ĐÌNH LẠC GIAO - DẤU ẤN CỦA NGƯỜI KINH TRÊN VÙNG ĐẤT TÂY NGUYÊN
Khi nhắc đến đình làng, gần như ai cũng đều nghĩ đến những ngôi đình ở miền Bắc hoặc miền Trung và ít ai có thể ngờ được rằng ngay tại vùng đất Tây Nguyên xa xôi, lại có một ngôi đình nằm hiện hữu ngay giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột.
NGHE TẠI ĐÂY
Quay ngược thời gian trở về những năm 1900, khi đặt ách cai trị tại vùng đất Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, thực dân Pháp đã thi hành chính sách ngăn cấm người Kinh lên Đắk Lắk, ai có giấy thông hành của Công sứ mới được sinh sống, buôn bán và thực hiện âm mưu “chia để trị”, “đất thượng của người thượng”, nhằm ngăn cản làn sóng đấu tranh từ các tỉnh đồng bằng lên Tây Nguyên và kìm hãm sự phát triển của các dân tộc nơi đây để dễ bề cai trị và bóc lột. Nhưng thực dân Pháp càng hạn chế bao nhiêu thì các dân tộc Tây Nguyên càng đoàn kết gắn bó bấy nhiêu, đặc biệt là giữa người Kinh và người Thượng, gắn bó thuỷ chung xây dựng và bảo vệ vùng đất.
Lúc đầu người Kinh lên Buôn Ma Thuột chủ yếu là để giao lưu buôn bán, số lượng chưa đến 50 người, trong đó có ông Phan Hộ là người Quảng Ngãi sinh sống tại Khánh Hòa. Sau khi lên Đắk Lắk ông nhận thấy Buôn Ma Thuột là một vùng đất mới có tiềm năng kinh tế chính vì vậy ông đã quay trở về Khánh Hòa đưa một số hộ gia đình lên Buôn Ma Thuột để lập nghiệp.
Năm 1924, làng Lạc Giao được hình thành, do ông Phan Hộ làm Lý trưởng. Theo phong tục của người Việt xưa, ở đâu có làng thì ở đó có Đình. Chính vì vậy năm 1928, Đình ra đời, có tên gọi là đình Lạc Giao. “Lạc” mang ý nghĩa con Lạc, cháu Hồng, “Giao” trong nghĩa giao thương, giao hảo. "Lạc Giao" là lời nguyền giao ước an cư lạc nghiệp của đồng bào người Kinh với đồng bào người Thượng cùng chung lưng đấu cật để xây dựng quê hương mới. đình Lạc Giao chính là nơi giao lưu văn hóa, tín ngưỡng của cư dân trên vùng đất Tây Nguyên. Đình là nơi thờ Thành hoàng bản thổ, thờ những người có công với đất nước, có công lập làng, lập Đình.
Thuở sơ khai, Đình được làm bằng tre, tranh, nứa, lá. Năm 1933, Ông Phan Hộ đã vận động dân làng góp tiền, góp của, góp sức để xây dựng lại Đình bằng những nguyên liệu kiên cố hơn như: cửa làm bằng gỗ, tường xây gạch, mái lợp ngói vẩy và có chạm trổ long ly quy phượng. Ông Đào Duy Từ được Triều đình Nhà Nguyễn sắc phong Thần hoàng bản thổ và được thờ tại đình Lạc Giao.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đình Lạc Giao bị hư hỏng nhiều bởi bom đạn. Chính vì vậy, sau ngày giải phóng Đình đã được trùng tu, sửa chữa, nhưng vẫn giữ nguyên lối kiến trúc chữ Môn, trong khuôn viên rộng 700m2.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đình Lạc Giao là nơi ra mắt Chính quyền cách mạng, những người con của làng Lạc Giao trở thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn và tham gia Chính quyền cách mạng như: Ông Hồ Bang – Chủ tịch làng Lạc Giao, ông Lê Văn Tín – Phó chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời thị xã. Ngày 18/3/1975, tại đình Lạc Giao đã diễn ra sự kiện ra mắt Uỷ ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột.
Có thể nói, đình Lạc Giao không chỉ là nơi đánh dấu sự có mặt của người Kinh trên vùng đất Tây Nguyên, nơi cố kết cộng đồng Kinh – Thượng, mà còn là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân làng Lạc Giao. Với những ý nghĩa lịch sử đó, ngày 02/3/1990 đình Lạc Giao được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.
Lễ Tưởng niệm các chiến sỹ Nam Tiến hy sinh và đồng bào làng Lạc Giao tử nạn năm 1945
Dâng hương tại Lễ Giỗ tổ Hùng Vương
Lễ Tế Thu tại đình Lạc Giao
Ngày nay, Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao trên vùng đất Tây Nguyên trở thành điểm tham quan, học tập của du khách khi đến với thành phố Buôn Ma Thuột thơ mộng; là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn" cho thế hệ hôm nay và mai sau, qua đó tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đại đoàn kết các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên. Hàng năm, tại Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao định kỳ tổ chức Lễ Tế Xuân vào ngày 16-17 tháng Giêng âm lịch, Lễ tế Thu vào ngày 16-17/8 âm lịch; Ngoài ra, Đình còn là nơi tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10/3 âm lịch và Lễ Tưởng niệm các chiến sỹ Nam Tiến hy sinh và đồng bào làng Lạc Giao tử nạn năm 1945 vào ngày 27/10 âm lịch.
Thu Hương