DI TÍCH DANH THẮNG THÁC DRAI K’NAŎ
Thác Drai K’naǒ nằm trên dòng suối Ea Krăng và đổ ra sông Krông H’Ding. Đầu nguồn của thác là đỉnh núi Cư Pă và dãy Cư Yang Sin hùng vĩ, Drai K’naǒ giống như một nàng tiên ẩn mình, trải dài gần 2km mang vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn, gắn liền với nhiều huyền thoại.
Cách trung tâm huyện M’Drắk chưa tới 5km, Drai K’naǒ thuộc địa phận xã Krông Jing, trong tiếng Êđê: Drai có nghĩa là thác, K’naǒ là tên của một thiếu nữ người Êđê đã bị thần nước bắt đi, Drai K’naǒ có nghĩa là thác nước mang tên nàng K’naǒ.
Huyền thoại kể rằng: Đã nhiều mùa rẫy đi qua, không biết bao nhiêu lần trăng tròn, trăng khuyết, người Êđê Blô không còn ai nhớ nữa. Họ chỉ còn nhớ một câu chuyện được truyền từ đời này sang đời khác. Đó là câu truyện về nàng K’naǒ mà họ thường được nghe bên bếp lửa bập bùng trong những ngôi nhà dài hay hòa theo cái nồng say của men rượu cần trong những ngày lễ hội của buôn làng.
Từ rất xa xưa, trên Cao nguyên M’Drắk có buôn M’luôč của người Êđê Blô. Cuộc sống trong buôn yên bình, nhà nhà no ấm, chiều chiều trong những ngôi nhà dài bếp lửa bập bùng cháy đỏ. Trong buôn có người con gái rất xinh đẹp tên là K’naǒ. Da nàng trắng như bông, khuôn mặt đẹp như nữ thần mặt trăng, tóc dài như dòng suối, mắt sáng như sao mai, tiếng nói nhẹ nhàng, êm ái như chim hót trong rừng. Thân thể nàng như đúc khuôn vàng. Nhìn từ đằng trước không nhắm mắt được, nhìn từ đằng sau không ai thấy chán. Gặp từ năm này đến năm sau trong lòng vẫn chưa quên, trong đầu vẫn chưa hết nhớ. K’naǒ đã xinh đẹp lại nết na, chăm chỉ, hàng ngày ngồi bên khung cửi dệt khăn, dệt váy, dệt khố cho mọi người nên ai cũng mến yêu. Tiếng nàng nết na, xinh đẹp không chỉ có người trong buôn biết đến mà còn truyền tới nhiều buôn làng gần xa. Nhiều chàng trai trong buôn ngoài làng muốn đến trao vòng, gửi nhẫn, muốn được cùng nàng ở chung một nhà, ăn chung một nồi, cùng một đường ra nương lên rẫy. Nhưng trong lòng nàng K’naǒ vẫn chưa hề nghĩ đến ai.
Cạnh buôn của K’naǒ ở có một dòng thác, nước chảy nhẹ nhàng, cảnh đẹp thơ mộng, là nơi trai gái trong buôn thường rủ nhau ra mò cua, bắt cá, tắm gội và ngồi chơi dưới những tán cây rợp mát.
Một hôm, cũng như bao ngày khác, K’naǒ cùng nhiều người ra thác nước tắm. Tắm xong, trong khi mọi người đã về hết, K’naǒ vẫn muốn ngồi lại trên những khối đá bàn dưới gốc cây cổ thụ thả tóc ra phơi gió. Bỗng từ dưới thác có một chàng trai khôi ngô, tuấn tú hiện ra. K’naǒ thảng thốt, ngạc nhiên vô cùng. Chàng trai tiến tới gần nàng và nói mình là con trai của thần nước. Vì cảm mến sắc đẹp và tính nết của nàng nên đã thầm để ý nàng từ lâu, hôm nay nhân lúc vắng vẻ chàng tới hỏi xin lấy nàng làm vợ. K’naǒ sau phút ngạc nhiên đã dần bình tĩnh trở lại. Trước những lời lẽ của con trai thuỷ thần nàng đã từ chối, nàng nói:
- Tôi là người trần, còn anh là con trai thần nước làm sao mà lấy nhau được.
Nói xong nàng bỏ chạy về nhà.
Đêm hôm đó, trong giấc ngủ K’naǒ mơ thấy mình đang tắm tại thác, con trai thần nước lại hiện lên tha thiết xin nàng làm vợ mình. Nhưng nàng vẫn không đồng ý. Đêm hôm sau, rồi hôm sau nữa, ba đêm liên tiếp nàng vẫn chỉ mơ thấy một giấc mơ như thế.
Sang ngày thứ tư, nàng K’naǒ ra dòng thác tắm. Con trai thần nước lại hiện lên xin lấy nàng làm vợ. Chàng hứa sẽ cho nàng và gia đình thật nhiều cồng chiêng, ché, nồi đồng, khố áo, bò đầy đàn, trâu đầy đồng, cồng chiêng đầy nhà. Thế nhưng K’naǒ vẫn không đồng ý, nàng vẫn trả lời lại rằng:
- Tôi là người trần, còn anh là con trai thần nước làm sao mà lấy nhau được.
Hôm sau, trên đường ra thác K’naǒ thấy ở gần thác có rất nhiều cua, cá, ếch, ốc, ba ba,… K’naǒ vui mừng nhặt thật đầy gùi mang về nhà. Đêm ấy, nàng vẫn nằm mơ thấy con trai thần nước tới xin lấy nàng làm vợ, chàng hứa cho nàng và gia đình thật nhiều cồng, chiêng, ché, nồi đồng, khố áo, trâu, bò nhưng K’naǒ vẫn một mực từ chối. Sáng tỉnh dậy, K’naǒ bàng hoàng khi thấy cua, cá, ếch biến thành trâu bò. Ốc, ba ba biến thành chiêng ché, nồi đồng, khố áo. Trâu bò đứng chật dưới sàn nhà, ra tận ngoài đường, ngoài bãi, ngoài cánh đồng. Chiêng, ché, nồi đồng, khố áo xếp chật nhà dài. Thấy chuyện lạ, người trong buôn kéo tới nhà K’naǒ xem rất đông, nhưng không ai hiểu đã có chuyện gì xảy ra.
Như mọi ngày, K’naǒ vẫn ra thác nước tắm. Lần này, con trai thần nước hiện lên làm phép bắt nàng xuống thuỷ cung. Chàng dẫn nàng tới gặp cha mẹ mình để giới thiệu cho cha mẹ người con gái chàng đã thầm thương, trộm nhớ từ lâu. K’naǒ lễ phép cúi chào, cha mẹ chàng rất ưng ý vì nàng vừa ngoan hiền, vừa xinh đẹp. Thế nhưng K’naǒ lại nói là không thể nào lấy con trai thần nước được vì hai người ở hai thế giới khác nhau. Con trai thần nước buồn lắm, giữ nàng ở lại thuỷ cung, nói nàng phải ở lại để dệt khố, áo, váy, chăn mền cho chàng và cha mẹ chàng. K’naǒ im lặng đồng ý ở lại làm việc nhưng kiên quyết không chịu chấp nhận làm vợ chàng vì chàng không phải là người trần.
Sau bảy ngày bảy đêm giữ nàng dưới thuỷ cung, thấy không thuyết phục được nàng, con trai thần nước đành trả nàng về trần gian. Trong thời gian K’naǒ ở dưới thuỷ cung, cha mẹ nàng ở nhà tưởng nàng mất tích, nhờ tất cả người già, người trẻ, con trai, con gái trong buôn đi tìm khắp nơi, khắp các con sông, dòng suối, khắp các ngọn thác, đoạn ghềnh nhưng không một ai tìm thấy dấu vết của nàng K’naǒ. Cha mẹ K’naǒ còn chuẩn bị cả lễ cúng, nhờ thầy cúng về cúng Yang, mong Yang thương giúp tìm thấy nàng. Đến ngày thứ bảy có người phát hiện thấy K’naǒ nổi trên đoạn thác gần buôn, lại gần thấy nàng vẫn thở. Người đó mang nàng về nhà, thấy nàng cha mẹ nàng vô cùng mừng rỡ, mổ heo, mổ trâu để ăn mừng nàng trở về. Trong đêm ăn mừng đó nàng K’naǒ ngồi kể cho cha mẹ và mọi người trong buôn nghe vì sao mình mất tích bảy ngày bảy đêm, đó là vì có một chàng trai con thần nước muốn lấy nàng làm vợ, còn hứa cho nàng thật nhiều trâu bò, cồng chiêng, nhưng nàng không chịu đã bắt nàng xuống thuỷ cung dệt khố, áo, chăn, mền cho bố mẹ chàng. Mọi người im lặng lắng nghe câu chuyện kỳ lạ đó rồi truyền tai nhau rằng nàng K’naǒ đã gặp được thần nước.
Đến sáng ngày hôm sau, K’naǒ thấy trong người khó chịu, nàng muốn ra tắm tại dòng thác cạnh buôn. Mọi người khuyên nàng không nên ra đó nữa nhưng dường như có một nguồn sức mạnh nào đó xui khiến, K’naǒ vẫn kiên quyết muốn ra thác tắm. Trước sự kiên quyết và tha thiết của nàng, người nhà và mọi người trong buôn đành chấp nhận, nhưng người nhà yêu cầu có người theo đi để bảo vệ nàng. K’naǒ đồng ý để người nhà theo đi canh chừng nàng. Đến thác, người nhà ngồi chờ nàng bên bờ còn nàng xuống thác tắm. Đang tắm K’naǒ bỗng ngất đi rồi bị cuốn chìm xuống thác. Người nhà nhìn thấy nàng bị cuốn đi, đuổi theo để cứu nàng nhưng không kịp. Người trong buôn vẫn thay nhau tìm kiếm, đứng trông chờ nàng bên dòng thác đó nhưng ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác vẫn không thấy nàng trở về. K’naǒ đã vĩnh viễn rời xa cha mẹ, rời xa buôn làng.
Từ đó, người dân trong buôn lấy tên nàng đặt tên cho dòng thác nơi nàng ra đi, thác K’naǒ (Drai K’naǒ). Dòng thác đó vẫn đời này qua đời khác bí ẩn dưới những tán rừng âm u, vẫn rì rào nước đổ như để kể mãi huyền thoại về mối tình si giữa chàng trai con thần nước với người con gái xinh đẹp, nết na, dịu hiền của buôn làng.
Cũng liên quan tới Drai K’naǒ còn có một huyền thoại khác kể rằng: Người Êđê ở buôn M’luôč không nhớ rõ đã bao mùa rẫy trôi qua, bao nhiêu lần trăng tròn, trăng khuyết. Họ chỉ nhớ một câu truyện được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đó là câu truyện về bà K’naǒ.
Bà K’naǒ hiền lành tốt bụng, sống một mình trong một căn nhà nhỏ ở cuối buôn. Ở trong buôn, mỗi khi nhà ai có việc gì, bất kể việc lớn việc nhỏ, việc nặng việc nhẹ bà đều tận tình giúp đỡ không ngại trời mưa hay trời nắng, ban ngày hay ban đêm. Những lúc rảnh rỗi, bà K’naǒ hay ra dòng thác gần buôn lấy củi. Lạ thay, mỗi khi bà đi qua dòng nước chảy là có những con cá to từ dưới nước thi nhau nhảy vào trong gùi của bà. Đầy gùi, bà đem cá về chia cho dân làng. Truyện lạ của bà K’naǒ dần dần lan truyền khắp buôn làng, mọi người cho rằng bà là người của Yang, được Yang thương nên mới cho cá.
Trong buôn M’luôč có ba anh em nhà kia mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Hai anh trai và cô em gái út. Cuộc sống khó khăn nhiều không kể xiết, cơm ăn không no, khố áo không đủ mặc, nhưng ba anh em luôn thương yêu, đùm bọc, che chở nhau. Từ hôm có chuyện lạ xảy ra với bà K’naǒ, mỗi lần ra thác lấy củi bà đều kêu ba anh em đi cùng. Khi bà K’naǒ và ba anh em lội qua dòng nước, cá dưới nước từng đàn, từng đàn lại nhảy vào đầy trong gùi đeo sau lưng. Họ đem về chia đều cho dân làng, già trẻ, gái trai trong buôn ai nấy đều vui mừng, cảm ơn bà K’naǒ và ba anh em.
Một năm nọ, hạn hán kéo dài, lúa, bắp không có nước để tưới đã chết khô, trâu bò không có nước để uống đã không còn sức sống, sông suối cạn nước đá nhô lên hung dữ, lởm chởm, cỏ cây xơ xác, úa tàn. Cuộc sống của buôn làng đang yên bình, ấm no nay lại trở thành cực khổ, ngột ngạt. Biết bà K’naǒ được Yang thương nên dân làng đã nhờ bà làm lễ cúng Yang. Bà K’naǒ nhận lời giúp buôn làng. Mọi người trong buôn chung tay nhau chuẩn bị cho lễ cúng, gồm có một con heo quay, ba ché rượu cần, một con gà và một nồi xôi nếp. Bà K’naǒ nói dân làng mang lễ ra đặt trên tảng đá lớn ngay cạnh dòng thác. Sau khi chuẩn bị xong, bà K’naǒ tiến hành lễ cúng. Trong khi bà cúng, dân làng tập trung lại xung quanh và đánh cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng vang vọng trong khu rừng như tiếng lòng thống thiết của bà con thành tâm hướng tới thần linh.
Cúng xong, mọi người về lại buôn, heo, gà, xôi, rượu vẫn để tại thác. Ai vào gặp đều có thể tự nhiên lấy ăn được. Cồng chiêng sau lễ cúng cũng được dân làng cất dấu trong một cái hang nhỏ gần thác nước. Hôm sau trời đang nắng gắt bỗng đâu mây đen kéo đến ngập trời, sấm rền bên đông, chớp chạy bên tây. Rồi mưa như trút nước, thoả tấm lòng mong đợi của bà con, tất cả như được tái sinh. Cuộc sống và sinh hoạt của dân làng dần dần ổn định trở lại.
Năm sau trời lại mưa gió bất thường, mưa dầm từ ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác. Nước ngập sông suối, nước tràn buôn làng, trâu bò, lợn, gà bị cuốn đi hết, ngôi nhà dài lạnh lẽo, trống trơn, bên bếp lửa tro tàn, nguội lạnh, buôn làng tan hoang, người người phờ phạc. Dân làng lại chuẩn bị lễ vật nhờ bà K’naǒ cúng Yang. Lễ cúng cũng có một con heo quay, ba ché rượu cần, một con gà và một nồi xôi nếp. Bà K’naǒ và mọi người trong buôn đem lễ vật vào thác làm lễ cúng. Bất chấp trời mưa to gió lớn, mọi người vẫn tập trung lại đánh cồng chiêng, thành tâm cúng Yang. Cúng xong mọi người để lại lễ cúng trong thác rồi ra về.
Hôm sau trời hết mưa, con sông, con suối dần trở lại hiền hoà, trong những ngôi nhà dài bếp lửa lại được nhóm lên, tiếng nói tiếng cười của dân làng lại rộn ràng, mọi người bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới.
Từ đó, hằng năm, cứ mỗi khi mùa vụ đã hoàn thành, dân làng buôn M’luôč lại sắm sửa lễ vật rồi nhờ bà K’naǒ ra thác nước cạnh buôn làm lễ cúng. Cuộc sống dân làng no đủ, yên vui, bà K’naǒ sống trong tình yêu thương, kính trọng của buôn làng.
Bà K’naǒ sống rất lâu. Một hôm, bà ra thác nước lấy củi. Khi lội qua dòng nước bà bỗng thấy một khối vàng toả ánh sáng lấp lánh ngay dưới chân mình. Bà cúi xuống nhặt thì dòng thác bỗng dâng nước lên cuốn bà đi mất. Đến buổi chiều tối, không thấy bà K’naǒ về nhà, ba anh em mồ côi ra thác để tìm. Họ tìm hết đêm đó cũng không thấy bà đâu. Hôm sau, buôn làng biết chuyện, mọi người già trẻ, gái trai đều chia nhau đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không ai thấy dấu vết gì của bà. Qua nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả, mọi người nói với nhau rằng bà K’naǒ là người của Yang, sau khi giúp dân làng vượt qua những khó khăn, bà đã về với Yang.
Lại nói về ba anh em mồ côi. Kể từ khi bà K’naǒ không về với buôn làng, họ vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ vì đã có một thời gian dài gắn bó với bà, thường cùng bà ra thác lấy củi, lấy cá, được bà yêu thương, che chở. Vì vậy họ vẫn ngày ngày ra thác ngóng chờ bà. Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, đến một ngày kia dân làng cũng không thấy ba anh em trở về nữa.
Từ đó, dân làng gọi dòng thác cạnh buôn là thác K’naǒ (Drai K’naǒ). Người ta còn thấy cạnh Thác mọc lên ba cây cạnh nhau. Họ cho rằng đó là do ba anh em mồ côi hoá thân thành. Ba anh em đã tình nguyện đi theo Yang, đi theo bà K’naǒ để đem lại sự bình yên cho buôn làng. Cây nhỏ nhất mọc chùm lên một chiếc hang nhỏ, chính là chiếc hang cất cồng chiêng mỗi khi bà K’naǒ làm lễ cúng xong. Dân làng nói đó là cô em gái út, được Yang giao nhiệm vụ bảo vệ cồng chiêng.
Ngày nay, ba cây đó đã trở thành ba cây cổ thụ, tán cây to rộng, rễ cây chằng chịt bám chặt vào đá. Cây nhỏ nhất rễ cũng đã trùm gần kín hang đá. Lại có chuyện kể rằng, cặp cồng chiêng trước đây hay đánh trong những lần cúng của bà Knaŏ đã bị nước lũ cuốn đi. Thế nhưng thỉnh thoảng vào những ngày trời trong xanh, người ta vẫn nghe thấy có tiếng cồng chiêng phát ra từ thác. Nhiều người theo tiếng kêu đã nhiều lần cất công đi tìm kiếm nhưng không tìm ra.
Những câu chuyện đó càng làm cho Drai K’naǒ thêm bí ẩn, huyền thoại.
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh quan thơ mộng, thác Drai K’naǒ là một địa điểm lý tưởng để xây dựng, phát triển thành một điểm du lịch sinh thái, văn hoá, kết hợp với tuyến di tích lịch sử đầy tiềm năng của huyện M'Drắk, từ đó góp phần to lớn trong việc gìn giữ những bản sắc văn hoá, phát huy giá trị di tích, bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của cư dân địa phương, phù hợp với chủ trương đầu tư, phát triển du lịch của tỉnh Đắk Lắk.
GD&TT