ĐÔI ĐIỀU VỀ TÊN GỌI THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT

“Thành phố” chủ yếu được dùng để chỉ một khu định cư đô thị có dân số lớn. Mặc dù không có thỏa thuận hay giới hạn nào về cách phân biệt một thành phố với một thị trấn trong phạm vi ý nghĩa ngôn ngữ, nhiều thành phố đều có một cơ chế hành chính, pháp lý và vị thế lịch sử khác nhau.


Có rất nhiều cách gọi tên thành phố: Về loại hình đơn vị hành chính, có các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố...Về tên gọi theo du lịch, hoa mỹ thì có thành phố hoa, thành phố biển, thành phố trà, thành phố cà phê, thành phố buồn, thành phố trẻ... Đặc biệt, ở nước ta, có 2 thành phố mang tên người: một là thành phố mang tên vị lãnh tụ của dân tộc ta Hồ Chí Minh thì đã rõ và hai là tên một vị tù trưởng vang bóng một thời Ama Thuột (cha ông Thuột). 



Bia mộ bà H’Griêk (Aduôn Dlông) - vợ hai của Ama Thuột

 

Vậy tên thành phố Buôn Ma Thuột này có từ khi nào và vì sao lại mang tên ông? Một thành phố được cho là hơn trăm năm tuổi mà cái tên đi cùng năm tháng ấy vẫn hư hư, thực thực, có yếu tố huyền thoại được chắt lọc qua những thông tin ít ỏi mà một số các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm tâm huyết, dày công tìm kiếm được. Lần tìm về ký ức, thành phố Buôn Ma Thuột có rất nhiều tên gọi khác nhau qua từng thời kỳ như: Ban mé thuột, Ban mê thuột, banméthuôt, buôn mê thuột, ban mê thuật, buôn mê thuật, Bản Mế Thuột, Bản Mế Thuật, Buôn Ma Thuộc, Buôn Ma Thuật, Ban Mê Thuộc - Ban Mê Thuật, buôn mê, banmé, panmé, và có những tên gọi thân thương của người dân theo cách suy luận từ 3 chữ cái đầu BMT như: Buồn muôn thuở, Bụi mù trời, Bông màu tím và cả Bánh mì thịt... 



Dòng họ bà H’Griêk (Aduôn Dlông) bên mộ

 

Từ những tài liệu của người Pháp lưu trữ lại chúng ta biết được rằng: Trước khi Darlac tách khỏi Lào để trở về lại Việt Nam (22-11-1904); ngay từ năm 1901, tên “Ban-méthuot” đã thấy xuất hiện trên văn bản hành chánh của người Pháp [1] và thủ phủ (chef-lieu) của Tỉnh Darlac đã là Ban-méthuot vào năm 1905 [2].


Bản đồ Ban Mê Thuột 1905 nguồn Thư viện Quốc gia Pháp

(Bibliothèque nationale de France)


Nếu viết theo tiếng Rhadé thì tên của buôn này sẽ là Buôn Ama/Ma Thuôt (Làng của cha Mr. Thuôt) nhưng trong và ngay sau thời gian bị ghép vào Lào (1893 - 1904) tên này đã bị Lào hóa thành Ban-Mé-Thuot (Làng của thủ lĩnh Thuôt), tức là đã khác ý nghĩa của dân bản địa Rhadé ban đầu.


Sau khi tách khỏi Lào hơn hai chục năm, đến năm 1923. tên Buôn-Ma-Thuot/Thuột mới thấy xuất hiện trong một số văn bản hành chánh; nhưng theo thói quen cũ và do dễ ký âm hơn, nên tên Ban-Mé-Thuot vẫn được Pháp sử dụng nhiều hơn.


Trong năm 1923 có tài liệu về việc bổ nhiệm nhân sự cho Tòa Luật tục Darlac (Tribunal Indigène au Darlac) ghi rõ: “Sont nommés Assesseurs: Y Tuôp dit Ma Bok chef de Buôn-Ma-Thuot. Y Hiet dit Ma Bli notable de Buon-Ma-Thuot; Y Thuot chef de Buon-Niêng...” có nghĩa là có một người tên Y Thuột làm trưởng buôn Niêng


Đến thời Đệ nhất Cộng Hòa (1955), do chủ trương Việt hóa triệt để, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho chính thức sử dụng tên Ban-Mê-Thuột. Tên này vẫn được sử dụng tại miền Nam cho đến 1975.


Trong quá trình tìm kiếm, sưu tầm tài liệu thông tin trên website của thư viện quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France, BNF) chúng tôi có tìm được:


Trong sách: Les Annales Politiques et Litteraires, No. 2358 - 15 Mai 1930, tác giả viết: “C'etait un personnage que ce Ma Thuot sa paillote etant la plus longue du village ce qui denote la richesse les premiers francais qui traverserent la region don nerent tout naturellement son nom a qui allait devenir la capitabe du Darlac: Ban Methuot autrement dit: ville du pere de Thuot, puisque dans ce curieux pays, ce sont les enfants qui don nent leur nom aux parent.”


Tạm dịch: “Đó là một đặc điểm của Ma Thuột này, ngôi nhà dài nhất trong làng, biểu thị sự giàu có, mà những người Pháp đầu tiên vượt qua vùng này đã tự nhiên đặt tên cho nó để trở thành thủ phủ của Darlac: Nói cách khác là Ban Methuot: là thị trấn của cha thằng Thuot, vì ở xứ kỳ lạ này, chính con cái đặt tên cho cha mẹ.”


Theo mô tả của Dorgelès R. (1924) và Monfleur A. (1930) thì Ban-mé-thuot là một buôn Rhadé ở ngay vị trí Buôn Alê A hiện nay.


Trong sách Route des Tropiques của Roland Dorgeles, Nxb Aubin Michel (1944). Có viết: “Ce Ma Thuot, de la tribu des Rhadés Kpa était avant l'occupation francaise, chef d'un village sans nom qui dressait ses paillotes au bord de l'Ea Tam. Les premiers explorateur qui campèrent dans ce hameau. l'appelèrent tout naturellement Ban Me Thuot, ce qui veut dire Village du père de Thuot, et c'est grace à eux que ce sauvage aura légué son nom à la postérité.”


Tạm dịch: “Ông Ma Thuột này, thuộc bộ tộc Rhade Kpa, trước khi Pháp chiếm đóng, là trưởng một làng vô danh dựng chòi bên bờ suối Ea Tam. Những nhà thám hiểm đầu tiên đóng trại tại ngôi làng này đã tự nhiên gọi nó là Ban Mê Thuột, có nghĩa là làng của cha đẻ của Thuột, và chính nhờ họ mà người này sẽ để lại tên của mình cho hậu thế.”[13].



Điền dã, điều tra về Ama Thuột tại buôn Alê A


Trước đây, những tài liệu, thông tin liên quan đến Buôn Ma Thuột hay Đắk Lắk rất hiếm. Chủ yếu tìm qua nguồn internet không đáng tin cậy, hoặc do cán bộ sưu tầm đi điền dã ghi chép qua lời kể của nhiều người già trong buôn làng. Sau này có điều kiện hơn, tìm tòi nhiều hơn trên website của thư viện quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France, BNF) được tiếp cận với nhiều tài liệu đáng tin cậy hơn nhưng vẫn bị nhiều hạn chế vì rào cản ngôn ngữ. Cán bộ sưu tầm phải dùng google dịch để phần nào hiểu được các thông tin cần thiết và sưu tầm nên công việc rất vất vả.


Gần đây rất mừng có một người con của Thành phố Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh (một sự trùng hợp ngẫu nhiên, thú vị về 2 thành phố mang tên người) đã dày công tìm kiếm qua nhiều nguồn khác nhau để sưu tầm được 2 cuốn sách quý từ nước ngoài và tặng cho Bảo tàng Đắk Lắk:


(1). Les Annales Politiques et Litteraires, No. 2358  - 15 Mai 1930.


(2). Route des Tropiques của Roland Dorgeles, Nxb Aubin Michel (1944).


Cả 2 tài liệu này đều có bài viết về lễ tang cụ Ama Thuột (3/1924). Hiện nay, Bảo tàng Đắk Lắk đang sở hữu những tài liệu viết về người tù trưởng vang danh một thời và thành phố mang tên người thứ 2 ở Việt Nam. Những tài liệu quý giá này, phần nào minh chứng được Thành phố Buôn Ma Thuột bắt nguồn từ đâu và vì sao có thành phố mang tên Buôn Ma Thuột. Và cũng để phần nào giải thích những yếu tố huyền thoại, hư hư thực thực trước nay, để trả lại giá trị tin cậy của nó. Những tài liệu này là nguồn sử liệu rất quan trọng và đáng tin cậy để mọi người có nhu cầu tìm hiểu, tham khảo và nghiên cứu./.




Tài liệu tham khảo

[1] Bouvard P. (1917), Le Lang-Bian (Indochine Française), sanatorium et chasses. Nouveau guide illustré, avec texte anglais-français, pp. 51-53.

[2] Saint-Arroman, Raoul de (1896), Chez les Moïs, dans Les missions françaises, pp. 155-245. [3] Dorgelès R. (1924), Tombeau de la Race Moï, Les Annales Politiques et Littéraires, No 2358, 15-5-1930, pp. 481-485.

[4] Dorgelès R. (1924), Tombeau de la Race Moï (1924), Ch. VI, Route des Tropiques, Édt. 1944, Albin Michel – Paris, pp. 130-148.

[5] Doumer P. (1901), Situation de l'Indochine française de 1897 à 1901, p. 455.

[6] Joann L. Schrock et als (1966), Minority Groups in the Republic of Viet Nam, pp. 711-712 (Footnote 16).

[7] Lechesne P. (1924), L'Indochine seconde. Régions Moïs (Kontoum-Darlac), p. 13.

[8] Lortat Jacob R.A. (1927), Sauvons l'Indochine! Politique et Vérité, pp. 85-91.

[9] Maillot L. (1927), Les aspirations Moïs, Autour d'un scandale colonial, Le Darlac, pp. 44-46. [10] Monfleur A. (1931), Monographie de la Province du Darlac 1930. Imprimerie d’Extrême-Orient, Ha Noi, 1931, p. 17

[11] Padaran P. (1902), Les possibilités économiques de l'Indo-Chine. Paris, 1902. p. 21.

[12] Tournier (1901), Bulletin Économique de l'Indo-Chine No. 34, 01 Avril 1901, pp. xxx-xxx.

[13] Bulletin Administratif de l’Annam (B. A. Ann.), 1923, No. 21, pp. 1366-1367.

[14] Bulletin Administratif de l’Annam (B. A. Ann.), 1934, No. 1, pp. 506-528.

[15] Situation de L’Indochine, Rapport par Gouverneur Général M. Paul Doumer (1887-1901): trang 455

[16] AGI 1905, trang 288 -Annuaire Genéral de l’Indochine Francaise 1905, trang 925







Ama No