BẢO TÀNG ĐẮK LẮK – KHO TÀNG TRI THỨC, MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP LÝ TƯỞNG CHO SINH VIÊN

Bảo tàng Đắk Lắk là nơi lưu giữ, trưng bày những hiện vật quý, phục vụ công chúng trong và ngoài nước đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Đặc biệt, đối với sinh viên, Bảo tàng Đắk Lắk là kho tàng tri thức, môi trường lý tưởng, hỗ trợ đắc lực đối với hành trình học tập và chiếm lĩnh tri thức.

Tọa lạc trong một khuôn viên rộng lớn với diện tích gần 6,5 ha, với hệ thống những cây cổ thụ xanh mát được ví như “lá phổi xanh” trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột. Bảo tàng Đắk Lắk là địa chỉ tham quan hấp dẫn, giới thiệu lịch sử, văn hóa, đa dạng sinh học của địa phương thông qua các không gian trưng bày. Bên cạnh đó, Bảo tàng Đắk Lắk còn có một thư viện chuyên ngành với gần 6.000 đầu sách, giúp độc giả tra cứu, tìm hiểu về truyền thống văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Hiện nay, Bảo tàng Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều chương trình giáo dục trải nghiệm hướng đến học sinh, sinh viên, giúp các em đến với bảo tàng một cách tự nhiên, gần gũi qua những hình thức, cách tiếp cận khác nhau: 

Chương trình tham quan đặc biệt

Trên cơ sở các không gian trưng bày và sưu tập hiện vật, hàng năm Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức nhiều chương trình tham quan dành riêng cho đối tượng sinh viên đến từ các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước. Dưới sự hướng dẫn của các thuyết minh viên, các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về các chủ đề mình quan tâm, qua đó đúc rút được nhiều kinh nghiệm thực tế, mở rộng kiến thức, kích thích tư duy sáng tạo.



Sinh viên tham quan tìm hiểu Sa bàn Chiến thắng Buôn Ma Thuột

 

Chương trình hỗ trợ nghiên cứu: Bảo tàng Đắk Lắk hỗ trợ sinh viên nghiên cứu tại đơn vị và thực địa với các chuyên ngành liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Cơ hội thực tập tình nguyện

Hàng năm, Bảo tàng Đắk Lắk đón nhận sinh viên đến thực tập, kiến tập thuộc các chuyên ngành: Ngôn ngữ Anh, Lịch sử, Văn hóa du lịch, Bảo tàng,… Trên cơ sở kiến thức lý thuyết được học tập trong nhà trường, sinh viên có cơ hội thực tập thực tế và tham gia tình nguyện vào các chương trình giáo dục trải nghiệm thú vị, độc đáo như: Trung thu cùng bé; Vui hội trăng rằm; Cuộc sống quanh em,… Từ đó, sinh viên được tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc theo nhóm để hỗ trợ khả năng làm việc trong tương lai.



Sinh viên Ngôn ngữ Anh, Đại học Tây Nguyên thực tập tại Bảo tàng Đắk Lắk

Tiếp cận nguồn lực số hóa

Trong thời đại công nghệ số, Bảo tàng Đắk Lắk không ngừng nỗ lực ứng dụng các thành tựu công nghệ trong công tác giáo dục, truyền thông, giúp sinh viên có thể tìm hiểu, tra cứu tài liệu trên các nền tảng trực tuyến. Việc chuyển đổi số các bộ sưu tập hiện vật, giúp sinh viên có thể tiếp cận nguồn tài liệu phong phú mọi lúc, mọi nơi. Từ các hình ảnh chụp chất lượng cao, bản sao tài liệu, đến các cơ sở dữ liệu tương tác, hệ thống thuyết minh tự động, … mỗi sinh viên đều có thể tìm thấy nguồn thông tin cần thiết cho nội dung nghiên cứu của mình.


Với những cách làm hay và sáng tạo, Bảo tàng Đắk Lắk là một môi trường học tập lý tưởng, đồng hành cùng các bạn sinh viên trên hành trình khám phá tri thức, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống lịch sử, từ đó chung tay xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Trần Nguyệt