SỰ TÍCH ČING KRAM (CHIÊNG TRE) CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ

Cồng chiêng đối với các dân tộc ở Tây Nguyên là linh hồn chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần, phong tục, nghi lễ… Cồng chiêng gắn bó với con người từ lúc sinh ra đến khi về với Yang (thần linh). Bên cạnh những dàn chiêng bằng chất liệu hợp kim đồng, người Êđê còn chế tác một loại chiêng rất độc đáo đó là Čing Kram (Chiêng tre) với âm thanh mộc mạc, gần gũi.

Truyền thuyết của người Ê đê kể rằng: Ngày xưa, ở một buôn làng trên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ có một chàng trai tên là Đăm San. Chàng có một sức khỏe lạ thường, người to cao như cây Kơ Pang, mắt sáng như sao hôm, tiếng nói oang oang như tiếng cồng, mỗi bước chân từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Hàng ngày, chàng cùng trai tráng trong buôn lên rừng săn thú, tìm hoa quả hoặc phát rẫy trồng bắp lúa.


Năm ấy, buôn làng của người Ê đê được mùa, lúa bắp đầy rẫy chật buôn. Già trẻ, gái trai, ai ai cũng vui lòng hả dạ, họ tổ chức ăn mừng to lắm. Dân kéo nhau đến chật nhà làng, cùng nhau ăn mừng lúa mới, nhấm rượu cần, nhảy múa hát ca… suốt ba ngày đêm. Không ngờ, đến ngày cuối cùng thì đàn thú dữ trên rừng kéo về phá hoại buôn làng. Chúng đuổi theo bắt trâu, bò, heo, gà, húc đổ nhà cửa, ăn và phá nát bắp lúa. Dân làng không sao chống chọi nổi, họ phải bỏ buôn rủ nhau chạy trốn. Chỉ có một mình chàng Đăm San ở lại chiến đấu với thú rừng. Chàng nhổ những cây gỗ lớn quất vào đàn thú dữ. Cây gãy, chàng lại bê những tảng đá ném tới tấp vào lũ chúng. Đàn thú dữ chết la liệt, số còn lại hoảng hốt bỏ chạy vào rừng. Chàng lại đuổi theo, chàng nhảy qua ba con suối, bảy ngọn thác, chín ngọn núi và cuối cùng bước đến một khu rừng khá rậm rạp, ở đây thú rừng đông, toàn là thú dữ. Thấy chàng bước đến thì tất cả thú dữ đều phủ phục dưới chân chàng van xin tha tội chết, chàng Đăm San không giết đàn thú mà quay trở về. Vừa đi được ba con suối, thì chàng thấy hai con voi: một con voi mẹ, một con voi con, bị sa xuống một đầm lầy không sao lên được và đang kêu gào thảm thiết. Chàng bước lại, nhổ những cây gỗ lớn rồi thả xuống làm thành một con đường cho hai mẹ con voi bước lên. Lên khỏi đầm lầy, mẹ con voi mừng lắm. Thế rồi con voi mẹ bước đến một gốc cây cổ thụ, lấy ra bảy thanh đá dài màu xanh rất đẹp, đưa cho chàng Đăm San và nói: “Đây là vật báu của chồng tôi để lại, xin dâng lên cảm tạ lòng tốt của chàng đã giúp mẹ con tôi thoát nạn”. Đăm San cầm lấy và cúi đầu tạm biệt mẹ con voi, rồi lên đường trở về. Chàng đi đến mé rừng thì trời tối mịt. Nhưng kỳ lạ thay, bảy thanh đá trên tay chàng sáng rực lên, soi đường cho chàng đi.

Về đến buôn làng thì chẳng có ai cả. Chàng đi đi lại lại trên sân nhà và sơ ý làm rớt một thanh đá xuống đất. Thanh đá phát ra một âm thanh kỳ diệu làm cho chàng cảm thấy người khoan khoái và khỏe hẳn ra. Thế là chàng đặt bảy thanh đá xuống đất rồi dùng một hòn sỏi gõ lên từng thanh đá. Kỳ lạ thay, mỗi thanh đá đều phát ra những âm thanh khác nhau và hợp thành một bản nhạc du dương trầm bổng. Chàng càng gõ bao nhiêu thì những âm thanh ấy càng ngân nga vang xa bấy nhiêu. Một lúc sau, dân làng kéo về rất đông, họ đứng vây quanh chàng say sưa nghe những giai điệu, rồi họ nhảy múa, ca hát theo âm thanh trầm bổng của những thanh đá kỳ diệu đó. Họ vui chơi như vậy suốt bảy ngày bảy đêm. Về sau, con cháu của người Ê đê lớn lên không tìm thấy những thanh đá ấy nữa. Họ bèn cắt ra 7 thanh tre, dài ngắn khác nhau để đánh trong nghi lễ truyền thống của buôn làng, họ gọi đó là Čing Kram  (Chiêng tre).

Cấu tạo của một Chiêng tre gồm: một ống tre khô dài khoảng 30cm, đường kính từ 7-9cm; một thanh tre già có độ dài khoảng 40cm, rộng khoảng 7cm và một cái dùi bằng gỗ có quấn vải. Theo quan niệm của người Ê đê, số lẻ là số của sự may mắn nên mỗi bộ chiêng tre thường có 5, 7, 9 chiếc hợp lại thành một dàn chiêng. 

Mỗi chiếc Chiêng tre có âm sắc, giai điệu khác nhau, nhưng khi tất cả cùng ngân lên sẽ tạo thành một dàn hợp xướng có âm thanh lay động lòng người. Chiêng tre cũng có những kích cỡ, âm thanh và có hệ thống như một bộ chiêng đồng.


Độc đáo hơn là khi đánh, để cho âm thanh phát ra, nghệ nhân phải kẹp ống tre vào hai đùi, thanh tre già kê trên đùi, tay cầm dùi bằng gỗ gõ vào thanh tre cho âm vọng xuống ống tre, tạo ra âm thanh mình muốn. Hầu hết những người đánh chiêng đồng giỏi đều biết đánh và biểu diễn Chiêng tre thuần thục. Ở đây, Chiêng tre như một “bệ đỡ” để nâng cao tay nghề cũng như năng lực của các nghệ nhân.



Bộ Chiêng tre lưu giữ tại Bảo tàng Đắk Lắk


Trải qua năm tháng, do thời tiết thay đổi, âm thanh của từng chiếc Chiêng tre cũng dần thay đổi. Vì vậy, người chỉnh Chiêng tre phải vừa có đôi tai thẩm âm kỳ tài, vừa có bàn tay khéo léo, bởi đồ nghề để chỉnh chiêng tre không phải búa, đe... như chỉnh chiêng đồng, mà chủ yếu là dùng cưa tay, dao để cắt, gọt bớt miệng ống tre... làm cho âm thanh của nó cao hoặc thấp hơn, tiếng chiêng tròn, vang hơn, đúng với chức năng của nó trong dàn chiêng.

Để các giá trị văn hóa truyền thống không bị mai một, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã phối hợp với các tổ chức có liên quan mở các lớp chỉnh chiêng, truyền dạy cách đánh, tuyên truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu được giá trị văn hóa đặc sắc của Chiêng tre để họ cùng nhau giữ gìn, bảo vệ, phát huy trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng.



Nghệ sĩ Vũ Lân đang hướng dẫn chỉnh âm Chiêng tre




Các học viên tấu Chiêng tre tại Lễ bế giảng Lớp truyền dạy đánh chiêng và nhạc cụ dân tộc



Lớp học đánh Chiêng tre ở Ea Tiêu, Cư Kuin


Ngoài các hoạt động trên, các cơ quan quản lý văn hóa cũng đã xây dựng những dự án, chiến lược để phục vụ công tác bảo tồn, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân và du khách gần xa, phát huy giá trị di sản quý báu của địa phương, dân tộc.

Hoài My