SỨC MẠNH CỦA BẢO TÀNG

Với mỗi địa phương, bảo tàng là niềm tự hào đồng thời là điểm đến thoả mãn mọi nhu cầu tìm tòi, khám phá của du khách. Bảo tàng khơi gợi cho du khách những hiểu biết nhất định về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, về nguồn gốc của một tộc người, một vùng đất hay một quốc gia.

Thông qua hiện vật và những câu chuyện về hiện vật tại bảo tàng, công chúng sẽ thấy được quan điểm về thế giới, cái đẹp, lẽ sống,…, về tri thức bản địa của từng tộc người khác nhau qua các thời kỳ lịch sử. Chính cảm nhận đó sẽ giúp họ có thêm sự tự hào, ý thức và động lực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá của chính mình, sắc tộc mình. Đây chính là sức mạnh mềm, là điểm khác biệt để thu hút, lôi cuốn du khách đến với bảo tàng khi đi du lịch ở các vùng miền, các quốc gia khác nhau.



Một góc trưng bày của Bảo tàng và Homestay Ama H’Mai



Trưng bày dụng cụ Săn bắt và thuần dưỡng Voi rừng tại Bảo tàng Đắk Lắk

Trong hoạt động bảo tàng, trưng bày là khâu quan trọng thực hiện việc giao tiếp bảo tàng; thuyết minh là cầu nối giữa hiện vật và du khách. Những nhân viên bảo tàng bằng trình độ, sự hiểu biết và tâm huyết của mình làm “sống dậy” những hiện vật để du khách có cơ hội “chạm“ tới đời sống của các hiện vật qua từng thời kỳ. Cách ứng xử với hiện vật, với du khách của đội ngũ nhân viên bảo tàng là những bài học thực tế nhất về công tác giáo dục và bảo tồn di sản văn hóa.




Khách tham quan Bảo tàng


Giá trị về văn hóa, di sản văn hóa, dân tộc nào cũng có, sắc tộc nào cũng dày, mọi sắc tộc đều cố gắng gìn giữ những tinh hoa văn hóa của mình. Ứng xử phải phép giữa người với người chẳng bao giờ là sai lầm, ứng xử đúng đắn với di sản, với văn hóa, với lịch sử càng góp thêm cho xã hội nhiều tư tưởng, nhiều năng lượng tích cực hơn. Chúng ta đôi lúc bị cuốn vào vòng xoáy của thực dụng, của kim tiền, chỉ chú trọng bề ngoài mà quên đi những giá trị to lớn, sâu thẳm của tri thức, của giáo dục, của văn hóa, lịch sử lâu đời tại chính mảnh đất nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Chính những điều tưởng như nhỏ nhặt, đơn giản nhất lại là những điều tạo nên giá trị con người, là chỗ “vịn“ tinh thần cho mỗi người.

Di sản văn hóa không phải lúc nào cũng hoàn mỹ, chính những điều bất toàn đó giúp cho đời sau rút kinh nghiệm, tránh bước vào vết xe đổ của tiền nhân. Di sản văn hóa về mọi mặt chính là chiếc cầu nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Di sản văn hoá luôn nhắc mọi người phải biết rằng: “ngày hôm nay sẽ là quá khứ của ngày mai”.

Theo Luật Di sản văn hoá thì “Di sản văn hoá là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác”. Có thể hiểu mọi hiện vật được sưu tầm và lưu giữ trong bảo tàng đều là các di sản bao gồm cả di sản văn hóa là các sản phẩm vật chất và tinh thần của các tộc người địa phương được lưu truyền lại.

Ngày 25/8/2022, Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) công bố định nghĩa mới về bảo tàng “..là một tổ chức thường trực và phi lợi nhuận, phục vụ lợi ích xã hội, đồng thời là nơi nghiên cứu, thu thập, bảo tồn, diễn giải và trưng bày các di sản vật thể và phi vật thể”.

Với định nghĩa mới, ICOM nhấn mạnh bảo tàng là nơi rộng mở với công chúng, có tính chất dễ tiếp cận và hòa nhập, giúp thúc đẩy sự đa dạng và bền vững. Các bảo tàng hoạt động và tương tác với công chúng theo chuẩn mực đạo đức, đảm bảo chuyên nghiệp và bao gồm sự tham gia của cộng đồng, mang đến những trải nghiệm đa dạng cho giáo dục, việc thưởng thức, thẩm định và chia sẻ kiến thức. Theo ICOM, định nghĩa mới phản ánh một số thay đổi lớn trong vai trò của các bảo tàng, trong đó thừa nhận “tầm quan trọng của tính toàn diện, sự tham gia của cộng đồng và tính bền vững”.

Theo quan điểm mới, bảo tàng và các hoạt động của bảo tàng bắt buộc phải thay đổi theo hướng mở hơn, có sự tham gia của cộng đồng và lấy công chúng, du khách làm trung tâm. Các bảo tàng sẽ có xu hướng quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn đến những câu chuyện về hiện vật, bởi chính những câu chuyện đó sẽ làm cho hiện vật sống động hơn, dễ gợi cho du khách những hồi ức, cảm xúc khó quên. Nhân viên của bảo tàng hướng du khách “trôi” về những tháng ngày xa xưa, thời của các hiện vật để cảm nhận, để học tập được tri thức bản địa thông qua hiện vật của các thời kỳ khác nhau. Đây chính là chức năng giáo dục của bảo tàng - hướng du khách đến với Chân - Thiện - Mỹ qua câu chuyện của từng hiện vật. Giá trị của di sản được nhân viên bảo tàng “đánh thức” đã níu chân du khách ở lại lâu hơn và sẵn sàng quay trở lại với bảo tàng.

 

Muốn vậy, chính các bảo tàng sẽ phải thay đổi, có lẽ bắt đầu từ cách ứng xử với du khách. Có lẽ các bảo tàng phải đặt mình vào vị trí của du khách để có thể biết được, hiểu được du khách muốn gì, cần gì khi đến với bảo tàng mình? Bảo tàng mình có gì khác biệt với các bảo tàng khác? Làm cách nào để thoả mãn nhu cầu tìm tòi, hiểu biết ngày càng đa dạng của du khách?...

 

Sức mạnh của mỗi bảo tàng chính là sự khác biệt, là tính giáo dục, là cách khai thác các thông điệp của tiền nhân qua các câu chuyện về hiện vật. Để các thông điệp đó lan tỏa mạnh mẽ, có tính giáo dục cao trong cộng đồng và công chúng, phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ nhân viên bảo tàng. Họ là những “di sản sống” góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh của bảo tàng.


Mẫn Phong Sơn