GIÁO DỤC LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG TẠI DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐẶC BIỆT NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT
Hiện nay, công tác giáo dục lịch sử địa phương tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột được Bảo tàng Đắk Lắk hết sức quan tâm; trong đó, chú trọng việc phối hợp cùng các trường học trên địa bàn tỉnh xây dựng nội dung giáo dục lịch sử địa phương gần gũi, hấp dẫn hơn với các em học sinh.
Các em học sinh tại buổi học tập và trải nghiệm
Đồng hành cùng với các em học sinh trong buổi tham quan tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột là những thuyết minh viên. Tùy vào độ tuổi của học sinh, thuyết minh viên sẽ có cách truyền đạt, những câu chuyện kể phù hợp. Mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh và những thông tin chứa đựng trong đó sẽ là những giáo cụ trực quan, giảm bớt sự “khô khan” của những bài giảng lịch sử. Các em học sinh sẽ thấy thú vị và cảm nhận sâu sắc hơn về các giá trị lịch sử khi được trực tiếp nhìn thấy những hiện vật, tham quan nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng. Hơn nữa, các em có thể tương tác bằng cách đặt ra những câu hỏi, nêu lên những thắc mắc, những vấn đề chưa nắm rõ để thuyết minh viên giải đáp và củng cố kiến thức cho các em.
Thuyết minh viên truyền đạt thông tin cho các em học sinh trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai
Em Khải Phong, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Krông Ana) chia sẻ: “Được các thầy cô đưa đi thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột, nghe cô thuyết minh kể về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng nơi đây, em rất biết ơn. Em hứa sẽ luôn chăm ngoan, cố gắng học tập tốt để có thể đóng góp công sức xây dựng quê hương”.
“Tôi nhận thấy các em đều rất hứng khởi, say sưa với buổi học đặc biệt này. Không chỉ được trải nghiệm thực tế, qua phương pháp học này, các em còn chủ động tìm hiểu về những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương. Đợt tham quan trải nghiệm lần này giúp các học sinh có tinh thần tập thể cao hơn và tạo sự hứng thú trong học tập cho các em, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Krông Ana) cho biết.
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột là một địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh. Anh Nguyễn Tri Phước, thuyết minh viên tại đây chia sẻ: “Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày càng thu hút đông đảo các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, địa phương, các trường học tìm về dâng hương, báo công, tổ chức các hoạt động kết nạp Đoàn, Hội, Đội. Tôi rất vui và tự hào khi được đồng hành, giới thiệu, hướng dẫn, chia sẻ những hiểu biết về di tích để cùng lan tỏa niềm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ tại nơi đây đến với các em học sinh, khách tham quan”.
Anh Nguyễn Tri Phước (Thuyết minh viên) giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh
Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh) tổ chức tham quan, học tập lịch sử, truyền thống cho chiến sĩ mới
Với mục đích tạo ra không gian giáo dục lịch sử địa phương theo phương thức đổi mới và hấp dẫn, giúp học sinh có những trải nghiệm thú vị, tìm hiểu kiến thức lịch sử một cách “nhẹ nhàng” hơn, Bảo tàng Đắk Lắk đã xây dựng và tổ chức chương trình giáo dục và trải nghiệm “Những năm tháng lịch sử hào hùng”. Đây là một chương trình ý nghĩa và độc đáo, kích thích học sinh phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, rèn luyện ý thức tự giác và chủ động trong việc tiếp thu kiến thức, từ đó thấu hiểu giá trị “uống nước nhớ nguồn”.
Trải nghiệm Cuộc duyệt binh lịch sử diễn ra tại Nhà đày Buôn Ma Thuột
Có thể nói, việc tổ chức dạy và học lịch sử tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng môn học, giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử của địa phương, vun đắp tình yêu quê hương đất nước, rèn luyện đạo đức và lý tưởng cách mạng cho các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; đồng thời, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Di tích.
Trần Hằng