BẢO VẬT QUỐC GIA ĐẦU TIÊN CỦA TỈNH ĐẮK LẮK “SƯU TẬP MŨI KHOAN ĐÁ THÁC HAI”

Tính đến năm 2024, Đắk Lắk đã phát hiện trên 70 địa điểm khảo cổ học, có niên đại cách đây hàng ngàn năm, đã minh chứng cho sự có mặt từ rất sớm của cư dân tiền sử nơi đây. Một nền văn hóa cổ Đắk Lắk với sự phát triển rực rỡ, lan tỏa và giao thoa. Hàng ngàn hiện vật với đầy đủ các loại hình được tìm thấy đã cung cấp một khối lượng tư liệu lớn khi nghiên cứu về lịch sử vùng đất Đắk Lắk. Đây là những hiện vật hội tụ những tinh hoa văn hóa của từng thời kỳ lịch sử, là kết tinh của quá trình lao động, khai phá và không ngừng sáng tạo của người xưa, khẳng định truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời của vùng đất Đắk Lắk, độc đáo và đa dạng trong sự thống nhất.

Trong số ấy, “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” gồm 250 hiện vật, niên đại khoảng 4.000-3000 năm cách ngày nay, mang những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, trở thành sưu tập hiện vật đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” nằm trong số những hiện vật được khai quật trực tiếp tại Di chỉ Thác Hai.

Về di chỉ khảo cổ học Thác Hai

Di chỉ khảo cổ học Thác Hai thuộc địa phận thôn 6, xã Ia J’lơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, được Bảo tàng Đắk Lắk và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp khai quật hai lần, từ năm 2021 đến năm 2022.

Địa hình di chỉ nằm trên một gò đất cao, bên hữu ngạn sông Ea H’leo, với độ dốc thoải dần từ Đông sang Tây, cao hơn xung quanh khoảng 4 - 5m và cao hơn mực nước sông hiện tại khoảng 10 - 15m. Bao quanh ba mặt của gò là sông Ea H’leo và các nhánh phụ của nó. Phần phía Đông của di chỉ, nơi có dòng chính của sông Ea H’leo chảy qua, đã bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện nay, diện tích còn lại có thể nghiên cứu của Di chỉ Thác Hai là khoảng 7.000m2, với sự phân bố khá dày đặc của di tích, di vật từ phần đỉnh gò phía Đông cho tới chân gò phía Tây.

Tầng văn hóa di chỉ dày trên 2m, bên trong chứa các di tích mộ táng, hố đất đen cùng nhiều di vật như: bàn mài, rìu, bôn, bàn đập vỏ cây bằng đá. Đặc biệt, qua hai đợt khai quật, đã thu về gần 3.000 mũi khoan và phác vật bằng các loại đá opal, jasper, silic, phtanite… cùng hàng vạn vảy tước. Với tổng thể di tích và di vật, có thể thấy Thác Hai là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, lại vừa là một công xưởng chế tác mũi khoan đá quy mô lớn. Tính chất định cư lâu dài, ổn định thể hiện rõ qua địa tầng dày khoảng 2m, kèm theo đó là đồ gốm và đồ đá cùng các dấu vết sinh hoạt khác như than tro, hố đất đen. Mộ táng xuất lộ trong mọi độ sâu của tầng văn hóa, loại hình táng thức khá thống nhất. Bên cạnh đó, tính chất công xưởng tại đây lại càng nổi bật hơn do có sự xuất hiện của loại hình mũi khoan với số lượng lớn kèm theo các hiện vật liên quan đến quy trình chế tác như: đá nguyên liệu, hạch đá, mảnh tước, bàn mài, phác vật và cả phế vật…

Thông qua đặc điểm di tích, di vật cùng với các kết quả phân tích niên đại C14, các nhà khảo cổ xác định rằng Di chỉ Thác Hai nằm trong khung niên đại từ khoảng 4.000 năm cho đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay, với hai giai đoạn phát triển sớm muộn khác nhau, trong đó sưu tập mũi khoan được xác định nằm trong khung niên đại khoảng từ 4.000 đến 3.000 năm cách ngày nay.  



Toàn cảnh di chỉ Thác Hai (ảnh chụp từ flycam)



Mũi khoan xuất lộ trong hố khai quật


Công xưởng chế tác mũi khoan đá duy nhất được phát hiện ở Tây Nguyên tính đến nay


Trong tổng thể di tích, di vật phát hiện ở Thác Hai, sưu tập mũi khoan bằng đá giữ vị trí nổi bật, góp phần quan trọng trong việc nhận thức về đặc trưng cũng như giá trị của di chỉ này. Sự xuất hiện với số lượng lớn mũi khoan cùng với các hiện vật đi kèm như hạch đá, mảnh tước, vẩy tước, phác vật, phế vật… là bằng chứng rất rõ ràng về một chuỗi chế tác hoàn chỉnh từ đá nguyên liệu cho đến sản phẩm cuối cùng là mũi khoan. Trước khi phát hiện Thác Hai, ở Tây Nguyên mới chỉ tìm được các công xưởng chế tác rìu, bôn nhưng được chia thành công xưởng sơ chế và công xưởng hoàn thiện, trong khi đó ở Thác Hai là một quy trình hoàn chỉnh từ đá nguyên liệu cho đến thành phẩm.  

Không chỉ cung cấp bằng chứng về một chuỗi chế tác, mà sưu tập mũi khoan đá Thác Hai còn minh chứng cho sự phát triển đỉnh cao trong kỹ thuật chế tác đá ở Tây Nguyên giai đoạn Hậu kỳ Đá mới, với sự hiện diện đầy đủ các kỹ thuật chế tác đá, từ ghè đẽo, tu chỉnh ép cho tới mài, cưa, đánh bóng,… Sự phát triển đỉnh cao về kỹ thuật chế tác đá này là nền tảng để cư dân Thác Hai tiếp thu các thành tựu mới về kỹ thuật của thời đại, phát triển là một trung tâm thủ công của khu vực này vào giai đoạn Sơ kỳ Sắt sớm.

Là một trong năm địa điểm phát hiện mũi khoan ở Việt Nam, tuy nhiên sưu tập mũi khoan đá ở Thác Hai lại có những đặc điểm khác biệt hẳn so với các sưu tập ở bốn địa điểm còn lại. Trong khi các mũi khoan ở Bãi Tự, Tràng Kênh, Bãi Bến và Ba Vũng còn ở dạng phác vật hoặc chỉ được ghè đẽo, tu chỉnh và có kích thước khá lớn, chủ yếu dùng trong kỹ thuật khoan tách lõi, thì những mũi khoan ở Thác Hai lại có kích thước nhỏ, ghè tu chỉnh và mài toàn thân cực kỳ trau chuốt, với mục đích sử dụng để khoan xuyên tâm, chế tác hạt chuỗi. Bên cạnh đó, ở Thác Hai còn có loại mũi khoan với cả hai đầu đều được sử dụng mà các địa điểm Bãi Tự, Tràng Kênh, Bãi Bến và Ba Vũng không hề tồn tại.

Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai được làm từ các loại đá phổ biến ở Tây Nguyên, gồm đá opal, đá silex và đá phtanite. Đây là các loại đá được giới nghiên cứu địa chất học gọi là dòng đá ngọc bích silixit, có độ cứng khá cao, từ 6,5 - 7,5 theo cương giai Mohs, hoàn toàn phù hợp để làm mũi khoan. Đã có 6 mẫu đá được lựa chọn để phân tích thạch học tại Viện Địa chất khoáng sản, kết quả cho thấy các mẫu đá đều thuộc 3 loại đá này.

Đặc điểm nổi bật của sưu tập mũi khoan đá Thác Hai là hầu hết chưa qua sử dụng, do đó nó chính là sản phẩm để xuất đi nơi khác. Điều này gợi mở khả năng tìm hiểu về mạng lưới trao đổi giữa các công xưởng chế tác đá trong thời Tiền - Sơ sử ở Tây Nguyên nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Trong bối cảnh đó, di chỉ Thác Hai với sưu tập mũi khoan đá nổi lên như một điển hình, một trung tâm thủ công nghiệp của thời đại với những minh chứng rõ ràng về một công xưởng lớn chế tác mũi khoan đá tại chỗ.


Một số loại hình mũi khoan, phác vật

 




Một số loại hình gốm sau khi được phục dựng

Những giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa

Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai có những giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa. Những giá trị này có mối quan hệ hữu cơ, không thể tách rời với vị thế của địa điểm khảo cổ học Thác Hai trong bối cảnh khảo cổ học Tây Nguyên thời Tiền - Sơ sử.

Trước hết, với những tư liệu thu thập được, có thể thấy Thác Hai là di chỉ có tầng văn hóa dày nhất ở Tây Nguyên, thể hiện sự cư trú lâu dài và liên tục. Với cảnh quan tự nhiên thuận lợi, là gò đất ven sông cao thoáng, gần nguồn nước và có đất để canh tác, lại tiện giao thông để trao đổi, buôn bán, nên khu vực Thác Hai đã sớm thu hút cư dân cổ đến cư trú và sản xuất. Chính sự ổn định lâu dài này đã góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển kỹ thuật ở Thác Hai, khiến nơi đây trở thành một trung tâm thủ công nghiệp thời Tiền - Sơ sử.

Bên cạnh những giá trị về mặt khoa học kỹ thuật, sưu tập mũi khoan đá Thác Hai còn là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về mạng lưới buôn bán, trao đổi và giao lưu văn hóa ở Tây Nguyên trong giai đoạn Tiền - Sơ sử. Xung quanh Thác Hai, dọc theo dòng sông Ea H'leo, các nhà khảo cổ đã nhận diện được một số địa điểm có đá nguyên liệu, mảnh tước, thậm chí có cả mũi khoan… có nét tương đồng với Thác Hai, mở ra khả năng về sự có mặt của một hệ thống công xưởng tồn tại dọc theo sông Ea H'leo, cung cấp sản phẩm cho các địa điểm Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh ở ven biển phía Đông và các địa điểm khảo cổ ở Campuchia về phía Tây.


Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa trên, có thể thấy, di chỉ khảo cổ học Thác Hai có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nghiên cứu thời Tiền - Sơ sử ở Tây Nguyên và khu vực. Và đặc biệt, bộ sưu tập mũi khoan đá ở đây là những hiện vật gốc, độc bản, độc đáo, điển hình, có niên đại xác thực, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng qua khai quật khảo cổ học, đã trở thành Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Quang Năm, Bảo Trâm