CUỘC DUYỆT BINH Ở NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT - MỘT SỰ KIỆN CÓ MỘT KHÔNG HAI

Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, sau sự kiện Pháp đầu hàng phát xít Đức ngày 22/6/1940, lợi dụng tình thế đó Nhật nhảy vào Đông Dương. Từ đây nhân dân ta lại lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”, cách mạng Việt Nam xác định rõ nhiệm vụ cấp bách lúc này là tập trung mọi nguồn lực để đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho dân tộc.


Nhà đày Buôn Ma Thuột lúc này chịu nhiều tác động trực tiếp của tình hình chính trị Đông Dương và thế giới. Số lượng tù nhân từ các tỉnh Trung Kỳ chuyển lên tăng nhanh chóng. Do đó, công tác tổ chức nội bộ, huấn luyện, đào tạo cán bộ của tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày càng được đẩy mạnh nhằm chuẩn bị lực lượng, đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.


Để đáp ứng yêu cầu trên, một số tù nhân cũ và mới liên hệ với nhau lập một tổ chức bí mật gọi là Lực lượng trung kiên tại Nhà đày Buôn Ma Thuột vào cuối năm 1940 (23/11/1940), lực lượng này trên thực tế đã đóng vai trò như một Chi bộ cộng sản với những nhiệm vụ, điều lệ hết sức cụ thể. Lực lượng trung kiên hoạt động dưới sự điều hành của 10 người được xem là hạt nhân chủ chốt với 70 thành viên tham gia.


Trong khi Pháp lợi dụng chiến tranh để siết chặt chế độ nhà tù, tăng cường khủng bố, đàn áp tù nhân thì việc Lực lượng trung kiên bí mật ra đời trong Nhà đày Buôn Ma Thuột vừa có tác dụng tập hợp, thống nhất hành động của tù nhân, vừa góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng của Đắk Lắk. Chính Lực lượng trung kiên đã lãnh đạo tù nhân đấu tranh, học tập có tổ chức và ghi nhận nhiều thắng lợi.


Để đánh giá kết quả học tập, chính trị quân sự và biểu dương lực lượng, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thân 1944, tù nhân đã tổ chức một cuộc “duyệt binh” với các nghi thức cần thiết. Cuộc duyệt binh tuy ngắn ngủi (gói gọn trong khoảng 30 phút) nhưng đã để lại những ấn tượng hết sức sâu sắc trong lòng của các tù chính trị bị giam giữ tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Thiếu tướng Lê Nam Thắng - Nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô, cựu tù chính trị từng bị giam tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã kể lại sự kiện này trong hồi ký của mình vào tháng 12 năm 1990, được biên tập viết lại trong cuốn sách “Những ký ức về Nhà đày Buôn Ma Thuột” như sau:

“… Cuối năm 1943, Nhà đày Buôn Ma Thuột còn trên dưới 500 tù chính trị, tập trung đông nhất là anh em bị bắt từ năm 1935-1942 và đông nhất là người Nghệ Tĩnh, Quảng Ngãi và Trị Thiên, các đồng chí từ năm 1930-1931 thì vừa hy sinh và nhiều đồng chí hết hạn tù còn lại số nặng án. Do sức đoàn kết đấu tranh quyết liệt mà chế độ hà khắc đánh đập, chửi mắng, lao động nặng nhọc đã bị bãi bỏ từ những năm 1936-1937 (Sau sự kiện Mặt trận Bình dân Pháp ra đời) nên đời sống tù chính trị được cải thiện.

Năm 1942 tên quan một Mô-xin là một tên chúa ngục cực kỳ gian ác được trở lại làm giám ngục Nhà đày Buôn Ma Thuột, chúng lại bắt chế độ lao động nặng nhọc và tổ chức thêm nhà ngục Đắk Mil, cách Buôn Ma Thuột khoảng 60km.

 

Năm 1941, tù nhân đấu tranh mạnh mẽ và có hai cuộc vượt ngục của các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Nhân và Dứa, rồi đến cuộc vượt ngục thứ hai của 4 đồng chí Trương Vân Lĩnh, Nguyễn Tạo, Chu Huệ, Trần Hữu Doanh. Tên Mô-xin đã bắn chết 4 đồng chí khác vì nghi 4 đồng chí đã bố trí cho 3 đồng chí (Trần Tống, Nguyễn Tuy và Vũ Nhân) vượt ngục ở ngục Đắk Mil. Sau khi nghe tin tên Mô-Xin giết 4 đồng chí, ngay lập tức một làn sóng đấu tranh diễn ra hết sức mạnh mẽ với khẩu hiệu đòi đổi tên giết người Mô-Xin, cuộc đấu tranh quyết liệt của tù chính trị giành thắng lợi, tên Mô-xin bị cách chức giữa năm 1943, tên quan hai My Nhô (Mignot) có vợ Việt Nam đến thay làm giám ngục. Tên My Nhô (Mignot) muốn an thân trả lại các chế độ nhà tù và lờ đi mọi sự hoạt động của nhà tù. Tranh thủ điều kiện đó, ban lãnh đạo Nhà đày chủ trương đẩy mạnh các mặt học tập chính trị, văn hoá, xây dựng Đảng, công tác quần chúng và một số tích cực học quân sự nhờ có một số văn kiện quân sự thông thường và chiến thuật du kích do đồng chí Trương Vân Lĩnh để lại. Giữa năm 1943 là một thời kỳ sôi động học tập để chuẩn bị cách mạng mới, gắn với thực tế bên ngoài. Hồng quân Liên Xô đang thắng lớn trên các mặt trận phía Tây, trong nước thì phong trào Việt Minh đang phát triển. Để chuẩn bị cho một cái Tết năm 1943-1944 sôi nổi, ban lãnh đạo Nhà đày quyết định đẩy mạnh học tập chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh vào ngày mồng 1 Tết âm lịch. Thực hiện quyết định trên từ tháng 10-1943 đã triển khai tổ chức nghiên cứu đội ngũ khẩu lệnh.

Về tổ chức một đại đội gồm 4 trung đội, 1 trung đội gồm 5 tiểu đội, 1 tiểu đội có 12 người có tiểu đội trưởng và phó, trung đội trưởng và phó, đại đội trưởng chính trị viên trên 200 người, khẩu lệnh đi đều bước, đứng lại đứng, bên phải, trái, quay… Trang phục chiến sĩ tiểu đội trưởng quần áo tù mới gồm mũ ca-lô màu xanh, súng trường bằng gỗ săng lẻ, có thắt lưng bằng gỗ săng lẻ. Cán bộ trung đại đội có giày da bằng vỏ gỗ săng lẻ, mũ kê-bi theo kiểu Pháp, thắt lưng sĩ quan có súng lục cả bao xem khá đẹp mắt. Phân công Khu nhà xưởng, tổ mộc làm 130 khẩu súng gỗ, tổ may quần áo tù có ca-lô, tổ đóng giày bao thắt lưng do đồng chí Phong thợ giày Huế phụ trách khẩn trương bí mật chuẩn bị sản xuất và cất giấu.

Về văn hoá đội văn nghệ ca kịch được thành lập tổ chức tập luyện kịch nói, ngâm thơ, hát tuồng Trưng Trắc, trang phục quần áo được cô vợ My Nhô ủng hộ cho mượn đầy đủ.

Về ăn uống do đồng chí Hoàng Anh làm xếp bếp, Nguyễn Đình Tùng thương lượng đã làm việc với chủ thầu Quản Sâm chuẩn bị đầy đủ vật chất cho Tết có bánh tét, bánh chưng có kẹo mứt hoa quả, nấu nướng thì có đồng chí Thuyên, Thuân nhà bếp nấu các món ăn Tây, Tàu nên có một cái tết thịnh soạn đầy đủ để mời một đại đội lính binh lính, cai ngục cùng tù chính trị dự liên hoan tết. Đặc biệt khách quý là vợ chồng Giám ngục My Nhô (Mignot) nhận lời dự lễ duyệt binh và ăn cơm trưa với nhà phạt…


Chọn tổng chỉ huy cuộc duyệt binh đồng chí Hồ Hào có tầm vóc cao đẹp cân đối, giọng nói oai nghiêm, dáng đi trông khá oai phong. Chọn Uỷ viên chính trị và đại diện chính quyền cách mạng là các đồng chí Trần Hữu Dực, Trần Văn Quang, Ngô Tuân…trong ban đại diện đứng trên lễ đài đều được ban lãnh đạo nhất trí và đại đa số anh em tù tán thành. Quốc kỳ lá cờ đỏ sao vàng lớn vừa phải (do các đồng chí tìm kiếm vải cắt ghép, nhuộm và may ghép thành) cột cờ có dây kéo sẵn sàng. Bàn thờ tổ quốc được thiết lập có ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cắt trong báo chụp ở Liên Xô được anh em vẽ truyền thần phóng to lên trong khung gỗ khá trang nghiêm, kính cẩn. Diễn văn chào mừng trong lễ duyệt binh, trước bàn thờ tổ quốc được thiết lập trước cửa vào Lao 3-4 nằm chính diện với cổng ra vào nhà đày, bên phía tay phải là Lao 1-2, bên tay trái là Lao 5-6, trước cổng chính là Khu Bàn giấy và Xưởng mộc, rèn chuẩn bị để làm sân khấu văn nghệ, phía sau Lao 5-6 là nhà ăn, nhà bếp đã được sửa soạn tốt.

Cuối tháng 12, ban lãnh đạo duyệt lại toàn bộ kế hoạch duyệt binh, kế hoạch ngoại giao với vợ chồng My Nhô đều tốt nhưng vẫn phải giữ bí mật đề phòng bọn xấu xúi dục My Nhô, hoặc Công sứ hay quản đạo tỉnh Đắk Lắk ra ngăn cản thì công việc có thể không thành công.


Đúng 8 giờ sáng Mồng Một Tết bàn thờ tổ quốc được thiết lập, đoàn đại biểu đại diện Uỷ ban nhân dân cách mạng đã chỉnh tề vào vị trí. Đoàn khách quan trọng lính khố xanh, cai đội quản đã ở vị trí được mời, vợ chồng Trung uý My Nhô trang phục chỉnh tề đến dự. Đoàn quân từ cửa các Lao trang phục chỉnh tề vác súng trên vai đi đều bước, oai phong nghiêm, tổng chỉ huy điều khiển đoàn quân đi đều trong tiếng hát oai hùng cất vang bài hát “Cùng nhau đi hồng binh”. Đoàn diễu binh đi qua Khu nhà Xưởng, qua văn phòng (Khu bàn giấy), rẽ trái qua Lao 5-6 rồi trở về điểm xuất phát Lao 3-4. Khi đoàn quân vào vị trí dừng lại, xuống súng đứng nghiêm, tổng chỉ huy báo cáo đội quân đã sẵn sàng chờ lệnh, đồng thời ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trên bàn thờ tổ quốc, cờ đỏ sao vàng năm cánh được từ từ kéo lên, bay phất phới trong tiếng hát đồng ca cùng nhau đi hồng binh… Đoàn quân nâng súng chào cờ Tổ quốc trong không khí oai nghiêm sau một phút mặc niệm các Đảng viên cộng sản đã hy sinh. Đồng chí Trần Hữu Dực, Uỷ viên chính trị lên đọc diễn văn chào mừng ngày đầu xuân, Tết nguyên đán ban lãnh đạo tù Nhà đày đã cố gắng tổ chức lễ duyệt binh khích lệ, tạo động lực niềm tin cho anh em với hy vọng Tổ quốc ta nhất định sẽ được độc lập tự do. Anh em tù chính trị nhất định một ngày không xa sẽ ra khỏi Nhà đày trở về với quê hương cùng nhân dân đánh đuổi kẻ thù, lật đổ ách đô hộ của thực dân, giành độc lập thực sự cho dân tộc… Sau 15 phút, đội quân quay bên trái, vòng ra giữa sân xếp thành hai khẩu hiệu:


Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!

Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!



Sau đó đội hình hành quân về nơi xuất phát trước những tràng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt của mọi người, đặc biệt trong cuộc duyệt binh và suốt buổi lễ, hai vợ chồng Trung uý My Nhô đứng nghiêm giơ tay chào đoàn quân chào cờ, tất cả anh em từ binh lính khố xanh Êđê đến các đội quân đều đứng nghiêm giơ tay chào. My Nhô nói với các tù chính trị “giỏi lắm xứng đáng là những nhà chính trị cộng sản”, anh em binh lính đều nói nhà phạt tốt lắm, vợ My Nhô tự hào mình là người Việt Nam được sống giờ phút chứa chan tình cảm. Sau đó vợ chồng My Nhô ở lại ăn trưa với anh em tù và xem văn nghệ với tâm tình rất cởi mở.”

Cuộc “duyệt binh” tổ chức thành công tốt đẹp, chẳng những là kết quả của những năm tháng miệt mài đấu tranh, học tập quân sự của các chiến sĩ cộng sản trong Nhà đày mà còn là một cuộc biểu dương lực lượng của những chiến sĩ cách mạng mất tự do trước kẻ thù, ghi đậm ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp trong lòng anh em tù nhân. Mặt khác gây ấn tượng lớn đến binh lính trong hàng ngũ Pháp về một Đảng cộng sản có đường lối, lý tưởng nhất định sẽ đưa dân tộc Việt Nam đến thắng lợi độc lập, đưa đất nước thoát khỏi ách đô hộ thống trị.

Cuộc duyệt binh năm ấy là một sự kiện có một không hai trên thế giới đã diễn ra trong hệ thống nhà tù thực dân đế quốc, nó đã giáng một đòn chí mạng về sự thất bại ê chề của kẻ thù xâm lược lớn, tạo một làn sóng lan tỏa cho các cuộc đấu tranh cách mạng và tự do dân tộc. Khẳng định rõ sức mạnh to lớn, vững mạnh của cách mạng dân tộc Việt Nam mà không có kẻ thù, gông cùm, xiềng xích nào có thể đánh tan được và sự thật là một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng đã chiến thắng được kẻ thù lớn mạnh để bảo vệ toàn vẹn non sông đất Việt trước sự thán phục ngưỡng mộ của các dân tộc trên toàn thế giới.

Những hoạt động của các chiến sĩ cộng sản ở Nhà đày Buôn Ma Thuột có tác động tích cực, tạo tiền đề, ảnh hưởng to lớn đến các phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Nhà đày Buôn Ma Thuột với những cuộc đấu tranh không mệt mỏi, các chiến sĩ cộng sản được tôi luyện, học tập tạo nên ý chí, bản lĩnh và tư tưởng chính trị vững vàng. Chính vì thế, sau ngày đất nước thống nhất họ đã trở thành những cán bộ chủ chốt của Đảng và hết lòng phục vụ nhân dân với nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc khôi phục, xây dựng nước giàu mạnh văn minh. Đội ngũ cán bộ được tôi luyện trong quá trình bị giam giữ ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước. Tổ quốc ta, nhân dân ta ghi sâu công lao to lớn đó.



Chiến tranh đã lùi xa nhưng hồi ức về những ngày ở trong lao đày mãi mãi là ký ức khó quên trong tâm trí các chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất từng bị giam tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Bằng tất cả những cảm xúc và những hoài niệm, các cựu tù chính trị đã viết lên những câu chuyện mang tính sự thật lịch sử về một thời ở trong lao đày, để các thế hệ con cháu mai sau biết về một thời oai hùng, oanh liệt, gian khổ mà cha ông đã trải qua trong các nhà tù thực dân đế quốc. Từ đó thế hệ trẻ hôm nay càng biết trân quý và chung sức bảo vệ thành quả cách mạng mà cha ông đã gian khổ đấu tranh, hy sinh thân mình để đem lại cuộc sống ấm no, hòa bình và hạnh phúc cho dân tộc.


Nguyễn Vân