DI TÍCH LỊCH SỬ QUẦN THỂ HANG ĐÁ KHUÊ NGỌC ĐIỀN, ĐỊA CHỈ ĐỎ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG
Quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền là hệ thống các hang động nằm trên sườn núi của dãy Čư Yang Sin thuộc địa bàn xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 74 km. Đây là nơi ẩn nấp, hoạt động cách mạng của dân, quân du kích xã Khuê Ngọc Điền và một số cơ quan ban ngành của tỉnh trong suốt thời gian từ năm 1966 - 1975.
Quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền thuộc loại hình Di tích lịch sử, căn cứ địa cách mạng, gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng anh dũng, kiên cường cùng những chiến công hiển hách của quân và dân xã Khuê Ngọc Điền nói riêng, huyện Krông Bông nói chung trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Tháng 6 năm 1965, trong lúc chúng ta đang củng cố chính quyền, củng cố vùng giải phóng, địch liên tiếp mở những trận càn vào sâu trong H9 hòng đánh phá cơ sở hậu cần, tiêu diệt lực lượng và dồn xúc dân. Lực lượng bộ đội địa phương H9 cùng với du kích Khuê Ngọc Điền làm nòng cốt đã triển khai phương án chống càn và đánh những trận thắng lợi vang dội. Với phương châm “bám thắt lưng địch mà đánh”, trong trận chống càn tại Khuê Ngọc Điền ngày 26/6/1965, với 40 tay súng nhưng đã đánh bật một tiểu đoàn địch và bắn cháy một xe bọc thép. Tiếp đó địch dùng bảo an và biệt động quân bí mật càn tiếp vào Khuê Ngọc Điền nhưng cũng bị du kích xã và bộ đội V100 đánh thiệt hại gần một đại đội.
Từ khi có Nghị quyết thành lập vùng căn cứ kháng chiến, các cơ quan Tỉnh ủy chuyển dần về Krông Bông, đây cũng là thời điểm địch tập trung bắn phá khốc liệt vào vùng giải phóng. Sau thất bại của những cuộc hành quân càn quét vào Khuê Ngọc Điền, địch chuyển sang thủ đoạn đánh diệt các dinh điền, tìm mọi cách bao vây, phong tỏa, ngăn chặn mọi nguồn tiếp tế muối, vải, thuốc chữa bệnh vào vùng giải phóng; vừa dùng chiến tranh tâm lý kêu gọi chiêu hồi, chiêu hàng làm lung lạc ý chí của nhân dân, hòng làm tê liệt mọi hoạt động sản xuất, chiến đấu của quân và dân Krông Bông.
Từ cuối năm 1966, địch tăng cường càn quét đánh phá các cơ sở cách mạng, kêu gọi nhân dân chiêu hồi và cho máy bay ném bom vào bất cứ mục tiêu lớn nhỏ nào trong vùng giải phóng, chúng dồn xúc dân lên xe chở đi hết ¾ dân số của xã Khuê Ngọc Điền và thực hiện chính sách đốt sạch, giết sạch. Mặc dù lâm vào tình thế khó khăn khốc liệt như vậy nhưng tuyệt đại đa số dân vùng giải phóng vẫn kiên cường bám trụ, không lùi bước trước sự đánh phá dã man của kẻ thù.
Để bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất, Chi bộ Đảng xã Khuê Ngọc Điền đã ra chủ trương triệt để sơ tán dân vào vùng hang đá Đen dọc chân núi Čư Yang Sin hoặc đầu nguồn suối để lập làng chiến đấu. Với tinh thần và ý chí cách mạng rất cao, đồng bào dinh điền khẩn trương vừa sơ tán, vừa bám dinh điền để sản xuất. Ban ngày địch bắn phá, rải bom liên tục suốt dọc triền núi, nhân dân chuyển sang sản xuất ban đêm. Có thời điểm địch càn quét gắt quá dân không di chuyển được phải ở im một chỗ, nhiều trường hợp nhân dân bị vướng mìn, hi sinh tổn thất nhưng vẫn không bỏ ruộng rẫy.
Ngoài việc động viên nhân tài vật lực, ta còn phát động toàn dân xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân; người già, trẻ em ở làng tản cư còn tuyệt đại đa số thanh niên trụ lại các dinh điền xây dựng tuyến bố phòng, đào hào, công sự, hầm cá nhân, đặt hàng trăm bẫy chông, xây dựng phòng tuyến để bảo vệ vùng giải phóng. Lực lượng du kích trong các dinh điền Lễ Giáo, Quảng Cư, Khuê Ngọc Điền…. có sáng kiến đào đắp ụ chống máy bay, xây dựng hệ thống báo động nối liền nhiều khu vực.
Du kích Khuê Ngọc Điền còn có sáng kiến phát động phong trào thi đua chống máy bay địch và lập ra các tổ bắn máy bay bằng súng trường. Tiêu biểu là nhóm du kích: Nguyễn Văn Để (chỉ huy), Đỗ Văn An và Trương Quang Thiện đã tổ chức trận địa: dùng hình nộm (mặc quần áo, đội nón như thật) giả làm người đứng, đem bố trí dưới một tán cây và gần đó cắm một lá cờ cách phía Đông Nam trận địa khoảng 70m để nghi binh lừa địch, đợi khi máy bay địch đến gần bất ngờ đồng loạt nổ súng tiêu diệt. Phong trào bắn máy bay tầm thấp phát triển rộng khắp trong toàn vùng căn cứ cách mạng, hạn chế được nhiều tổn thất do máy bay địch gây ra cho quân và dân trong vùng.
Để cứu vãn tình thế ngày càng suy sụp trên chiến trường, địch mở rộng và leo thang chiến tranh nhằm tránh những thất bại bằng cách mở những trận càn quét quy mô, liên tục bắn phá vào vùng giải phóng. Khu vực Khuê Ngọc Điền là trọng điểm bắn phá và càn quét của địch, chúng ném bom rải thảm ngày càng dữ dội. Đặc biệt, lần đầu tiên Mỹ - Ngụy dùng B52 đánh bom hủy diệt từ địa bàn Khuê Ngọc Điền vào buôn Năng Dơng và 12 lần rải chất độc vào vùng giải phóng nhằm hủy hoại đời sống của nhân dân, triệt phá về kinh tế, phong tỏa mọi nguồn cung cấp làm cho nhân dân nao núng bỏ vùng giải phóng để chạy vào vùng địch.
Trước tình hình đó, tháng 4 năm 1969, Tỉnh ủy đã tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV đề ra những nhiệm vụ cấp bách trong năm 1969 – 1970 là: “Phát triển lực lượng vũ trang, chống “bình định” lấn chiếm, củng cố toàn diện về mọi mặt, đẩy mạnh phong trào đấu tranh du kích, đưa chiến tranh du kích vào vùng địch kiểm soát và vùng ven thị xã, quận lỵ”. Để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách do Đại hội đề ra, quân và dân xã Khuê Ngọc Điền tập trung xây dựng lực lượng vũ trang, nâng cao chất lượng của phong trào chiến tranh du kích và đã đập tan nhiều trận càn quy mô của địch. Tiêu biểu là trận chống càn tại Đồi Ông Ngộ (nơi đóng chốt của Ban An ninh).
Ngày 14/4/1971, địch huy động một đại đội thám kích cùng hai máy bay hỗ trợ, luồn sâu tập kích vào khu trại An Ninh của ta để giải cứu cho số tù binh đang bị giam giữ tại đây. Biết được âm mưu đó của địch, ta đã chủ động sắp xếp các bãi chông mìn, kết hợp với các loại vũ kí tự tạo và bố trí lực lượng du kích ở đoạn đường phía sau bãi mìn để sẵn sàng tiêu diệt quân địch khi chúng tiến vào. Lực lượng tham gia trận đánh có 16 đồng chí, trang bị 2 súng B40, 14 súng trường tiểu liên cùng với lựu đạn và 32 mìn tự tạo các loại đã diệt gọn hai đội thám kích (62 tên) của địch, đánh bại âm mưu tập kích vào trại An Ninh của ta.
Tổng kết trong toàn đợt, quân và dân xã Khuê Ngọc Điền đã tiêu diệt được 300 tên Mỹ - Ngụy; bắn rơi 6 máy bay, làm bị thương 4 chiếc; thu và phá hủy 9 xe quân sự; đánh sập 2 cầu và bẻ gãy nhiều cuộc tấn công, tập kích của địch. Trong nhiều năm liên tục quân và dân Khuê Ngọc Điền vẫn vững chính quyền cách mạng và thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng thực lực kiện toàn vùng căn cứ trong toàn thể nhân dân H9.
Với thành tích như trên, ngày 20 tháng 02 năm 1973, Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân giải phóng xã Khuê Ngọc Điền, đã lập được thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền – vỏ bọc của tự nhiên che mắt quân thù
Hầu hết các hang đều được tạo thành bởi những khối đá lớn cao khoảng 5m lồi lõm không đều nhau, nằm ở một vị trí khá hiểm trở, đường đi lối lại rất khó khăn, các tảng đá chỗ thì khít lại áp sát vào triền núi, chỗ thì dựa vào một cạnh hay một góc của tảng đá liền kề tạo những khe hở thông nhau, có chỗ chỉ một người đi lọt, chỗ thì rộng khoảng 2-5m; những tảng đá trong hang nhỏ nhất cũng phải 3-4 tấn. Mặt sau của hang dựa vào một triền núi, phía bên phải trải ra thành những ngóc ngách, chỗ thì thông nhau, chỗ thì khít lại. Tất cả các hang đều nằm sâu trong lòng núi, được bao phủ bởi rừng rậm, âm u trùng điệp, tạo ra lớp vỏ bọc ngụy trang kín đáo và bí mật. Dù đứng ở vị trí nào với khoảng cách từ 30m trở lên, cũng không thể nhìn thấy được hang đá bởi vì xung quanh hang được bao bọc bởi một rừng cây, dây leo chằng chịt.
Phần mái của hang được tạo bởi các khối đá lớn, có nơi là bề mặt phẳng, cũng có nơi là các phiến đá xếp chồng lên nhau, diện tích của các hang không lớn lắm, hang lớn nhất là hang đá ông Bổ (hay hang đá Thôn 2) có diện tích khoảng 60m2, với sức chứa từ 30-40 người, trong chiến tranh chủ yếu dân Thôn 2 sống tập trung tại đây. Một số hang nhỏ hơn chỉ đủ cho 7-8 người ở. Trên mái còn vô số những tảng đá lớn nhỏ nằm chồng lên nhau cùng với lớp đất có độ dày mỏng không đều nhau. Bên trên có đủ các loại cây mọc xen kẽ, nhiều nhất là cây bụi và thân leo. Chính đặc điểm này đã ngụy trang cho hang đá thêm phần kín đáo, bí mật và khó bị phát hiện. Nhìn chung, phần đáy của tất cả các hang lồi lõm không đều, đi lại trên nền hang khá nguy hiểm, có những tảng đá đứng gần thì bước qua được, còn những tảng đá cách xa thì phải làm cầu để qua lại. Nhiều nơi người dân làm cầu bằng cây lồ ô đập dập ra, đan lại để dễ dàng di chuyển giữa các hang với nhau.
Tất cả các hoạt động sinh hoạt của người dân trong hang đá đều diễn ra hết sức bí mật với phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, người đi sau phải xóa dấu vết để địch không thể phát hiện”. Để mọi hoạt động được diễn ra thuận lợi, tại mỗi hang đá đều có bầu thôn trưởng, thôn phó và các tổ chức khác như: thanh niên, phụ nữ, nông dân, thiếu nhi,…
Năm 1969, tại hang đá Bà Mười đã diễn ra sự kiện tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ. Đây là hang đá nhỏ, có sức chứa khoảng 10 người nhưng địa hình xung quanh hang lại khá bằng phẳng. Khi nghe tin Bác mất toàn thể dân trong hang đá gồm 4 thôn đã tập trung lại cùng nhau dọn cỏ ở nơi cao ráo phía sau mặt hang để dựng nhà thờ Bác với các nguyên liệu là tranh, tre, nứa có diện tích khoảng 12m2. Nghi thức truy điệu gồm có căng băng rôn, cờ rủ và khẩu hiệu. Chủ tịch xã Khuê Ngọc Điền lúc đó là đồng chí Phạm Ấn đã đọc di chúc, tiểu sử của Bác và sau đó là lễ mặc niệm.
Quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền đã trở thành điểm che giấu, bảo vệ, chống lại sự càn quét, xúc dân của Mỹ Ngụy đối với nhân dân trong vùng và là nơi hoạt động bí mật vững chắc của cách mạng cho tới ngày toàn thắng
Di tích lịch sử Quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền là nơi ghi dấu sự kiện, tinh thần chiến đấu hi sinh anh dũng của quân dân xã Khuê Ngọc Điền trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã vượt qua mọi khó khăn, trước mưa bom, bão đạn của quân thù, đã chiến đấu và chiến thắng sức mạnh bom đạn Mỹ trong cuộc chiến giữ vững hành lang giao thông được thông suốt. Đó là sự kết tinh những giá trị tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Di tích Quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền còn là nguồn sử liệu quý giá để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu và rút ra những bài học kinh nghiệm trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là trong tổ chức lực lượng 3 thứ quân, phối hợp tác chiến ở nhiều địa hình và sử dụng linh động các loại vũ khí tự tạo trên chiến trường đảm bảo giữ vững vùng nông thôn trở thành hậu phương vững chắc của cách mạng.
Ngoài ra, Di tích còn có giá trị to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ trẻ tương lai của đất nước.
Với những giá trị lịch sử đó, ngày 27/01/2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 245/QĐ-UBND xếp hạng Quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
GD&TT