DANH LAM THẮNG CẢNH THÁC DRAI NUR

Sự “kết duyên chồng vợ” của Krông Ana (sông Cái) và Krông Nô (sông Đực) đã tạo lên dòng Sêrêpôk hùng vĩ, lắm thác nhiều ghềnh. Khi chỉ còn cách thác Drai Nur khoảng 300 m, dòng chảy của sông Sêrêpôk bị chia thành hai nhánh nhỏ. Một nhánh chảy qua huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) tạo nên thác Dray Sáp thơ mộng, nhánh còn lại chảy vào địa phận buôn Kuôp (xã Dray Sap, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) tạo thành ngọn thác Drai Nur hùng vĩ.

Trong tiếng Ê đê: Drai có nghĩa là thác, Nur (được gọi tắt từ chữ Anur) có nghĩa là con Dúi. Drai Nur có nghĩa là thác con Dúi, gắn liền với những truyền thuyết được lưu truyền trong buôn làng, bên bếp lửa nhà sàn, những đêm lễ hội, đó là câu chuyện về sự tích thác Drai Nur:

Thuở ấy, trong buôn làng có một tù trưởng giàu mạnh, nhà dài đến nỗi con voi đi một ngày mới hết, của cải nhiều vô kể: Chiêng ché, ngà voi, sừng tê giác... để đầy nhà trong, chật nhà ngoài, nô lệ, kẻ ra người vào rộn ràng, tấp nập như bầy mối, bầy kiến.

Tù trưởng có một người con gái nết na xinh đẹp nhất vùng. Mỗi lần nàng ra suối, thì suối dường như ngừng chảy. Khi nàng vào rừng, chim rừng cũng ngừng bay, cứ đậu trên cành ngắm nhìn nàng. Các loại hoa cũng không đẹp bằng nụ cười, đôi môi của nàng. Mỗi lúc nàng cất tiếng hát, chim thú khắp nơi kéo về chật sân đứng lặng im để nghe tiếng hát của nàng. Các tù trưởng buôn Đông, làng Tây, buôn trên, làng dưới lần lượt kéo đến cầu hôn nhưng không một chàng trai nào làm nàng ưng thuận. Nàng chỉ đem lòng thương nhớ một chàng trai nghèo ở trong buôn. Chàng là một người cần cù, siêng năng, luôn luôn tốt bụng với mọi người, tính thật thà ai cũng thương mến. Con gái của tù trưởng và chàng trai nghèo khổ ấy đã trao vòng cho nhau và hẹn ngày sẽ nên duyên chồng vợ.

Khi biết được mối tình của con gái mình, Tù trưởng buôn Kuôp đã ngăn cản, quyết định gả nàng cho con trai của một Tù trưởng giàu mạnh nhất vùng. Nàng đã cầu xin cha hãy chấp thuận cho tình yêu của mình và cho phép nàng được hỏi chàng trai ấy về làm chồng. Nhưng cha nàng đã cương quyết ngăn cản, còn định sẵn ngày cưới cho nàng với con trai tù trưởng giàu mạnh kia. Ông cũng đã bắt giam nàng trong căn buồng tối tăm chật chội nhằm làm nàng sợ hãi mà nghe lời. Thừa lúc không canh phòng cẩn thận, nàng đã lẻn chạy ra dòng sông ở gần buôn – nơi mà nàng và người yêu từng hẹn hò, thề nguyện trọn đời trọn kiếp bên nhau. Ngắm nhìn lần cuối những cảnh vật thân quen, cố khắc ghi hình bóng của chàng trai lần cuối trong tâm trí rồi nàng lao xuống dòng nước đang chảy siết để giữ lòng thuỷ chung với người yêu.

Nghe tin dữ, chàng trai chạy nhanh đến bờ sông, nhảy xuống nước để tìm người yêu, chàng tìm từ sáng đến tối, từ đêm này qua ngày khác mà không thấy. Chàng đào cả đất đá ở lòng sông để tìm xác người yêu, đào mãi, đào mãi. Đào cho đến nỗi mười đầu ngón tay bị mòn hết, toàn thân rướm máu, kiệt sức, rã rời. Chàng đã gục xuống, tắt hơi thở và linh hồn chàng đã hoá thành một con dúi vàng, ngày đêm, năm tháng vẫn miệt mài đào đất đá ở lòng sông để tìm người yêu.

Lòng sông, nơi mà chàng trai đã đào bị lõm xuống sâu tới vài chục mét, tạo thành một cái thác lớn, nước đổ xuống ầm ầm tựa như tiếng than khóc của chàng. Thậm chí chàng còn đào sâu vào cả vách đá của thác một cái hang đá rất rộng, rất sâu mà vẫn không thấy xác người yêu đâu.

Về sau, dân làng gọi tên dòng thác mà chàng trai đã đào thành là thác Drai Nur (thác con Dúi) nhằm kể mãi câu chuyện tình yêu thiết tha, chung thuỷ của con gái tù trưởng và chàng trai nghèo khổ cho con cháu muôn đời ghi nhớ.

Lại có chuyện kể rằng:

Ngày xưa, ở một buôn làng nọ có một người con gái mồ côi cả cha lẫn mẹ, nàng sống một cuộc sống rất cơ cực, nghèo khổ. Hàng ngày, cô gái phải vào rừng đào củ mài, hái măng, nhặt nấm, hoa quả để sống.

Vùng đất này do vua Thuỷ tề đầy quyền lực cai quản, ông có một chàng hoàng tử tên là Anur, chàng thường du ngoạn đến những nơi mà cha mình cai quản. Một lần đang dạo chơi vô tình hoàng tử thấy cô gái mồ côi đào củ mài trong rừng, chàng liền cất tiếng hỏi: Nàng đang làm gì thế?

Cô gái ngước nhìn chàng bằng đôi mắt ngỡ ngàng, bối rối và rồi nàng cúi mặt xuống không dám trả lời vì xấu hổ, tự thấy mình kém cỏi, mặt mũi, chân tay lấm lem bùn đất, áo rách nát tả tơi, váy không ra váy, chỉ còn đủ mảnh vải che đằng trước và sau. Còn chàng trai thì mặc khố sọc đỏ, áo đính nhiều khuy ở ngực trông sặc sỡ và hùng tráng làm sao.

Thấy cô gái im lặng, hoàng tử nói tiếp: Nàng đừng sợ, ta tên là Anur, ta chỉ muốn được làm quen với nàng, xin hãy cho ta theo về nhà, ta muốn có một chỗ nghỉ ngơi vì ta đang rất mệt.

Thế là cô gái đi trước, hoàng tử lặng lẽ theo sau. Lúc về tới nhà nàng, hoàng tử thấy đó chỉ là một túp lều xiêu vẹo chỉ đủ che nắng, chẳng thể che mưa. Có lẽ chỉ cần một trận mưa to, gió lớn thì túp lều này sẽ bị cuốn bay mất.

- Xin nàng hãy nấu cơm cho ta ăn, ta đói lắm rồi - Hoàng tử nói

Cô gái trả lời:

- Nhà tôi chẳng có hạt gạo nào đâu thưa ông.

Hoàng tử nói tiếp:

- Hãy lấy gạo ở trong quả bầu khô treo ở vách nhà ấy.

Cô gái cầm quả bầu khô lên lắc nhẹ và nghe thấy những tiếng va chạm. Nàng mở nắp ra, quả nhiên là có gạo, những hạt gạo lại còn trắng tinh và thơm nữa, thế là nàng nấu cơm cho hoàng tử ăn. Ăn xong, chàng lại nói:

- Ta khát nước, xin hãy cho ta một ché rượu.

- Nhà tôi chẳng có một giọt rượu nào đâu – cô gái nói.

- Hãy đi qua nhà hàng xóm mà xin.

Nghe hoàng tử nói vậy, cô gái lẳng lặng đi qua nhà hàng xóm, mặc dù nàng biết từ trước tới nay họ không bao giờ cho nàng vay mượn bất cứ thứ gì dù là nhỏ nhất vì họ vừa keo kiệt, bủn xin, vừa sợ nàng không trả được chứ đừng nói là xin cả một ché rượu.

Nhưng kì lạ chưa kìa! chủ nhà ra tận cửa đón, họ còn tươi cười mời nàng vào nhà. Chưa kịp nói gì thì người hàng xóm đã đem ra rất nhiều ché rượu quý và nói: Hãy lấy rượu về mà uống, lấy bao nhiêu cũng được. Nàng bèn chỉ xin một ché rượu nhỏ đủ cho hai người uống.

Sau khi ăn uống no say, hai người đã vui vẻ trò chuyện, cô gái thấy tự tin, cởi mở hơn với chàng trai lạ, hoàng tử thấy yêu mến vẻ dịu dàng, hiền hậu của nàng. Khi mặt trời xuống núi, con chim bay về tổ, hoàng tử Anur từ biệt cô gái để trở về Thủy cung.

Về Thủy cung, hoàng tử Anur ngày đêm chỉ biết nhớ thương đến cô gái, không muốn cười nói, vui đùa cùng mọi người nữa. Chàng đã suy nghĩ rất nhiều rồi mới đến gặp vua cha để xin cha cho chàng được trở lại mặt đất lấy nàng làm vợ. Vua Thuỷ tề cương quyết ngăn cản nhưng hoàng tử Anur quyết định từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của trái tim mình.

Thế rồi hoàng tử và cô gái mồ côi, nghèo khổ đã thành chồng vợ. Anur ngày ngày vào rừng săn bắn, cô gái vẫn đi bẻ măng đào củ rừng để ăn, cuộc sống của họ luôn tràn ngập tiếng cười. Nhiều mùa rẫy và con trăng đã qua, tóc hai người bạc trắng, hoàng tử nói với vợ:

- Nàng ạ! ta vốn là con vua Thủy tề nên ta không thể chết trên mặt đất này được, ta phải quay về Thủy cung, ta cũng không muốn xa nàng đâu nhưng đã đến lúc ta phải về nhà rồi.

Vợ chàng chỉ biết khóc mà không nói được lời nào.Trước lúc chia tay, hoàng tử lấy trong túi áo ra những hạt khế và nói với vợ:

- Ta phải đi rồi, trên đường đi ta sẽ rắc những hạt khế này. Nếu sau này nàng muốn tìm ta hãy đi theo những cây khế, nó sẽ dẫn đường cho nàng đến tìm ta.

Hoàng tử đi rồi, vợ chàng cũng lập tức theo sau, đi mãi, đi mãi cuối cùng nàng cũng thấy cây khế cuối cùng mọc ở dưới lòng một dòng thác lớn, nước đang cuồn cuộn chảy. Nàng đã thấy chồng mình đang đi vào vách đá ở giữa dòng thác, vách đá ấy đột nhiên mở ra thành một cái hang lớn. Thấy vậy, vợ chàng kêu lên:

- Chàng hãy cho em theo với! Em muốn được ở bên chàng mãi mãi.

Nói rồi nàng liền nhảy xuống dòng thác và bị dòng nước xoáy cuồn cuộn cướp mất linh hồn.


Quá bàng hoàng, hoàng tử chỉ kịp vớt xác vợ trước khi dòng nước kịp nuốt chửng nàng và đặt thi thể nàng nằm trên một hòn đá to ở trong hang. Hoàng tử khóc thương vợ rất nhiều, khóc cho tới lúc nước mắt cạn khô, sức lực cạn kiệt và chàng đã trút hơi thở cuối cùng. Khi hoàng tử chết, linh hồn chàng hóa thành một con Dúi vàng ở lại trong hang cùng thi thể vợ chứ không quay về Thủy cung nữa.

Về sau, người ta gọi ngọn thác nơi chàng hoàng tử chết hóa thành con Dúi vàng là Drai Nur (thác con Dúi) và tên gọi Drai Nur vẫn được gọi cho tận mãi đến ngày nay.





Thác Drai Nur là một trong những cảnh đẹp tự nhiên của tỉnh Đắk Lắk nằm trên sông Sêrêpôk, con sông có nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá, du lịch và giàu tiềm năng về thuỷ điện.

Với cảnh quan tuyệt đẹp, không khí trong lành, thoáng mát và nhiều hình thức giải trí như: câu cá, cắm trại, nghỉ ngơi, uống rượu cần, thưởng thức đêm nhạc cồng chiêng hay tham gia các trò chơi thể thao và giải trí như bơi thuyền trên sông Sêrêpôk… Drai Nur là nơi tham quan, nghỉ mát rất lý tưởng đối với du khách sau những ngày lao động nặng nhọc hay sống trong môi trường đô thị ồn ào, náo nhiệt và bụi bặm.

Trong những ngày đầu năm mới, du xuân thưởng ngoạn tại Drai Nur, cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên Đắk Lắk chắc chắn sẽ là trải nghiệm khó quên đối với du khách.




GD&TT