GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA DI TÍCH HANG ĐÁ BA TẦNG
Được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 06/3/2020, Hang đá Ba tầng là một trong những địa điểm hoạt động cách mạng nằm trong vùng căn cứ cánh Nam H10 – huyện Lắk.
Cuối năm 1961, trong một chuyến khảo sát Đắk Lắk, Ngô Đình Nhu nhận định “Việt cộng đã chiếm lĩnh vùng Nam Đắk Lắk”. Ở B5 (Nam Đắk Lắk) địch càn quét, đánh phá liên tục, dồn dân vùng Đông Lắk vào các khu ấp buôn Mgban, Miga, Chư Phiăng.
Tháng 02/1962, Hội nghị Khu uỷ VI (Quân khu VI) họp đề ra hai nhiệm vụ lớn: Xây dựng và mở rộng căn cứ, phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược của địch, giành quyền làm chủ nông thôn, xây dựng và phát triển cơ sở ở thành phố để tiêu diệt địch ở các cứ điểm vùng phụ cận Buôn Ma Thuột. Thực hiện nhiệm vụ đó, Ban cán sự B5 đã chủ trương động viên mọi lực lượng, mở đợt tiến công địch nhằm phá thế kềm kẹp của địch trong các ấp chiến lược, các khu dồn dân, hỗ trợ cho phong trào quần chúng đấu tranh. Đẩy mạnh đấu tranh chính trị và quân sự rộng khắp, liên tục tấn công, làm tiêu hao sinh lực địch, xây dựng bồi dưỡng lực lượng ta. Trong thời gian này, đồng chí Ama H’Oanh được chỉ định là Bí thư huyện Lắk.
Tháng 10/1962, địch bắt đầu mở “chiến dịch An Lạc” với qui mô lớn, trọng điểm là vùng lưu vực sông Krông Nô; cắm sâu vào vùng căn cứ của ta bằng cứ điểm Đam Rông (chỉ huy sở cuộc hành quân) và căn cứ điểm Phi-tih-ya nhằm đánh bật lực lượng và cơ quan đầu não của ta ra khỏi vùng này để chiếm lại địa bàn quan trọng. Cuộc hành quân “An Lạc” của Sư đoàn 23 ngụy kéo dài gần 4 tháng, cuối năm 1962, địch đánh phá vùng căn cứ Khu VI và dồn xúc dân lưu vực sông Krông Nô lập các khu tập trung, ấp chiến lược Phitiya, Đam Rông, vùng giáp ranh giữa Đắk Lắk và Lâm Đồng trên đường 21 bis. Chúng phục kích rình bắt người dân, dùng máy bay kêu gọi chiêu hồi, chiêu hàng; đánh phá triệt hạ hoa màu, gia súc, đốt sạch, phá sạch vùng căn cứ của ta.
Huyện Lắk nằm trong vùng trọng điểm đánh phá của địch, chúng càn dài ngày và ác liệt. Đồng bào cùng du kích ngày đêm bám địch vòng ngoài, nhưng do địch có gián điệp chỉ điểm nên đi đến đâu, bom đạn địch rải theo đó. Ban ngày chúng cho máy bay bắn phá và bộ binh đi lùng sục, đêm đến địch dùng pháo từ Lạc Thiện, K’tê, Đầm Ròn bắn thẳng vào các buôn và nơi đồng bào tản cư. Du kích và bộ đội địa phương vừa đánh địch vừa bảo vệ dân, chuyển dân vào vùng sâu. Bao vây vòng rộng không được, địch tổ chức những toán biệt kích luồn sâu vào rừng, phục kích những đoạn đường mòn, gặp người thì bắt, không bắt được thì bắn chết, nghi chỗ nào bắn chỗ đó. Có buôn chúng thả bom, bắn pháo vào chỗ ở, đồng bào thương vong.
Trong cuộc chiến đấu chống cuộc hành quân “An Lạc” của địch, Đội công tác phát động quần chúng, xây dựng căn cứ Khu VI do đồng chí Ama H’Oanh (Tô Tấn Tài) chỉ huy và Đội du kích A1 đã chọn Hang đá Ba tầng nằm trong vùng núi Krông Nô làm địa điểm hoạt động cách mạng, lãnh đạo nhân dân chống địch. Đồng thời, kêu gọi đồng bào M’nông ở 3 buôn: Buôn Liêng Krăk, buôn Yông Hắt và buôn Dôt Rpưl trú ẩn vào hang đá khi bị địch càn quét ném bom, đánh phá buôn làng.
Tại địa điểm hang đá Ba Tầng, Mỹ - Nguỵ dùng cả máy bay ném bom và cho biệt kích đánh vào khu vực này nhưng nhờ địa thế hiểm trở, rừng rậm, hang đá rộng lớn nên cán bộ cách mạng và người dân gần như không chịu thiệt hại nhiều.
Các tảng đá lớn trên hang là nơi các lãnh đạo Đội công tác và Đội du kích ngồi họp bàn công tác, phân công nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ nhân dân chống lại cuộc càn quét của địch. Thường ngày, vào mỗi buổi tối, đồng chí Ama H’Oanh và Đội công tác sẽ tổ chức họp dân ở ba buôn đang trú ẩn trong Hang đá để tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, vận động nhân dân yên tâm sản xuất (trồng lúa rẫy, khoai mỳ) và không nên sợ hãi, đầu hàng địch.
Đội công tác còn phân công cho thanh niên, phụ nữ tham gia đi đến B3, H4, H5, H6 gùi muối, gạo, thuốc men, súng đạn tiếp tế cho cách mạng. Thanh niên M’nông tổ chức từng đội, vượt rừng sang vùng căn cứ của tỉnh Gia Lại gùi bắp, gạo, sắn về, họ còn xin cả hom sắn, bắp giống và dây khoai lang đem về cho các buôn làng ở vùng căn cứ trồng trỉa. Phụ nữ và thiếu niên M’nông tổ chức vào rừng sâu đào củ, hái rau và lấy hạt gắm về ăn thay cơm gạo. Nhà nhà, người người ai cũng có những hoạt động tích cực của mình nhằm góp phần khắc phục nạn đói của cả cộng đồng do sự tàn bạo của kẻ địch gây ra để tiếp tục chiến đấu chống quân thù, bảo vệ vùng căn cứ.
Đặc biệt, tại Hang đá Ba tầng đã tổ chức kết nạp Đảng cho đồng chí Y Bang Rlưk và kết nạp Đoàn cho 03 đồng chí, trong đó có đồng chí Y Thanh Rlưk – Đội phó Đội du kích A1.
Đầu Xuân 1963, với vài con gà, mấy quả bí ngô và 10 cân nếp, Đội công tác đã tổ chức cho bà con ăn Tết, nam nữ thanh niên đốt lửa trại, múa hát tại bãi cát bồi dưới đáy Hang đá (tầng thứ ba của Hang đá) để động viên, cổ vũ tinh thần cho sản xuất, chiến đấu của nhân dân.
Nhìn những cảnh tàn sát dã man của địch, anh chị em du kích càng sôi sục căm thù và vượt mọi gian khổ, không ngại hi sinh, kiên quyết đánh địch bằng nhiều hình thức: Tổ chức những tốp nhỏ, luồn sâu tập kích, bắn tỉa, đánh lui từng tốp địch. Địch bị đánh khắp nơi, phần bị du kích ta bắn tỉa, phần sập hầm chông nên tổn thất nhiều. Tiêu biểu nhất là trận chiến đấu chống càn, bảo vệ căn cứ của du kích và nhân dân xã Đăk Rơpul diễn ra tại Hang đá Ba tầng vào đầu năm 1963. Địch đã phát hiện ra hang đá, chúng dùng hơn một tiểu đoàn bao vây hòng tiêu diệt những người dân vùng căn cứ. Địch sử dụng mọi loại súng, đạn bắn liên tục vào miệng hang; dùng bom ném xuống. Mỗi tảng đá, gốc cây tại đây, phải chịu hàng tấn bom đạn của quân thù. Nhưng du kích và bộ đội ta đã chiến đấu rất dũng cảm chống lại quân thù và bảo vệ an toàn cho từng người dân M’nông ở vùng căn cứ địa cách mạng.
Cuộc chiến đấu diễn ra không cân sức: địch với một đại đội, ngày hôm sau tăng viện quân thành một tiểu đoàn, còn ta ngoài lòng dân thì chỉ có một tiểu đội du kích không quá 10 người. Tuy nhiên sau một ngày chiến đấu, địch bất lực phải gọi tăng viện, khi đêm đến, du kích ta đã bí mật đưa dân rút theo khe suối cạn, di chuyển đi nơi khác an toàn. Trong cuộc chiến đấu này, quân và dân ta không một ai bị thương vong, tổn thất.
Ghi nhận thành tích của đội du kích xã Krông Nô, Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng dân tộc Miền Nam Việt Nam đã trao tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng III. Phòng chính trị, Bộ Tư lệnh quân khu VI xuất bản cuốn sách “Đội du kích Krông Nô” nhằm ca ngợi những người du kích M’nông ở vùng căn cứ địa cách mạng xã Krông Nô, huyện Lắk lúc bấy giờ.
Di tích lịch sử Hang đá Ba tầng mãi là một trong những địa chỉ đỏ tri ân công lao của lớp người đi trước, góp giáo dục về ý chí quật cường, tinh thần cách mạng cao cả, truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ ở Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.
GD&TT