CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, giúp đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả đối với công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, đưa bảo tàng đến gần với công chúng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để công chúng có thể tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu các di sản văn hóa của nhân loại mà không bị hạn chế về không gian và thời gian.
Thực hiện công văn số 3809/BVHTTDL-DSVH, ngày 14/10/2021 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong hoạt động bảo tàng; Kế hoạch số 23/KH-UBND, ngày 28/1/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị thông minh năm 2022; Kế hoạch số 91/KH-UBND, ngày 21/4/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về thực hiện chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Kế hoạch số 536/KH-SVHTTDL, ngày 25/3/2022 của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch về chuyển đổi số Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch năm 2022.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số đối với hoạt động của bảo tàng và di tích, tăng cường ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bảo tàng. Trong thời gian qua, Bảo tàng Đắk Lắk đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Tham gia các buổi toạ đàm; học tập, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị đã triển khai thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hoá; Mời các chuyên gia công nghệ thông tin phối hợp tư vấn, hỗ trợ xây dựng đề án chuyển đổi số trong hoạt động của Bảo tàng Đắk Lắk đến năm 2030.
Tham gia toạ đàm về chuyển đổi số trong hoạt động bảo tàng
Tìm hiểu các ứng dụng công nghệ số tại bảo tàng
Theo ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, quá trình chuyển đổi số là việc thay đổi tổng thể và toàn diện về cách làm việc, phương thức phục vụ, kinh doanh dựa trên các công nghệ số, đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các bộ phận (tổng thể) trên mọi mặt công tác, hoạt động (toàn diện). Do đó, việc nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động về quá trình chuyển đổi số tại Bảo tàng Đắk Lắk là việc làm cấp thiết và trước hết.
Mời các chuyên gia công nghệ thông tin đến tư vấn, hướng dẫn
về quá trình chuyển đổi số tại Bảo tàng Đắk Lắk
Để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số, lãnh đạo Bảo tàng Đắk Lắk đã kết nối, mời các chuyên gia công nghệ thông tin đến tư vấn, hướng dẫn về quá trình chuyển đổi số tại Bảo tàng Đắk Lắk, những công việc ưu tiên thực hiện trước nhằm giúp cán bộ, viên chức và người lao động đơn vị hiểu được, từng bước nắm rõ quy trình, quá trình chuyển đổi số sẽ triển khai tại Bảo tàng Đắk Lắk để cùng tham gia thực hiện.
Để chuyển đổi số thành công, trước hết phải xây dựng được cơ sở dữ liệu số trên nền tảng tư liệu, hiện vật, di sản văn hóa, di tích hiện có của Bảo tàng Đắk Lắk và vấn đề này hoàn toàn tùy thuộc vào hiệu quả tham gia của mỗi cán bộ, viên chức và người lao động đơn vị; chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các công nghệ số của một số bảo tàng trong nước và quốc tế đã áp dụng, từ đó lựa chọn những giải pháp tối ưu nhất, phù hợp với điều kiện, kinh phí của đơn vị và thị hiếu của công chúng; Đẩy mạnh công tác truyền thông trực tuyến, đa dạng hoá các chương trình giáo dục di sản văn hoá thông qua các hình thức trực tiếp và trực tuyến; xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng trên không gian số; Nghiên cứu các giải pháp tích hợp cơ sở dữ liệu chung trong quản lý hiện vật, dịch vụ bán vé điện tử, thu thập phản hồi, đánh giá của khách tham quan …
Với quyết tâm cao trong việc triển khai quá trình chuyển đổi số, hy vọng Bảo tàng Đắk Lắk sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí, nhân lực để đơn vị vừa phát huy tốt vai trò bảo tồn di sản văn hoá, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc quảng bá di sản văn hóa đến với rộng rãi công chúng trong và ngoài nước.
GDTT