GIÁO DỤC DI SẢN VĂN HÓA GẮN LIỀN VỚI MÔN HỌC LỊCH SỬ ĐỊA LÝ VÀ GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG

Trong những năm gần đây, Bảo tàng Đắk Lắk luôn chú trọng triển khai các chương trình giáo dục với chất lượng ngày càng cao, hướng tới phục vụ đối tượng học sinh thuộc các cấp học, bám sát vào chương trình Giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là bộ môn Lịch sử Địa lý và Giáo dục địa phương.

Đối với môn Lịch sử Địa lý, Bảo tàng Đắk Lắk thiết kế “Giờ học lịch sử” bằng các bài giảng điện tử lồng ghép với các hoạt động đố vui để học theo chủ đề hay các buổi sinh hoạt chuyên đề; đồng thời kết hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm thú vị, bổ ích, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục tại bảo tàng và trường học. Mỗi chủ đề có thời lượng tương ứng với một tiết học (45 phút), nội dung sinh động, gần gũi, lồng ghép các tư liệu quý, giúp học sinh dễ dàng chiếm lĩnh kiến thức liên quan đến môn học như: Tìm hiểu về vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, phân bố dân cư, dân tộc, đến những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử cụ thể, vừa trong tổng quan chung về tiến trình lịch sử, vừa gắn liền với vùng đất và con người địa phương.



Chương trình giáo dục trải nghiệm “Em làm chiến sĩ” tại Bảo tàng Đắk Lắk

Theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, tại tỉnh Đắk Lắk môn học Giáo dục địa phương được triển khai đến các trường học trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Bảo tàng Đắk Lắk xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa, gồm các nội dung liên quan đến bộ môn Giáo dục địa phương gắn với hiện vật và trưng bày của bảo tàng, tạo nên sự liên kết với các đơn vị trường học trong việc bổ trợ kiến thức, củng cố nội dung môn học; đồng thời, tạo không gian trải nghiệm ngoài lớp học đầy thú vị, bổ ích, khơi gợi lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc cho học sinh.

Đặc biệt, các chương trình giáo dục di sản văn hóa của Bảo tàng Đắk Lắk có sự tham gia của các chủ thể văn hóa, đó là những nghệ nhân đến từ các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như: Nghệ nhân làm gốm, nghệ nhân chế tác nhạc cụ, nghệ nhân hát Then,… Sự kết nối giữa bảo tàng, chủ thể văn hóa với thế hệ trẻ đã tạo nên không gian giao lưu văn hóa sinh động, thiết thực và hiệu quả cho các thế hệ, giúp giới trẻ tìm hiểu và nhìn nhận được các giá trị văn hóa của dân tộc một cách sâu sắc, rõ nét nhất.

Trong tháng 4/2024, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức một chương trình giáo dục di sản văn hóa đầy ý nghĩa, với chủ đề “Nghề làm gốm quê em”cho học sinh tại Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Lắk. Chương trình có sự tham gia của bà H’Phiết Uông, nghệ nhân lớn tuổi nhất đang duy trì nghề làm gốm của người M’nông R’lăm tại Buôn Dơng Bắc, xã Yang Tao, huyện Lắk. Đối với các em học sinh, đây là một chương trình vô cùng đặc biệt, bởi huyện Lắk là một địa phương nổi tiếng với nghề làm gốm truyền thống của người M’nông Rlăm ở xã Yang Tao, nhưng các em mới chỉ nghe qua lời kể của ông bà, cha mẹ hay trên sách vở, chưa từng đến làng gốm và xem các nghệ nhân tạo ra các sản phẩm gốm truyền thống.  


Với chủ đề “Nghề làm gốm quê em”, chương trình giáo dục kết hợp trải nghiệm di sản văn hóa, gồm các hoạt động hấp dẫn liên quan đến quy trình làm gốm: học sinh tham gia trò chơi “Gùi đất về buôn”, “Lấy nước về buôn” để giành phần thưởng về nguyên liệu. Sau đó, là các hoạt động “Làm gốm cùng nghệ nhân” với sự hướng dẫn của nghệ nhân H’Phiết Uông (Yo Khoanh) và H’Lưm Uông (Mí Kim) đã tạo nên không khí sôi nổi, hào hứng, vui tươi. Các em học sinh tích cực tham gia các hoạt động, phát biểu ý kiến, khéo léo đề xuất ý tưởng để tạo ra các sản phẩm gốm thô, hăng hái tham gia các phần thi trang trí, thuyết trình, từ đó chiếm lĩnh kiến thức một cách tự nhiên, thực tế, sinh động.



Học sinh tham gia trò chơi “Lấy nước về buôn”




Làm gốm cùng nghệ nhân


Cô Nguyễn Thị Thùy Diễm - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Lắk chia sẻ: “Chương trình đã đem lại cho các em học sinh những trải nghiệm tuyệt vời khi được tận mắt thấy nghệ nhân trình diễn và trực tiếp tham gia vào quá trình nặn gốm, tạo ra sản phẩm, giúp các em có những kiến thức bổ ích, thêm yêu và tự hào về nghề thủ công truyền thống, từ đó nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp tại địa phương nơi mình sinh sống”.



Nguyễn Thị Thùy Diễm, Hiệu trưởng trường Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Lắk phát biểu tại chương trình


Với những cách làm hay, sáng tạo, gắn liền với thực tiễn, các chương trình giáo dục di sản văn hóa tại Bảo tàng Đắk Lắk đã tạo ra một sân chơi tri thức, không gian trải nghiệm ngoài lớp học đầy thú vị, kích thích sự say mê, tìm tòi và khám phá của học sinh.




GDTT