ĐỒNG CHÍ VÕ BẨM, CỰU TÙ CHÍNH TRỊ NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT, NGƯỜI “KHAI SƠN PHÁ THẠCH” ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Trường Sơn, Điện ảnh Quân đội Nhân dân - Tổng cục chính trị đã làm việc tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột để xây dựng bộ phim tài liệu về đồng chí Võ Bẩm - cựu tù chính trị, người “Khai sơn phá thạch” đường Trường Sơn huyền thoại.
Đồng chí Võ Bẩm sinh năm 1915 tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình nhà nho yêu nước. Cha của đồng chí là chí sĩ Võ Thạc - Phó soái chỉ huy cuộc khởi nghĩa Duy Tân tại Quảng Ngãi bị giặc Pháp bắt tra tấn đến chết, lúc đó đồng chí vừa tròn một tuổi. Anh trai đồng chí là nhà cách mạng Võ Khoa tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ rất sớm và trở thành lớp Đảng viên Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Ông Võ Khoa cũng bị thực dân Pháp bắt tù đày và mất sớm. Do ảnh hưởng lớn từ cha và anh trai, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, bí mật tham gia làm liên lạc, vận động thành lập các tổ chức cộng sản ở phía Bắc Quảng Ngãi.
Tháng 8 năm 1934, khi tròn 19 tuổi, đồng chí đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, được phân công giữ chức vụ Bí thư Chi bộ và sau đó là Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Năm 1935, kế hoạch tổ chức biểu tình nhân ngày 01/5 bị bại lộ, địch ra sức đàn áp, phá tổ chức cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng, lùng sục bắt các đảng viên trong đó có đồng chí Võ Bẩm. Sau hơn 2 tháng tra khảo, đánh đập ở Nhà lao Quảng Trị không moi được thông tin gì, chúng kết án đồng chí 12 năm tù khổ sai và 15 năm quản túc, đày đi Nhà tù Lao Bảo.
Sau gần 2 năm bị giam giữ tại Nhà tù Lao Bảo, mùa hè năm 1937, đồng chí bị địch đưa lên Nhà đày Buôn Ma Thuột giam giữ, tại đây đồng chí bị giam cùng lao với các đồng chí Trần Hữu Dực, Lê Tất Đắc, Phạm Kiệt, Tô Đình Biểu... Những năm tháng bị giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng chí Võ Bẩm luôn kiên cường đấu tranh không ngừng nghỉ, bất chấp sự tra tấn, đánh đập với mọi cực hình tàn khốc của kẻ thù.
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột
Buổi tối, để bảo vệ anh em, đồng chí Võ Bẩm thường chọn chỗ nằm thích hợp để khi có sự việc gì xảy ra đồng chí dễ bề đối chất với cai ngục và sẵn sàng chịu đòn. Có lần tên Công sứ Đuy – Poa vào đánh anh em tù, quá phẫn uất, đồng chí Võ Bẩm chửi hắn: “chúng mày là lũ dã man”, Công sứ Đuy – Poa quay ngoắt lại, vớ ngay chiếc nêm cùm bằng gỗ lim, giáng mạnh liên tiếp vào đầu đồng chí Võ Bẩm. Đồng chí chỉ đỡ được đòn thứ nhất, những đòn sau không kịp trở tay và thấy đầu óc đau buốt, choáng váng, một mảng da từ đỉnh đầu rách toạc xuống đến trán, đồng chí ngất lịm tại chỗ, máu chảy thành vũng. Bị anh em tù hò la, phản đối kịch liệt, Công sứ Đuy – Poa mới dừng lại.
Khung cảnh khu bàn giấy và một phòng giam tập thể
Có lần tù chính trị tổ chức đấu tranh hò la, đòi cải thiện chế độ tù đày, lập tức tên thư ký báo cho quản ngục Moshine huy động binh lính vào đàn áp, đánh đập, tra khảo và bắt tất cả tù nhân ăn cơm với nước lã, tệ hại hơn, chúng còn cố tình nấu cơm cháy khê, bắt anh em tù ăn. Ngoài ra, hắn còn bắt đồng chí Võ Bẩm và Nguyễn Lợi ra giữa sân để tra tấn vì nghi ngờ là những người cầm đầu, vận động anh em tù đấu tranh. Tụi lính đè đồng chí Võ Bẩm nằm sấp, để cho tên Moshine cao to vạm vỡ nhảy lên lưng, dẫm hai chân vào hai bả vai, sau màn tra tấn của tên Moshine, hai tên lính đứng hai bên, mỗi đứa một gậy song dài, thẳng cánh nệm xuống lưng như “bổ củi”, xương sống như muốn gãy ra, đồng chí đau đớn như chết đi sống lại. Đồng chí Nguyễn Lợi cũng bị tra tấn tương tự và ngất lịm trên sân. Trong buồng giam, anh em tù gào thét, hò la, phản đối hành động dã man của kẻ thù.
Những trận đòn roi dữ dằn của kẻ thù dẫu không làm nhụt chí đấu tranh của những người tù cộng sản nhưng để lại hậu quả với những thương tật suốt đời, còn đối với đồng chí Võ Bẩm là chứng đau buốt đầu, loạn tiền đình triền miên và sống lưng đau buốt, gai lạnh như muốn rời từng đốt xương sống mỗi khi trái gió trở trời. Đầu năm 1940, sức khỏe đồng chí suy kiệt trầm trọng, chứng đau đầu và đau lưng hành hạ đồng chí suốt ngày đêm. Thấy vậy, đồng chí Trần Hữu Dực, Phạm Kiệt, Tô Đình Biểu đã viết lá đơn xin được ân xá, gửi về quê để mẹ đồng chí đứng tên và gửi Phủ toàn quyền Pháp. Khi hay tin con còn sống và sức khỏe không được tốt, bà đã nhanh chóng gửi lá đơn, nhờ người quen, chạy vạy, lo lót và với tấm lòng của người mẹ dành cho con mình cũng như những lời tố cáo đanh thép về tội ác và chế độ khắc nghiệt ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, ngoài ra còn có sự giúp đỡ của viên sếp ngục Mac-xa, tháng 12/1940 đồng chí Võ Bẩm đã được thả tự do.
Về tới quê nhà, được sự chăm sóc tận tình của mẹ và sự quan tâm của mọi người, sức khỏe của đồng chí được cải thiện nhưng bệnh sốt rét, đau đầu và đau lưng thì không khỏi. Sau một thời gian trị bệnh, đồng chí Võ Bẩm tiếp tục bí mật hoạt động cách mạng, tham gia các phong trào đấu tranh và giữ nhiều chức vụ quan trọng.
Năm 1950, đồng chí Võ Bẩm nhận lệnh từ đồng chí Nguyễn Duy Trinh tổ chức một đoàn thuyền vượt biển sang Trung Quốc nhận hàng viện trợ của quốc tế, theo nhận định của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, chuyến đi này 99% là gặp bão tố và bị địch bắt, chỉ có 1% sự sống. Đồng chí Võ Bẩm cùng anh em đã trải qua bão táp, phong ba của biển Đông, cận kề với cái chết, tận dụng 1% sự sống hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Chính trị giao.
Năm 1959, đồng chí Võ Bẩm đến gặp Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) và nhận lệnh: “Bộ Chính trị trực tiếp giao cho anh mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn và tổ chức lực lượng vận chuyển vật chất, súng đạn, chi viện cho miền Nam tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc”. Ngày 19/5/1959, Bộ Quốc Phòng đã chính thức giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn và thành lập Đoàn 559, bổ nhiệm Thượng tá Võ Bẩm giữ chức vụ Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 559, thiết lập tuyến hành lang, nối thông liên lạc, vận chuyển gấp súng đạn và chiến sĩ bộ đội vào tăng cường cho chiến trường miền Nam.
Nhận lệnh, đồng chí Võ Bẩm nhanh chóng bắt tay vào việc, gặp bao khó khăn gian khổ nhưng với phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” và để giữ bí mật “Sống để dạ, chết mang theo”. Với những phương châm đó, con đường Trường Sơn huyền thoại đã bí mật ra đời và thực hiện được nhiệm vụ cao cả: chi viện cho chiến trường miền Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đồng chí Võ Bẩm
Cùng thời điểm mở tuyến vận tải trên dãy Trường Sơn, đồng chí Võ Bẩm nhận chỉ thị của Bác Hồ mở tuyến vận tải trên biển, chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 7/1959, ta quyết định mở con đường Bắc Nam xuyên biển Đông, chi viện cho tuyền tuyến, những con tàu không số đã vượt qua sóng gió, vượt qua canh gác nghiêm ngặt của địch để thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt của mình.
Năm 2008, Thiếu tướng Võ Bẩm rời xa cõi tạm ở tuổi 94, với những chiến công vẻ vang nhưng cũng đổi bằng máu và nước mắt trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng của mình. Ông sẽ mãi mãi là người cựu tù chính trị Nhà đày Buôn Ma Thuột kiên trung, bất khuất và là một phần không thể thiếu của Đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại và bất tử.
Thu Hương