K’PAN – CHIẾC GHẾ DÀI ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

K’pan (ghế dài) được làm bằng cách khoét, đẽo từ một thân gỗ dài, nguyên khối, chân và mặt ghế liền nhau, mang hình dáng cong như con thuyền. Đối với người Êđê, K’pan không chỉ là biểu tượng cho sự giàu có, quyền thế, thể hiện tính đoàn kết cộng đồng mà còn mang ý nghĩa tâm linh, là nơi dành cho các nghệ nhân ngồi đánh chiêng, truyền tải những thông điệp của con người tới các thần linh.

K’pan của ông Y Čăn Buôn Yă, buôn Kmrơng Prŏng B, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột (Bảo tàng Đắk Lắk sưu tầm năm 1997).

 

Quá trình làm K’pan

Đối với người Êđê, K’pan có hồn và rất thiêng, vì thế trong quá trình làm K’pan có nhiều quy định, kiêng cữ. Họ theo chế độ mẫu hệ nên việc tìm và chặt cây phải được bàn định trước với gia đình bên vợ. Chủ nhà sẽ mời anh em bên vợ và ông trưởng họ họp bàn trước. Được sự đồng ý, chủ nhà chọn một người cao tuổi có kinh nghiệm bên anh em nhà vợ làm trưởng đoàn và những chàng trai khỏe mạnh trong buôn vào rừng chọn cây gỗ tốt để làm K’pan.

Trước khi vào rừng tìm cây, chủ nhà phải cúng một lễ nhỏ gồm một gà, một ché rượu, xin các thần linh cho phép những người này được vào rừng thiêng tìm cây gỗ.

Cây gỗ được chọn làm K’pan phải thẳng, to bằng 3 đến 4 người ôm, không có kiến đục, chim và ong làm tổ hay thú rừng ẩn nấp. Cây phải mọc gần bờ sông để thuận lợi cho việc vận chuyển.

Khi gặp được cây vừa ý, trưởng đoàn đẽo một mảnh vỏ cây dài khoảng một gang tay đem về giao cho chủ nhà. Chủ nhà sẽ cúng thần bằng một ché rượu, một con gà trống và mảnh vỏ cây, xin phép các thần cho được chặt cây này về làm K’pan. Sau lễ cúng, nếu chủ nhà nằm mơ thấy những điều tốt đẹp thì mới cho đoàn người đi chặt cây gỗ đã chọn, nếu mơ thấy điều xấu thì bỏ cây này, chọn cây khác và phải làm lễ khấn thần tiếp cho đến khi mọi sự suôn sẻ mới được chặt. Ngày đi chặt cây phải là ngày đẹp trời, không mưa gió, ở trong buôn không có đám cưới, đám ma, tiếng mang kêu, vượn hú hay tiếng con chim lạ.

Từ sáng tinh mơ, đoàn người đi chặt cây gồm những chàng trai khỏe mạnh mang theo rìu, dùi sắt, kiếm, khiên, tù và do chủ nhà, trưởng đoàn (một người được chọn bên anh em nhà vợ) và thầy cúng dẫn đầu. Đến nơi, trưởng đoàn thổi tù và, đi vòng quanh gốc cây 7 lần, thầy cúng và 7 chàng thanh niên múa khiên đuổi thần ác đi theo sau 7 lần. Tiếp đó, thầy cúng đứng cách gốc cây 3 mét, rồi phóng dùi sắt vào thân cây. Sau ba ngày, nếu dùi cắm chặt vào thân cây thì thần rừng đã cho chặt cây này, dùi bật ra là thần không cho phép chặt, phải đi tìm cây khác. Khi dùi sắt đã cắm chặt vào thân cây, thầy cúng sẽ cúng khấn thần, tốp múa khiên đuổi thần ác, đi vòng quanh gốc cây 7 lần. Thầy cúng cầm chiếc rìu, bổ một nhát vào thân cây, mở đầu công việc hạ cây và chỉ đạo tốp thợ chặt cây sao cho hướng cây đổ dọc theo đường bờ sông. Đặc biệt, nếu cây đổ ngang dòng nước được xem là xúi quẩy và phải bỏ cây đó, đi tìm cây khác. Các chàng trai khỏe mạnh chịu trách nhiệm hạ cây; khi cây đã đổ theo ý định, trưởng đoàn và chủ nhà quan sát toàn thân cây và quyết định chiều dài K’pan cần làm. Sau đó, tốp thợ sẽ chặt cành, đẽo gọt thân cây. Lúc này, trưởng đoàn, chủ nhà, thầy cúng cùng tốp múa khiên vừa thổi tù và, vừa múa xung quanh cây gỗ 7 lần để đuổi thần ác đi, mời thần lành đến. Thầy cúng xin phép các thần để bắt tay vào việc chế tác. K’pan được đẽo một đầu to, một đầu nhỏ, đẽo mặt trên trước, mặt dưới và chân ghế sau. Khi K’pan cơ bản đã được đẽo xong, chủ nhà sẽ thổi tù và để thỉnh báo các thần xin đưa ghế về nhà.

Khi đến giờ chuyển K’pan về buôn, thầy cúng cầm rìu bổ nhẹ vào K’pan theo tục lệ, các chàng trai cùng khiêng K’pan về buôn. Một tốp thanh niên nam nữ khác theo sau vừa đi, vừa đánh chiêng, vừa múa. Đến đầu buôn, đoàn rước K’pan dừng lại, khấn xin thần cổng buôn cho phép được đưa K’pan về nhà.



K'pan trong gian khách của ngôi nhà dài Êđê


Lễ rước K’pan

K’pan được khiêng ra trước nhà, đầu to quay vào cầu thang nhà dài, đầu nhỏ quay ra ngoài.

Thầy cúng làm lễ, khẩn báo với các thần rằng K’pan đã làm xong và xin các thần cho phép được đưa K’pan vào nhà. Sau lời khấn của thầy cúng, chủ nhà ăn mặc đẹp, cầm khiên và kiếm múa vòng quanh K’pan 7 lần để trừ tà và thông báo tên K’pan, khẳng định ghế này đã có chủ và trở thành thành viên trong gia đình. K’pan được các thanh niên trong buôn khiêng vào gian khách, đặt dọc vách phía tây của ngôi nhà. Tiếp đến, buộc 7 ché rượu vào 7 chiếc cột dọc gian Gah (gian khách) và bày các lễ vật như: áo, khố, váy áo, mền, bò hoặc trâu, tùy vào K’pan ngắn hay dài. Trên hai đầu K’pan được đặt đồ cúng và các nhạc cụ như: tù và, đing tút, khiên, kiếm để cúng cho thần coi giữ K’pan. Thầy cúng đi dọc K’pan, vẩy rượu pha tiết heo rồi sau đó ngồi bên chiếc ché lớn nhất và khấn thần. Thầy cúng lần lượt tiến hành các lễ cúng theo quy định như cúng tổ tiên, cúng thần ghế, … Chiêng, trống, tù và nổi lên rộn ràng, vang vọng khắp buôn như báo tin vui với các Yang (thần linh), mời các Yang về uống rượu chung vui cùng với gia đình chủ nhà và buôn làng.

Cuối cùng là phần tiệc rượu; bà con trong buôn có mặt đông đủ, người mang rượu, người mang gạo, con gà đến mừng gia chủ sở hữu K’pan; mọi người được chủ nhà mời uống rượu, ăn cơm, múa hát vui vẻ.


Với người Êđê, K’pan được coi như một vật thiêng, tượng trưng cho sự giàu có của cả gia đình, là niềm tự hào của cộng đồng. K’pan không chỉ có giá trị trang trí, thẩm mỹ mà còn có giá trị sử dụng, là tài sản quý của dân tộc mình.



Nghệ nhân tấu chiêng trong nghi lễ


Hiện nay, Nhà nước với chính sách đóng cửa rừng nên không có những cây gỗ lớn để làm K’pan. Những hộ gia đình nhỏ không còn sống cùng nhau dưới một mái nhà sàn mà đã chuyển sang định cư riêng lẻ. Những chiếc K’pan cũ, do không có chỗ để nên bị bỏ ngoài mưa nắng, dưới gầm sàn, mối mọt, hoặc bị chặt đôi để cho vừa nhà mới; một số bị các lái buôn mua lại để bán cho các nhà sưu tầm.


Nhận thức được tầm quan trọng đó, Bảo tàng Đắk Lắk không ngừng nghiên cứu, sưu tầm và bảo quản K’pan một cách tốt nhất, giảm thiểu rủi ro gây hư hỏng hiện vật. Tại không gian trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Đắk Lắk có đặt K’pan phục vụ khách tham quan. Hình ảnh chiếc K’pan giúp du khách gợi nhớ đến giá trị văn hóa đặc sắc của người Ê đê nói riêng và Tây Nguyên nói chung.




Trần Hằng