiểm soát gắt gao, thế nhưng bà H’Pri vẫn bí mật, không ngại gian khổ, mặc cho trời đêm tối, lợi dụng những lúc mưa to, gió lớn đem gạo vào rừng tiếp tế lương thực cho bộ đội.





Cũng như bà H’Pri Knul, vỏ bầu của gia đình bà H'Čễn Kbuôl, người Êđê, ở xã Čư Pơng huyện Krông Bŭk được dùng để tiếp tế cho cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Qua lời kể của bà H'Čễn, những năm 1960 – 1961, sau phong trào Đồng Khởi, địch tăng cường khủng bố, kiểm soát gắt gao, chúng dồn ép dân, không cho ra khỏi vùng, xung quanh là dây thép gai bao bọc, nhưng bà vẫn mưu trí, tìm mọi cách ra ngoài, làm liên lạc và dùng vỏ bầu đựng gạo, thuốc, muối, tiếp tế cho cán bộ, trong đó chủ yếu là tiếp tế gạo, bằng cách cho gạo vào vỏ bầu sau đó đổ nước để gạo chìm xuống đáy, như thế địch không phát hiện được. Trong khoảng thời gian hoạt động cách mạng, bà đã tiếp tế được khoảng 20 lần cho các đồng chí ở hậu cứ mà bà vẫn nhớ mãi những tên gọi thân thương như: Ama Đạt, Ama Chứ, Ama Kim, Ama Pui cùng nhiều đồng chí khác.





Gần gũi, mộc mạc, giản dị, những hiện vật sinh hoạt, kháng chiến luôn mang lại những câu chuyện ý nghĩa, gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của những người dân Tây Nguyên. Đến Bảo tàng Đắk Lắk, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu và khám phá các không gian trưng bày, từ đó có cái nhìn chân thực về văn hóa, lịch sử địa phương, thêm yêu và tự hào về lịch sử, vùng đất và con người cao nguyên.




GDTT