CHIẾC MŨ CỦA THẦY MO MƯỜNG PI

Đối với các Mo (thầy cúng) Mường Pi, chiếc mũ đóng một vai trò quan trọng, có hai loại mũ: mũ tầu cân (còn gọi là mũ đồng cân hay mũ đuôi én) và mũ pọo păng (vỏ măng). Tùy theo tính chất của buổi lễ và địa vị gia chủ mà Mo sẽ đội loại mũ phù hợp.

Mũ tầu cân (mũ đuôi én): Dùng trong dịp cúng đình, tang lễ hay cúng bàn thờ của các gia đình quý tộc (họ Đinh, Quách), chỉ Mo Mường Pi và Mường Thàng mới được đội mũ này.

Mũ được thêu bằng chỉ kim tuyến với họa tiết sắc sảo, phía trên có hình con dơi, ở giữa là hình mặt trời, phía bên dưới là hình con rồng.



Mũ tầu cân



Trang phục của Mo Mường Pi, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột


Theo lời kể của những người già, ngày trước, có rất nhiều người Mường Pi làm quan lớn trong triều đình vì vậy mũ tầu cân có hình dáng giống với mũ của các quan khi vào chầu vua.


Lại có chuyện kể rằng, Chánh Thàng là một vị quan văn võ song toàn ở vùng Tân Lạc, được nhà vua gả con gái yêu (bà Chúa Nguyệt) và ban cho kiếm lệnh để cai quản xứ Mường. Xa con gái đã lâu, nhà vua nhớ con nên sai sứ giả triệu phò mã và công chúa về kinh. Khi sứ giả tới, ông Chánh Thàng đang ngủ, trước mặt sứ giả và lính hầu, bà Chúa Nguyệt dùng chân lay chồng dậy. Nhận thấy thái độ thiếu tôn trọng của bà Chúa Nguyệt, ông Chánh Thàng rút kiếm chém đứt đầu vợ rồi về kinh chịu tội. Dù đau lòng trước cái chết của con gái nhưng khi biết rõ đầu đuôi câu chuyện, nhà vua không những không xử tội chết phò mã mà còn ban thưởng để làm gương cho muôn dân.


Đám tang của bà Chúa Nguyệt được tổ chức tại xứ Mường nhưng không thầy Mo nào dám cúng đám tang bà, người ta bèn nhờ một viên quan văn cúng cơm và làm lễ. Từ khi bà Chúa Nguyệt mất, trong tang lễ của những nhà quý tộc, thầy Mo đội mũ tầu cân như vị quan văn nọ.


Mũ pọo păng (vỏ măng): Có màu xanh hoặc đen (đa số là màu đen), dùng cho thầy Mo đội trong đám tang của nhà thường dân (họ Bùi).


Mũ pọo păng


Tại Đắk Lắk, thầy Mo tuy không còn nhiều nhưng vẫn giữ vai trò khá quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mường. Mo Mường lưu giữ những giá trị văn hóa, gắn liền với các nghi lễ của gia đình, dòng họ, tạo ra nét đặc sắc của những cư dân nhập cư trên cao nguyên Đắk Lắk.

GD&TT