CHỦ ĐỀ NGÀY QUỐC TẾ BẢO TÀNG NĂM 2023 VÀ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2023, ngày 12/4/2023 Cục Di sản văn hóa đã ban hành Công văn số 297/DSVH-QLBT&DSTL về định hướng hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2023 cho các đơn vị trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.

1. Chủ đề của Ngày Quốc tế bảo tàng 2023: “Bảo tàng, Tính bền vững và An sinh” (Museums, Sustainability and Wellbeing).

Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2023 là dịp để tái khẳng định bảo tàng có sức mạnh để biến đổi thế giới xung quanh chúng ta. Như đã nhấn mạnh trong Nghị quyết ICOM “Về tính bền vững và thực hiện Chương trình nghị sự 2030, Chuyển đổi thế giới của chúng ta” (Kyoto, 2019), tất cả các bảo tàng đều có vai trò định hình, tạo ra tương lai bền vững và có thể thực hiện điều này thông qua các chương trình giáo dục, trưng bày, tiếp cận cộng đồng và nghiên cứu.

Từ năm 2020, kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng hàng năm đều hướng tới hỗ trợ một số mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, theo đó, năm 2023 ICOM sẽ tập trung các hoạt động vào những mục tiêu sau:

Mục tiêu 3 - Sức khỏe và Hạnh phúc toàn cầu: Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho mọi người, ở mọi lứa tuổi, đặc biệt liên quan đến sức khỏe tinh thần và sự cô lập xã hội.

Mục tiêu 13 - Hành động vì khí hậu: Thực hiện hành động khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó, áp dụng các biện pháp carbon thấp ở Bắc bán cầu và các chiến lược giảm thiểu ở Nam bán cầu.

Mục tiêu 15 - Sự sống trên đất liền: Bảo vệ, khôi phục và thúc đẩy việc sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên đất liền, tăng cường sự ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo địa phương và nâng cao nhận thức về sự mất mát của đa dạng sinh học.


Bảo tàng là một trong những thiết chế văn hóa đóng góp quan trọng cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững của cộng đồng. Bảo tàng là một trong các tổ chức văn hóa đáng tin cậy và cũng là nơi chia sẻ các chủ đề quan trọng của xã hội, gia tăng giá trị của kiến thức và thúc đẩy sự thay đổi tích cực của xã hội. Có nhiều cách mà các bảo tàng có thể đóng góp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững: từ hỗ trợ hành động vì khí hậu và thúc đẩy tính toàn diện đến giải quyết tình trạng cô lập xã hội và cải thiện sức khỏe tinh thần.



2. Hướng dẫn của ICOM


2.1. Đối với thành viên ICOM

- Chủ động cập nhật thông tin về các hoạt động của ICOM, hội nghị chuyên đề trực tuyến, tài liệu tham khảo chuyên ngành… tại tài khoản ICOM đã được cấp.

- Tham gia vào các ủy ban chuyên ngành của ICOM để cùng thảo luận, chia sẻ các thông tin chuyên ngành theo lĩnh vực đã đăng ký.

- Tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác do ICOM bảo trợ, chủ động nghiên cứu, xây dựng hồ sơ xin học bổng đào tạo chuyên môn và tài trợ hợp tác theo hướng dẫn của ICOM (hướng dẫn tại tài khoản ICOM đã được cấp).

- Đẩy mạnh giới thiệu hoạt động của bảo tàng tới cộng đồng quốc tế bằng cách chia sẻ thông tin về các sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng của đơn vị với ICOM, cho phép ICOM đưa tin tức hoạt động này trên trang thông tin của ICOM và các đối tác.

 - Nộp phí niên liễm đầy đủ và đúng hạn

2.2. Đối với các bảo tàng

ICOM khuyến khích các bảo tàng thể hiện vai trò như là các đại sứ của Ngày Quốc tế bảo tàng. Mục tiêu của Ngày Quốc tế bảo tàng là nâng cao nhận thức về thực tế rằng “bảo tàng là một phương tiện quan trọng để trao đổi văn hóa, làm giàu văn hóa và phát triển sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và hòa bình giữa các dân tộc”. Thông qua các hoạt động do bảo tàng tổ chức và mối quan hệ gắn kết, lâu dài giữa bảo tàng với công chúng, sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng được tổ chức thành công nhiều năm qua. Ngoài các hoạt động theo kế hoạch, việc tham gia Ngày Quốc tế bảo tàng là dịp để các bảo tàng thể hiện:

- Thúc đẩy quan hệ đối tác với các trường học, hiệp hội nghề nghiệp khác, thư viện, bảo tàng khác, v.v. để quảng bá sự kiện của bảo tàng và củng cố mối liên kết của bảo tàng với các tổ chức có cùng mục tiêu;

- Vận động cho vai trò của bảo tàng trong xã hội bằng các hoạt động hiệu quả để chính quyền địa phương, khu vực và quốc gia biết về các hoạt động của bảo tàng và tại sao bảo tàng lại quan trọng đối với công chúng;

- Quảng bá thông tin về Ngày Quốc tế bảo tàng thông qua báo chí địa phương, phương tiện truyền thông xã hội và các trang thông tin trực tuyến của bảo tàng và các đơn vị bạn;

- Đạt được tầm nhìn quốc tế về các hoạt động của bảo tàng bằng cách chia sẻ thông tin về các sự kiện Ngày Quốc tế bảo tàng của đơn vị với ICOM, cho phép ICOM quảng bá thông tin hoạt động này trên toàn mạng lưới của ICOM và rộng rãi hơn nữa với các đối tác của ICOM.

ICOM cũng định hướng một số nội dung cho các hoạt động của bảo tàng nhân dịp Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2023, cụ thể như sau:

+ Tổ chức Hội thảo/Tọa đàm về chủ đề Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2023. Đối tượng tham gia hướng tới công chúng tham quan của bảo tàng, sinh viên, học giả hoặc các chuyên gia từ các bảo tàng khác. Khuyến khích sự đa dạng của các diễn giả tham gia thuyết trình hội thảo, tọa đàm.

+ Ngày Quốc tế bảo tàng là dịp lý tưởng để phân tích, đánh giá hoạt động của bảo tàng từ góc độ gắn kết cộng đồng, sự hiện diện kỹ thuật số và tính bền vững. Đánh giá công tác quản lý và kế hoạch hoạt động của bảo tàng, nghiên cứu điều chỉnh kế hoạch, hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động cho những năm tiếp theo.

+ Đa dạng hình thức quản lý, giới thiệu di sản văn hóa trên các trang mạng xã hội, tạo không gian mới, hình thức mới cho các trang mạng xã hội của bảo tàng. Khuyến khích sự tương tác tới các trang mạng xã hội của bảo tàng từ các nghệ sỹ, người có ảnh hưởng trên không gian mạng; khuyến khích chia sẻ ý kiến về bảo tàng, những nội dung mà bảo tàng và công chúng cùng quan tâm từ những người có ảnh hưởng trong xã hội.

+ Bảo tàng thể hiện sự cam kết trong việc giải quyết biến đổi khí hậu bằng cách tham gia mạng lưới di sản khí hậu, với mục đích hỗ trợ các cộng đồng đạt được các mục tiêu khử cacbon và các tham vọng khác của Thỏa thuận Paris (thỏa thuận tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2015 trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu).

+ Gia tăng các ứng dụng công nghệ để tăng cường giới thiệu các hoạt động của bảo tàng lên không gian mạng, từng bước thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số.

+ Hợp tác với các bảo tàng khác để tổ chức các thảo luận chuyên ngành quy mô nhỏ, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, khuyến khích sự tham gia của nhiều địa phương, gồm cả những vùng xa. Chủ đề có thể là các tiểu chủ đề gắn với nội dung các bên cùng quan tâm, hình thức trực tuyến giúp việc tham gia nhiều hơn của các đơn vị tại các địa phương xa.

3. Định hướng hoạt động của các bảo tàng ở Việt Nam

- Chủ động nghiên cứu chủ đề của ICOM năm 2023 để triển khai các hoạt động trưng bày, giáo dục di sản văn hóa và truyền thông của bảo tàng.

- Tăng cường công tác chuyển đổi số trong các hoạt động của bảo tàng, từ nghiên cứu, sưu tầm đến trưng bày, giáo dục di sản văn hóa và truyền thông quảng bá. Nghiên cứu ứng dụng đa dạng các loại hình công nghệ có thể ứng dụng trong trưng bày giới thiệu di sản văn hóa, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ trong thời gian tới.

- Chủ động sử dụng truyền thông mạng xã hội kết hợp với các trang thông tin trực tuyến và các hình thức truyền thông khác để giới thiệu các hoạt động, nội dung trưng bày của bảo tàng hiệu quả, đúng qui định.

- Thực hiện các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa, năm thứ nhất (2022 -2023) (Kèm theo Quyết định số 2752/QĐ-BVHTTDL, ngày 31/10/2022 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thuộc khuôn khổ Chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2022 - 2026 (Chương trình số 217/CTr-BGDĐT-BVHTTDL, ngày 04/3/2022).

Hưởng ứng chủ đề Ngày Quốc tế bảo tàng 2023, Bảo tàng Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch số 25/KH-BT, ngày 06/5/2023 về tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản văn hóa nhân ngày Quốc tế bảo tàng 18/5 và kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), trong đó:

Nội dung 1: Tổ chức hoạt động “Giờ học lịch sử trực tuyến” với chủ đề Tấm gương giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minhcho các em học sinh Trường Trung học cơ sở Ngô Mây và Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (huyện Cư M’gar).

Hình thức: Trực tuyến trên nền tảng Google Meet.

Thời gian: 08 giờ 00 – 11 giờ 00, ngày 10/5/2023 và ngày 12/5/2023.

Hoạt động này nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chưa có điều kiện đến tham quan trực tiếp tại Bảo tàng Đắk Lắk có cơ hội tìm hiểu và có thêm kiến thức về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nội dung 2: Tổ chức hoạt động trải nghiệm “Café Ban Mê”.

Hình thức: Mời các nghệ nhân Êđê đến từ Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (Buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) hướng dẫn, trình diễn cho khách tham quan và học sinh về quy trình chế biến và cách thức pha chế cà phê truyền thống. Trong chương trình này, khách tham quan và học sinh sẽ được thưởng thức cà phê vừa được pha chế và dùng thử một số sản phẩm được trưng bày tại gian hàng đặc sản cà phê.

Thời gian: 08 giờ 00 – 11 giờ 00, ngày 17/5/2023 tại Bảo tàng Đắk Lắk.

Bên cạnh còn có các hoạt động: Tham quan không gian trưng bày Đa dạng sinh học và tham gia trò chơi Thử sức tranh tài qua trả lời vấn đáp nhanh, thi thuyết trình về chủ đề cà phê; trải nghiệm Nghệ thuật đến từ cà phê thông qua việc tạo ra các sản phẩm lưu niệm từ hạt cà phê và các nguyên vật liệu đi kèm; Tham gia cuộc thi ảnh Khoảnh khắc trong em để ghi lại những kỷ niệm đẹp với chương trình.

Thông qua các hoạt động trải nghiệm “Café Ban Mê”, Bảo tàng Đắk Lắk mong muốn là nơi kết nối giữa cộng đồng với các chủ thể văn hóa, mang lại những trải nghiệm về các giá trị truyền thống tốt đẹp cho cộng đồng.

Thực hiện tiêu chí lấy khách tham quan nói chung và học sinh nói riêng làm trung tâm của hoạt động, chương trình có hình thức đa dạng và hấp dẫn; nội dung truyền đạt phong phú, chính xác và mang tính giáo dục cao; gắn liền nội dung trưng bày của Bảo tàng Đắk Lắk và gắn với mục tiêu giáo dục của các trường học. Bảo tàng Đắk Lắk hy vọng sẽ tạo được không gian hấp dẫn cho khách tham quan, đặc biệt là các em học sinh thông qua các trải nghiệm thú vị và bổ ích.


GDTT