CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG CỦA TÙ CHÍNH TRỊ TẠI NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT

Đến tham quan dãy Nhà bếp của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, khách tham quan có thể nghe những câu chuyện về một nơi không cần đến súng gươm, mà chỉ dựa vào chế độ ăn cũng có thể khiến tù nhân chết dần chết mòn.

Dưới thời của tên quản ngục Moshine, tù nhân và lính canh ở khu nhà bếp thường được “chọn lựa” kỹ lưỡng, đó là những người mang trong mình các căn bệnh truyền nhiễm, với ý đồ lây bệnh cho tù nhân qua đường thức ăn.







Khách tham quan khu Nhà bếp


Nhà tù thực dân hà khắc và tàn độc với chế độ “15 ngày ăn nhạt, 15 ngày ăn mặn”, tức là 15 ngày đầu chỉ có cơm trắng với nước lã hoàn toàn không có thức ăn, sau 15 ngày chuyển qua ăn mặn “cơm trộn sạn, cá pha dòi”. Cá khô là loại cá chỉ còn da, xương và dòi; gạo nát, vừa mốc, vừa hôi như vậy mà mỗi bao gạo trộn thêm một kí lô sạn để nấu cho tù nhân ăn. Chế độ ăn uống hà khắc khiến tù nhân mắc rất nhiều căn bệnh: bệnh phù thũng, tiêu chảy, kiết lị; cùng với đòn roi tra tấn, lao động khổ sai, bệnh sốt rét đái ra máu,… đã cướp đi sinh mạng của những chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.



Khi ăn cơm, mỗi nhóm tù nhân gồm bốn người, ngồi dưới đất vây quanh thúng cơm nát. Buôn Ma Thuột là vùng đất đỏ mùa mưa lầy lội, trời nắng hanh khô gió bụi, gặp phải cơn gió nổi lên thì cơm canh nhuộm màu đất đỏ, nếu loại bỏ chỗ bụi bẩn đi thì không còn gì để ăn, người tù đành ăn những hạt cơm bẩn đó để duy trì sự sống.

Theo nội quy của quản ngục, phạm nhân chỉ được cho 10 phút để ăn cơm, mỗi bữa ăn của người tù diễn ra nhanh chóng, tất cả đều thực hiện phương pháp “đơn giản nhai mà tăng cường nuốt” để kịp thời gian.

 

Đối với tù nhân, rau xanh là một món ăn xa xỉ, bởi mỗi bữa ăn chỉ có canh bí đỏ - loại bí đưa từ Nha Trang lên, mười quả hỏng cả mười, khi nấu cũng không loại bỏ chỗ thối, chỗ hỏng mà để vậy nấu cho tù nhân ăn. Vì vậy, khi lao động khổ sai tại các công trường trở về, dọc đường thấy cây rau dền gai, anh em bèn chạy đến hái, cẩn thận dắt vào lưng quần để lính canh không bị phát hiện. Rau được bỏ vào trong vỏ lon sữa bò, thêm hai phần nước và xin nhà bếp vài hạt muối, bí mật đặt bên cạnh bếp lò. Khi ngồi ăn, họ đem giấu bên thúng cơm, rồi đổ vội vào bát ăn. Nếu không may bị những tên lính phát hiện, món quý giá ấy không những bị quăng ra sân, mà các anh em còn bị đánh và đưa vào ngục tối chịu phạt.



Quyền được sống, quyền được đối xử bình đẳng là một trong những quyền tối thiểu của con người. Hành trình trở về “địa chỉ đỏ”, mở những trang kí ức của thời gian, chúng ta càng thêm biết ơn và trân trọng cuộc sống hiện tại. Biết ơn những hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ đi trước để chúng ta có được cuộc sống hòa bình, tự do như ngày hôm nay.

Hạnh Trinh