XÉT DUYỆT ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ, GÓP Ý LÝ LỊCH HỒ SƠ DI TÍCH VÀ PHIM DÂN TỘC HỌC TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Chiều ngày 15/5/2023, Hội đồng khoa học Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức họp xét duyệt đề tài khoa học cấp cơ sở, góp ý cho hồ sơ di tích “Các điểm di tích bổ sung vào Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975)” và thảo luận các nội dung của 02 phim dân tộc học về người Mạ ở Lâm Đồng.

1. Xét duyệt đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2023

Đề tài khoa học cấp cơ sở “Giáo dục di sản văn hóa cho học sinh hướng tới sự phát triển bền vững tại Bảo tàng Đắk Lắk” do nhóm nghiên cứu phòng Giáo dục và Truyền thông thực hiện.

     

Trong xu thế đổi mới của các bảo tàng trong nước và quốc tế, Bảo tàng Đắk Lắk đã quan tâm phát triển chức năng giáo dục với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực thông qua các chương trình giáo dục di sản văn hóa cho học sinh. Thông qua việc đánh giá, phân tích, khái quát thực trạng công tác giáo dục di sản văn hóa tại Bảo tàng Đắk Lắk, đề tài “Giáo dục di sản văn hóa cho học sinh hướng tới sự phát triển bền vững tại Bảo tàng Đắk Lắk” nhằm xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa cho học sinh các cấp; đồng thời đề xuất các giải pháp giúp các nhà quản lý nhà nước tại địa phương trong thời gian tới có cơ chế, định hướng, chính sách cụ thể đối với hoạt động giáo dục trong bảo tàng; tạo sự liên kết lâu dài với các đơn vị trường học trong việc tổ chức các chương trình chính khoá và ngoại khoá, gắn liền với các nội dung giáo dục địa phương của Sở Giáo dục và Đào tạo.




Thuyết minh và bổ sung các ý kiến của Hội đồng


Sau khi nhóm nghiên cứu trình bày lý do chọn đề tài, nội dung, bố cục của đề tài, Hội đồng đã có những góp ý thiết thực cho nhóm nghiên cứu và nhất trí thông qua để đề tài được triển khai thực hiện.


2. Góp ý lý lịch khoa học: Các điểm di tích bổ sung vào Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975).


Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng theo Quyết định số 822/QĐ-BVHTTDL, ngày 09/3/2017, gồm 05 địa điểm: Cơ quan Tỉnh ủy, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui); Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (buôn M’nang Dơng, xã Yang Mao) và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V (buôn H’Ngô A, xã Hòa Phong), huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.


Thực hiện Công văn số 862/SVHTTDL-QLDSVH, ngày 21/4/2020 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Kế hoạch số 2900/KH-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk; Ủy ban Nhân dân huyện Krông Bông đã chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát, điều tra, xác định vị trí, tọa độ và cắm mốc tạm thời bổ sung địa điểm đứng chân các cơ quan, ban, ngành còn lại tại Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975). Qua khảo sát, tìm kiếm địa điểm các cơ quan, ban, ngành để bổ sung vào hồ sơ khoa học Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975), kết quả trên địa bàn 05 xã (Cư Đrăm, xã Cư Pui, xã Yang Mao, xã Hòa Phong, xã Hòa Lễ) đã tìm thấy những vết tích hầm hào, hang lưu trú; khi so sánh vị trí các địa điểm với tổng thể khu vực, các dữ kiện trong sử liệu và được các nhân chứng lịch sử, những người trực tiếp ở, làm việc trong thời gian hoạt động cách mạng xác nhận và khẳng định, đây chính là 39 địa điểm các cơ quan, ban, ngành thuộc Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975): Cơ quan Tỉnh ủy; Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Ban Tuyên huấn; Ban Dân vận - Mặt trận; Ban Kinh tài; Ban Giao vận; Ban Dân y; Ban Thương binh; Ban Binh -địch vận và Đấu tranh chính trị; Ban Hành lang; Ban An ninh; Tỉnh đội; Điểm tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tiểu ban khác.


Trên cơ sở tham vấn ý kiến đóng góp của các Sở, ngành của tỉnh và địa phương có liên quan; dự kiến bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích,…, phòng Quản lý và phát huy di tích đã bổ sung, thu thập thông tin, hoàn thiện hồ sơ khoa học Các điểm di tích bổ sung vào Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975).



Thảo luận các nội dung của hồ sơ khoa học


Từ kết quả báo cáo của nhóm chuyên môn, Hội đồng khoa học đã thống nhất các nội dung của lý lịch khoa học Các điểm di tích bổ sung vào Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975), để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung.


3. Góp ý phim dân tộc học: Lễ lên nhà mới của người Mạ và Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mạ.


Phim “Lễ lên nhà mới của người Mạ ở buôn Bi Nao, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng” và phim “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mạ”, do nhóm nghiên cứu của phòng Sưu tầm và Trưng bày thực hiện.



Trình chiếu phim dân tộc học


Qua phân tích nội dung, chất lượng âm thanh, hình ảnh, Hội đồng đã có những góp ý về việc bổ sung tư liệu (dịch và bổ sung phụ đề lời thầy cúng, âm thanh cồng chiêng,…) để tăng tính chân thực, thẩm mỹ và giá trị khoa học. Ngoài ra, việc thuyết minh cụ thể ý nghĩa của nghi lễ, các công đoạn trong dựng nhà mới,... sẽ nâng cao hiệu quả khi đưa vào khai thác sử dụng trong hoạt động trưng bày.


Với tinh thần khẩn trương, tích cực, Hội đồng khoa học Bảo tàng Đắk Lắk đã thông qua 03 nội dung của cuộc họp, trên cơ sở đóng góp của Hội đồng, các nhóm chuyên môn sẽ hoàn thiện hồ sơ, triển khai nhiệm vụ để đảm bảo hiệu quả cao nhất, nâng cao chất lượng sinh hoạt khoa học tại Bảo tàng Đắk Lắk.




Bảo Trâm