ĐÓN HƠN 5.500 LƯỢT KHÁCH ĐẾN DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐẶC BIỆT NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT TRONG THÁNG 4/2025

Tháng 4/2025 đã có hơn 5.500 lượt khách đến tham quan, học tập và dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.



Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp thiết lập từ năm 1930 - 1931, là nơi giam cầm và đày ải những chiến sĩ cách mạng yêu nước của toàn xứ Trung Kỳ. Dưới chế độ cai trị tàn khốc, những người cộng sản kiên trung đã biến nơi đây thành trường học cách mạng, giữ vững khí tiết, nuôi dưỡng lý tưởng giải phóng dân tộc. Không ít người trong số họ đã hy sinh, trở thành những tấm gương anh hùng bất tử, sống mãi trong lòng Tổ quốc.



Trở về địa chỉ đỏ “Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột” trong những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước cùng hướng về dịp Lễ trọng đại Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) là hành trình tìm hiểu lịch sử, tri ân sâu sắc công lao to lớn của các thế hệ cha anh, đã không tiếc máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đối với các đoàn Cựu chiến binh đến từ thủ đô Hà Nội và các tỉnh như: Quảng Trị, Quảng Bình, Lâm Đồng, Bình Định,... thì những cảm xúc ấy lại thêm đong đầy, ý nghĩa. Họ đã vượt qua đoạn đường dài, về thăm lại chiến trường xưa, nơi những người tiền bối, đồng đội từng bị giam cầm, đày ải, cùng ôn lại kỷ niệm, truyền thống cách mạng hào hùng trong niềm xúc động và tự hào sâu sắc. Thiếu tướng Hồ Thanh Tự, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Kính thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, các cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị nguyện mãi mãi xứng danh Bộ đội cụ Hồ, góp phần mình xây dựng giang sơn gấm vóc”. Ông Nguyễn Thanh Long ở tỉnh Lai Châu có những dòng cảm tưởng đầy xúc động: “Xin cảm ơn sự hy sinh dũng cảm của các đồng chí, để cho dân tộc Việt Nam nói chung và cá nhân tôi được hưởng những thành quả cách mạng mà các đồng chí đã góp sức vào chiến thắng lịch sử đó. Thật đáng tự hào...”, qua đó gửi gắm tình cảm: “Xin cảm ơn Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã gìn giữ và tôn tạo điểm lịch sử này để giáo dục cho các thế hệ mai sau”.


Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, nơi những câu chuyện lịch sử hào hùng và bi tráng được lưu giữ qua từng hiện vật, trong những dãy nhà lao, xà lim, những bức tường dây thép gai chằng chịt,... nơi tình yêu đất nước, lý tưởng cách mạng, khát vọng độc lập, tự do được thắp sáng, trở thành biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa cách mạng, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.


Hoàng Thủy