CÁC CUỘC VƯỢT NGỤC TẠI NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT

Nhà đày Buôn Ma Thuột, một trong những nơi giam cầm và đày biệt xứ những chiến sĩ cách mạng trung kiên, những đảng viên cộng sản của toàn xứ Trung Kỳ. Từ chỗ chỉ là một nhà lao địa phương do thực dân Pháp thiết lập vào năm 1930 - 1931, chỉ chưa đầy 15 năm tính đến năm 1945, nơi đây đã trở thành địa chỉ tin cậy của thực dân đế quốc trong việc đàn áp các phong trào cách mạng Việt Nam.

NGHE TẠI ĐÂY


Toạ lạc trên một khuôn viên rộng gần 2ha với cấu trúc gồm: 06 dãy lao tập thể, mỗi lao dài 30m, rộng 6,5m có sức chứa hơn 100 tù nhân; 01 dãy xà lim dùng để biệt giam những người tù được cho là cực kỳ “nguy hiểm” và những đồng chí lãnh đạo các phong trào đấu tranh tại Nhà đày, ngoài ra còn có các hạng mục công trình phục vụ cho việc cai trị như: nhà Xưởng, Bếp – Nhà ăn, nhà Y tế...; bao quanh toàn bộ Nhà đày là một dãy tường rào cao 4m, dày 40cm, phía trên có dây thép gai, ban đêm đèn pha chiếu sáng, bốn góc có bốn tháp canh có thể quan sát toàn bộ khuôn viên Nhà đày.




Khi xây dựng Nhà đày Buôn Ma Thuột, thực dân Pháp đã khai thác tối đa điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sự cách trở về địa lý, tình hình dân cư nhiều thành phần dân tộc, sự khác biệt về phong tục tập quán, lối sống, sự bất đồng về ngôn ngữ để tạo “bức tường thành” ngăn cách, bao vây tù nhân… hòng giết dần, giết mòn cả thể xác lẫn tinh thần của tù chính trị. Bên cạnh chế độ ăn uống kham khổ, đòn roi tra tấn dã man, tàn nhẫn, tù nhân còn bị bóc lột tối đa lao động khổ sai xây dựng nhà đày giam chính bản thân mình, mở các con đường chiến lược và sản xuất kinh tế.



Chế độ khắc nghiệt chốn lao tù không đè bẹp được ý chí kiên cường, bất khuất của những người cộng sản, mà ngược lại, chính nhà tù thực dân đế quốc đã trở thành trường học cách mạng, biến Nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành “Trường cao cấp về chủ nghĩa cộng sản”, nơi tôi luyện, rèn giũa cho cách mạng Việt Nam những hạt giống đỏ mà sau này giữ những chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước gồm: 05 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; 04 đồng chí Ủy viên Ban Bí thư; 19 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 01 đồng chí là Chủ tịch Hội đồng nhà nước; 04 đồng chí là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; 43 đồng chí là Bộ trưởng và Thứ trưởng; 44 đồng chí là tướng lĩnh trong đó có 02 Đại tướng, 02 Thượng tướng, và còn rất nhiều đồng chí giữ các chức vụ quan trọng khác. Cuối năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột gồm khoảng 10 đồng chí (trong đó đồng chí Trần Hữu Dực là Bí thư và Ban Chấp hành có các đồng chí Ngô Tuân, Nguyễn Chí Thanh, Trần Tống, Nguyễn Hữu Khiếu…), cũng từ những hạt nhân của Chi bộ Đảng đầu tiên này đã gieo mầm, tạo những hạt giống đỏ cho Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk như các đồng chí Phan Kiện, đồng chí Nguyễn Trọng Ba, đồng chí Bùi San... Nhiều nhân sĩ, trí thức, công chức là người dân tộc thiểu số đã được những người cộng sản giác ngộ, cảm hóa trở thành những cán bộ cách mạng, theo Đảng như đồng chí Y Blốk Êban, đồng chí Y Bih Alêô, đồng chí Y Jôhn (Minh Sơn)... Việc hình thành Chi bộ Đảng trong Nhà đày Buôn Ma Thuột là một mốc son lịch sử, là nhân tố quyết định đến thắng lợi trong cuộc vận động giải phóng dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến thành công và những thắng lợi quan trọng của cách mạng Việt Nam.


Nhà đày Buôn Ma Thuột tồn tại như một minh chứng hùng hồn cho một thời kỳ đầy gian nan, tàn khốc nhưng vô cùng anh dũng, vẻ vang của cách mạng ở Đắk Lắk nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung. Những năm tháng đấu tranh oanh liệt tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã dệt thành một bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Với ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành một địa chỉ đỏ vô cùng ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống, tinh thần tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.



Quay ngược thời gian trở về những năm đầu của thế kỷ XX, Đắk Lắk là một miền rừng núi hoang vu, hiểm trở, bị bao vây giữa bốn bề núi rừng trùng điệp và khí hậu khắc nghiệt. Sinh sống tại đây, đa số là đồng bào dân tộc tại chỗ với tiếng nói, phong tục, tập quán, tín ngưỡng khác nhau. Có thể nói, trong đất liền của nước Việt Nam khi đó, Đắk Lắk giống như một “cô  đảo” cả về vị trí địa lý, cư dân và tình hình chính trị - xã hội. Nhưng cũng nhờ những điều đó mà thực dân Pháp tự tin và yên trí với những mưu tính của mình, rằng tù nhân sẽ không bao giờ dám vượt ngục bởi nếu có trốn khỏi Nhà đày, không bị lạc vào rừng sâu làm mồi cho thú dữ, thì cũng sẽ bị người dân địa phương tố giác. Khó khăn, nguy hiểm là thế nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn luôn nhen nhóm niềm tin, không lùi bước trước kẻ thù, trước mọi khó khăn tìm kiếm cơ hội trốn thoát để trở về với Đảng, với cách mạng.


Năm 1936, phong trào cách mạng trong nước và quốc tế có những chuyển biến tích cực. Trước tình hình đó, “vượt khỏi ngục tù” đã trở thành một nhu cầu tất yếu của mỗi người tù cộng sản.


Theo tiếng gọi của Đảng, năm 1937, cuộc vượt ngục đầu tiên đã diễn ra tại Nhà đày Buôn Ma Thuột: Đó là cuộc vượt ngục của đồng chí Chu Huệ, tù nhân mang số 2677, lợi dụng lao dịch khổ sai bên ngoài công trường, đồng chí đã bí mật chuẩn bị chu đáo và trốn thoát. Hành động dũng cảm của đồng chí đã trở thành tấm gương cho các đồng chí khác, cổ vũ tinh thần cũng như mở đường cho các cuộc vượt ngục khác về sau.


Năm 1942, lợi dụng thời cơ đi lấy củi bên ngoài Nhà đày, các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Lê Tất Đắc và Phan Doãn Giá đã lên kế hoạch, bàn bạc và nhất trí với nhau tổ chức vượt ngục, cuộc vượt ngục thành công vào ngày 19/01/1942.

 

Nhận được tin, Công sứ Đắk Lắk đã huy động một lực lượng lớn binh lính ráo riết truy lùng khắp nơi. Chúng phát động lực lượng, tuần tra lùng sục, truy nã tất cả các nẻo đường và treo thưởng lớn. Nhưng với sự mưu trí, dũng cảm, ý chí quyết tâm các đồng chí vượt qua mọi khó khăn, trốn thoát mọi sự truy quét, an toàn trở về và tiếp tục hoạt động cách mạng. 


Tuy nhiên, năm 1943 trong một chuyến công tác tại huyện Phú Lộc – Thừa Thiên Huế, đồng chí Nguyễn Chí Thanh không may bị bắt. Biết đồng chí là một chiến sĩ cộng sản kiên cường vượt ngục ra ngoài hoạt động trở lại, thực dân Pháp đã dùng cực hình, tra tấn nhằm moi thông tin, bí mật của cách mạng. Không khai thác được gì, đồng chí bị áp giải trở lại Nhà đày Buôn Ma Thuột giam giữ lần thứ 2. Năm 1945, lợi dụng Nhật đảo chính Pháp, đồng chí đã được đồng đội bí mật tổ chức vượt ngục, để nhanh chóng bổ sung lực lượng, chuẩn bị cho Cách mạng tháng 8/1945 và đây cũng là cuộc vượt ngục thứ 2 của đồng chí tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Để tăng cường bộ máy quản lý và tiến hành mở rộng con đường chiến lược quốc lộ 14 xuyên Tây Nguyên. Năm 1941, thực dân Pháp cho xây dựng Ngục Đắk Mil, cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 60km và chọn 120 người tù bị giam ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đày đi Ngục Đắk Mil, với mục đích lấy lao dịch khổ sai, đói rét và bệnh tật để tiêu diệt ý chí cách mạng và thủ tiêu dần các chiến sĩ cộng sản từ trong rừng sâu hoang vắng. Nhưng dù ở bất kỳ nơi đâu và bất kỳ hoàn cảnh nào, các chiến sỹ cộng sản vẫn thể hiện tinh thần cách mạng bất khuất, luôn ngẩng cao đầu, không chịu khuất phục.

Năm 1942, chỉ sau một năm hình thành và giam giữ tù nhân thì cuộc vượt ngục đầu tiên đã diễn ra tại Ngục Đắk Mil của bốn đồng chí Nguyễn Tạo, Trương Vân Lĩnh, Chu Huệ và Trần Doanh. Để chuẩn bị cho cuộc vượt ngục, các đồng chí đã lên kế hoạch và phân công nhiệm vụ trước 5 tháng. Đêm ngày 05/12/1942 thời cơ đã đến, sau khi mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, 12h đêm đồng chí Nguyễn Tạo và Chu Huệ rút chân ra khỏi cùm, nhẹ nhàng bò xuống cầu thang, ra cổng, mở cửa và trốn thoát, tiếp đến là Vân Lĩnh và Trần Doanh, nhưng không may khi xuống cầu thang, con dao cất trong túi đồ rơi ra, tạo ra tiếng động làm lính canh tỉnh giấc. Biết bị bại lộ, hai đồng chí dùng hết sức chạy thật nhanh, thấy có tù nhân bỏ trốn lính canh hô hoán báo động và dùng súng bắn lia lịa về phía 2 đồng chí, may mắn 2 đồng chí thoát khỏi màn mưa đạn của kẻ thù để đến điểm hẹn.  

Giữa cái lạnh của mùa đông và nơi rừng rậm đã làm cho 4 đồng chí như đông cứng lại, bấu víu vào nhau luồn lách vào rừng sâu tránh sự truy đuổi. Những ngày đầu, đi không phương hướng, luồn hết rừng này qua rừng khác, hết rừng rậm lại qua đầm lầy, gai mắc vào quần, gai mắc vào áo, gai kéo rách chân, gai rạch toạc mặt… Và để tránh tai mắt, các đồng chí phải cải trang, cởi áo vận lên đầu làm khăn, cởi quần buộc thành khố, giả làm người bản địa trong khi trời rét cắt da cắt thịt, cái đói lại hoành hành khi lương thực mang theo bị rơi rớt khá nhiều.

Điều mà các đồng chí lo sợ nhất đó là lạc nhau và điều đó cũng không tránh khỏi, từ nhóm 4 người trở thành 2 nhóm, mỗi nhóm 2 người. Sau khi lạc nhau, đồng chí Nguyễn Tạo và Vân Lĩnh đã lùng sục tìm kiếm đồng chí Chu Huệ và Trần Doanh, nhưng không thấy. Hai đồng chí đành dìu dắt nhau tiếp tục lên đường, trải qua muôn vàn khó khăn có lúc tưởng chừng không thể tiếp tục được nữa, bụng đói, chân tay tê dại vì mưa rét, toàn thân rỉ máu, thâm tím vì bị vắt cắn; bệnh kiết lỵ hoành hành, cơn sốt rét ác tính ập tới, lương thực cạn kiệt và sức người cũng kiệt.

Sau gần một năm trải qua biết bao gian khổ, tưởng rằng không thể sống sót được, các đồng chí đã kiên cường thoát khỏi gông cùm của thực dân, chống chọi với thời tiết, đói rét, bệnh tật, thú dữ để trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.

Sau khi những cuộc vượt ngục diễn ra, đã giáng một đòn khá mạnh vào bộ máy cai trị của thực dân Pháp tại Đắk Lắk, buộc thực dân Pháp phải chuyển toàn bộ tù chính trị ở Ngục Đăk Mil về Nhà đày Buôn Ma Thuột và cho phá hủy toàn bộ trại ngục. Cuộc vượt ngục diễn ra đã cho ta thấy biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản một lần nữa đã khẳng định “Cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua…”.


Nhà đày Buôn Ma Thuột là một minh chứng cho ý chí quật cường của các chiến sĩ cộng sản, bất chấp mọi gông cùm và hoàn cảnh khắc nghiệt các đồng chí đứng lên đấu tranh thoát khỏi xiềng xích, thoát khỏi trốn lao tù để trở về với Đảng, với gia đình, một lần nữa đã chứng tỏ không một thế lực nào ngăn cản bước chân của những người Việt Nam yêu nước, yêu tự do và yêu chuộng hòa bình.

Thu Hương