LƯƠNG HỒNG MINH – CỰU TÙ CHÍNH TRỊ NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT

Nhà đày Buôn Ma Thuột, một địa danh lịch sử gắn liền với những câu chuyện về quá trình học tập, rèn luyện, tinh thần đấu tranh quả cảm của những chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước đến từ các tỉnh Trung Kỳ.

Giai đoạn 1930-1945 đã có 3.855 đồng chí bị đày lên Nhà đày Buôn Ma Thuột, trong đó có cựu tù Lương Hồng Minh. Qua những câu chuyện được thân nhân cựu tù chia sẻ khi về thăm nhà đày, hay trong những cuốn hồi ký, nhật ký của ông, giúp chúng ta hình dung về hình ảnh của một trong rất nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong chốn lao tù vẫn không ngừng đấu tranh để đòi quyền lợi cho đồng đội, đồng chí của mình khỏi những trận đòn roi, lao dịch khổ sai, sự đối xử tàn bạo của chế độ nhà tù thực dân.


Ông Lương Hồng Minh (Lương Phụng Sồ), sinh năm 1906 tại làng Tào Sơn, nay là xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân, mẹ làm ruộng, cha dạy học, nhà có 7 anh em, ông là người sáng dạ nên được cha mẹ cho đi học, năm 10 tuổi ông bắt đầu học chữ quốc ngữ và chữ tây, năm 16 tuổi ông đậu bằng tiểu học và thi đậu vào trường Quốc Học Huế (cả Trung Kỳ có 16 tỉnh có khoảng 200 thí sinh tham gia thi, lấy 40 người, ông xếp thứ 20).



Ảnh chân dung đồng chí Lương Hồng Minh


Năm 1926, ông tham gia bãi khóa ở trường học phản đối chế độ hà khắc của thực dân Pháp đối với sinh viên, cuộc bãi khóa kéo dài hơn một tháng khiến thực dân Pháp phải kiêng nể và khiếp sợ, chúng ra sức đàn áp, lùng sục bắt những người tham gia và ông bị bắt giam trong 3 tháng.


Sau khi ra tù, ông đến gặp cụ Phan Bội Châu, được Cụ hỏi thăm tình hình và ngỏ ý muốn ông ở lại làm thư ký và đặt tên cho ông là “Sĩ Bân”, Cụ nói: “Tôi kỳ vọng anh sau này trở thành người quân tử xứng đáng”. Ông rất vui mừng và nhận lời, hàng ngày ông nghi chép lời Cụ, đọc báo Quốc ngữ cho Cụ nghe, tóm tắt nội dung báo tiếng Pháp để nói cho Cụ biết.


Năm 1927, sau 7 tháng làm thư ký cho cụ Phan Bội Châu, ông xin phép nghỉ và tìm nơi dạy học. Ông được đồng chí Nguyễn Chí Diểu và một đồng chí nữa (sau này được biết đó là Đồng chí Võ Nguyên Giáp) đã giới thiệu ông tham gia vào Tân Việt cách mạng Đảng, với biệt danh “Tùng Lâm” và cử ông sang Lào hoạt động tại một số hầm mỏ, gây dựng cơ sở cách mạng.


Tháng 4/1930, ông và đồng đội được chỉ thị rải truyền đơn, treo cờ búa liềm trong các hầm mỏ và một số công sở của địch, nhưng bị mật thám phát hiện, rất nhiều đồng chí bị sa lưới giặc trong đó có ông. Trong 45 ngày ròng rã, ông và đồng đội bị tra tấn khắc nghiệt, nhưng đòn roi không khuất phục được những chiến sĩ cộng sản, chúng tuyên phạt ông 7 năm 11 tháng tù giam và chuyển đi Nhà đày Buôn Ma Thuột.


Tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, ông kiên cường đấu tranh đòi quyền lợi cho anh em và bị quản ngục tra tấn đánh đập. Trong cuốn nhật ký: “Dưới gốc cây tùng”, ông đã kể lại câu chuyện đấu tranh của mình: “Tôi cùng 30 anh em đi khai phá một khu rừng độ 1.000m2, cách nhà lao 1km, ngày đầu khi hết giờ làm việc chúng bắt chuyển gỗ về lao, cây nhỏ một người vác, cây to hai người khiêng. Ngày sau, tôi cùng với anh em phản đối việc này với lý do là hết giờ làm, tên đội phụ trách liền ra lệnh cho lính xông vào đánh đập. Về đến lao, tôi bị đưa vào bàn giấy, lão Giám binh dùng roi cao su, gân bò tra tấn, đánh dập quần tôi một hồi rất lâu, sau đó chúng cho xiềng tôi lại đưa vào giam ngục tối và còng hai tay hai chân, cơm lạt đưa vào tôi không ăn, đến ngày thứ ba cơm mặn đưa vào tôi cũng không ăn, chiều hôm đó cửa phòng bật mở lão Một đứng ngoài nói vọng vào:


- Tại sao không ăn cơm?


- Bị phạt vô lý có thả ra mới ăn – tôi trả lời.


Từ hôm ấy về sau, cơm mặn tiếp tục đưa vào, buổi sáng thay, buổi chiều thay, ròng rã đến ngày thứ mười hai, chúng cho lính vào tháo cùm, mở còng và khiêng tôi đến một căn phòng và cùm một chân. Tối đến lính canh ngồi gác ngoài cửa, cứ độ nửa giờ lại vào sờ đầu, sờ chân, kiểm tra xem còn thở hay không, có khi anh ta nắm vai tôi lắc và nói: “Khi nào mày chết, bảo tao. Ông dặn!”. Lúc đó, tôi vẫn tỉnh nhưng rất mệt không muốn nhấc tay nhấc chân, thân hình chỉ còn da bọc xương, bên trong quả tim còn thoi thóp đập. Đến ngày thứ mười lăm, cửa phòng mở, giám binh và quản đạo vào thăm, hứa tha phạt và nói: “Dậy ăn khi nào khỏe, thật khỏe rồi đi làm”. Lúc đấy tôi mơ màng nhưng vẫn còn nghe rõ được những lời chúng nói.”

           

Như vậy, sau 15 ngày tuyệt thực để đấu tranh phản đối chế độ lao dịch, cận kề với cái chết, nhưng với tinh thần đấu tranh quyết liệt đồng chí Lương Hồng Minh vẫn không chịu khuất phục, buộc bọn quản ngục phải thoả hiệp.


Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm chính quyền, vì vậy một số tù nhân được mãn hạn tù, trong đó có đồng chí Lương Hồng Minh. Sau khi rời khỏi Nhà đày Buôn Ma Thuột, ông về quê và tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1945, ông tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành chính quyền ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, từ đó hoạt động trong chính quyền cách mạng huyện cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.



Ảnh chụp đồng chí Lương Hồng Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Với công lao to lớn của ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý.




Năm 1997, ông trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà, khép lại chặng đường đấu tranh kiên cường gian khổ, nhưng cũng đầy tự hào của người chiến sĩ cộng sản, người cựu tù chính trị Nhà đày Buôn Ma Thuột kiên cường bất khuất.



Thu Hương