SỰ GẮN BÓ CỦA TÙ CHÍNH TRỊ VÀ NGƯỜI DÂN LÀNG LẠC GIAO

Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp thiết lập vào năm 1930 - 1931, với mục đích đày ải, giam giữ và thủ tiêu những chiến sĩ cộng sản yêu nước trong phong trào cách mạng Việt Nam. Cũng từ Nhà đày Buôn Ma Thuột, Chi bộ Đảng đầu tiên tại Đắk Lắk được thành lập và tuyên truyền, tạo mối đoàn kết cộng đồng các dân tộc trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, trong đó có làng Lạc Giao.

Trong thời gian bị giam giữ, nhiều chiến sĩ đã bỏ mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột bởi khí hậu, đòn roi tra tấn, lao dịch khổ sai, nhưng xót xa hơn, xác của các đồng chí không được chôn cất mà bị ném qua bức tường của Nhà đày để làm mồi cho thú dữ. Cảm thương trước những cái xác vô hồn của người tù, người dân làng Lạc Giao đã âm thầm lén tới trộm xác về để chôn cất tại một ngôi mộ tập thể. Sau cách mạng Tháng Tám thành công, dân làng Lạc Giao góp công, góp của xây dựng Bia tưởng niệm tại ngôi mộ tập thể để tưởng nhớ các chiến sĩ cộng sản đã hy sinh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.





Dâng hương tưởng niệm tại ngôi mộ tập thể


Để giết dần, giết mòn người tù cộng sản, thực dân Pháp bắt người tù phải đi lao dịch khổ sai trên các công trường với những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, ăn uống kham khổ. Thấy vậy, người dân làng Lạc Giao đã bí mật mang những nải chuối, quả đu đủ hay những nắm xôi, cái bánh tiếp tế cho các đồng chí.



Tù nhân trên công trường lao động (Tranh trưng bày tại Nhà đày Buôn Ma Thuột)

 

Năm 1945, trước tình hình Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, tại Nhà đày Buôn Ma Thuột được sự giúp đỡ của nhân dân làng Lạc Giao, các đồng chí đã bí mật tổ chức cuộc vượt ngục cho một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Trần Hữu Dực để nhanh chóng bổ sung lực lượng, chuẩn bị cho cách mạng Tháng Tám năm 1945.


Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, tù chính trị Nhà đày Buôn Ma Thuột được giải vây và trở về quê hương, nhưng đồng chí Nguyễn Trọng Ba, đồng chí Nguyễn Lợi, đồng chí Ngô Hàm, đồng chí Phan Kiệm và một số đồng chí khác đã ở lại với dân làng Lạc Giao để cùng nhau chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.



Đồng chí Phan Kiệm, phụ trách Ban cán sự Đảng bộ Đắk Lắk năm 1945, kiêm Trưởng ban Quân sự tỉnh

 

Có thể thấy, mối quan hệ khăng khít, đoàn kết máu thịt giữa nhân dân làng Lạc Giao và tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, họ đã luôn hỗ trợ nhau, giúp đỡ lẫn nhau để chống lại sự áp bức, bóc lột của kẻ thù, cùng nhau sát cánh bên nhau bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Phòng Quản lý và Phát huy Di tích