BẢO QUẢN PHÒNG NGỪA - KHẮC PHỤC VÀ NGĂN CHẶN NHỮNG YẾU TỐ GÂY HẠI TRÊN CÁC TÁC PHẨM HỘI HỌA ĐỘC BẢN
Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang lưu giữ hơn 9.681 hiện vật. Các hiện vật được kiểm kê khoa học, gồm nhiều chất liệu khác nhau như: Hội họa, giấy, ảnh, vải, đồ mộc, kim loại, gốm, sứ,…. có giá trị thẩm mỹ, lịch sử, văn hoá, phục vụ trưng bày, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan học tập của công chúng.
Hiện vật tại kho cơ sở được lưu giữ, bảo quản, sắp xếp trên giá kệ, bục và phân theo từng nhóm chất liệu. Đa số không có lớp che chắn dẫn đến tình trạng khi vệ sinh nền kho bảo quản, ánh sáng từ bóng đèn và các hạt bụi sẽ bay và bám vào các khe, kẽ, bề mặt hiện vật đặc biệt là những hiện vật nhạy cảm như: Đồ dệt; các tác phẩm hội họa được làm bằng sơn dầu, sơn mài, tranh khắc gỗ.
Bên cạnh đó, quá trình trưng bày hiện vật tại các không gian trưng bày thường xuyên và chuyên đề trong thời gian dài, sẽ dẫn đến tình trạng hiện vật tiếp xúc trực tiếp vào đai, tủ, kệ trưng bày, tạo môi trường trú ẩn lý tưởng của côn trùng và bụi bẩn.
Những yếu tố này tuy khó phát hiện bằng mắt thường nhưng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến “tuổi thọ” và tính thẩm mỹ của hiện vật.
Để khắc phục và ngăn ngừa được những tác nhân gây hại đến hiện vật, trong thời gian qua đội ngũ cán bộ bảo quản của Bảo tàng Đắk Lắk đã tiến hành “Khắc phục và ngăn ngừa những yếu tố gây hại trên các tác phẩm hội họa độc bản bằng lớp đệm vải cotton” cho 27 hiện vật là các tác phẩm hội hoạ tại Bảo tàng với quy trình cụ thể:
- Vệ sinh cơ học, loại bỏ các lớp bụi bẩn bám trên hiện vật;
- Đo kích thước cụ thể từng khung; cắt lớp vải làm khung lót đệm mặt sau khung tranh;
- Cố định và làm căng các góc theo đúng khung của từng tác phẩm;
- Sắp xếp tác phẩm lên giá bảo quản theo đúng vị trí, thêm một tấm phủ bảo vệ trên bề mặt (với các tác phẩm được bảo quản trong kho);
- Treo tranh lên lại vị trí trưng bày tránh côn trùng tác động lên mặt sau của hiện vật (đối với trưng bày).
Hiện vật sau bảo quản phòng ngừa được lưu giữ, bảo tồn và phục vụ trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk và Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột. Về cơ bản, đáp ứng được yêu cầu về công tác bảo quản, ngăn ngừa bụi bẩn, côn trùng xâm hại hiện vật, đồng thời không để hiện vật tiếp xúc ánh sáng một cách không cần thiết;
Những tấm phủ cũng như phần đệm đã hạn chế sự dao động của nhiệt độ môi trường; hạn chế được tối đa những tác động trị liệu lên hiện vật;
Vệ sinh, loại bỏ bụi bẩn mặt sau hiện vật
Khi di chuyển, sắp xếp hay vệ sinh hiện vật, việc sử dụng các lớp đệm mang lại hiệu quả cao về công tác bảo quản hiện vật trong môi trường kho cũng như tại các không gian trưng bày.
Bọc lớp đệm vải, sắp xếp tranh lên giá và phủ lớp vải nhằm hạn chế tác động của bụi, ánh sáng lên hiện vật
Trong những năm gần đây, Bảo tàng Đắk Lắk luôn chú trọng đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Hàng năm, viên chức làm công tác kiểm kê, bảo quản được tham gia các lớp tập huấn để tiếp cận các phương pháp tiên tiến trong bảo quản phòng ngừa và bảo quản trị liệu, từ đó áp dụng vào công việc được giao. Thông qua tìm hiểu, nghiên cứu từng chất liệu hiện vật để đưa ra các giải pháp phù hợp, đã góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo quản phòng ngừa, hạn chế tối đa việc sử dụng, tác động hoá chất vào hiện vật, nâng cao tuổi thọ hiện vật, tạo điều kiện tốt nhất cho việc lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk.
Phạm Hoài